Trong nước

Phó Thủ tướng: Cải cách tiền lương để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động

Admin

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Nghị quyết của Trung ương đã hoàn thiện thể chế lương tối thiểu (theo tháng, theo giờ) để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, làm căn cứ để công đoàn thoả thuận lương với giới chủ doanh nghiệp, làm cơ chế điều tiết thị trường lao động.

Chiều 24/9, trong khuôn khổ Đại hội Công Đoàn Việt Nam lần thứ XII, Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ với đại biểu dự Đại hội Công đoàn với chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.

“Không ai bị bỏ lại phía sau”

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, công cuộc đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế do Đảng khởi xướng và Chính phủ thực hiện không thể thành công nếu không có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và mỗi người lao động. Thành quả của đổi mới, tăng trưởng kinh tế không có ý nghĩa gì nếu người dân không được thụ hưởng. Đổi mới, tăng trưởng kinh tế chỉ có ý nghĩa khi tất cả mọi người được chăm lo.

Nhắc lại thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về nội hàm của sự phát triển là “Không ai bị bỏ lại phía sau”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Quốc hội, Chính phủ đã và đang hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn về các vấn đề lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH), các chính sách an sinh khác.

Đặc biệt, hệ thống chính sách pháp luật này dựa trên nguyên tắc thị trường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm mối quan hệ bên trong doanh nghiệp (giữa giới chủ và người lao động) diễn ra tốt đẹp, hài hoà.

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Đại hội Công Đoàn Việt Nam lần thứ XII

Theo Phó Thủ tướng, chính sách cải cách tiền lương và cải cách BHXH vừa được Trung ương thông qua đã thể hiện rõ nguyên tắc này. Cụ thể, Nghị quyết của Trung ương đã hoàn thiện thể chế lương tối thiểu (theo tháng, theo giờ) để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, làm căn cứ để công đoàn thoả thuận lương với giới chủ doanh nghiệp, làm cơ chế điều tiết thị trường lao động.

Hiện nay, Thủ tướng đang chỉ đạo hoàn thiện cơ chế thỏa thuận để xác định mức lương tối thiểu, củng cố vai trò của Hội đồng Tiền lương quốc gia, tăng số lượng thành viên độc lập, giao Tổng cục Thống kê công bố mức sống tối thiểu hằng năm để hình thành các kênh thông tin đánh giá việc thực thi chính sách tiền lương. Chính phủ sẽ tăng cường kiểm tra để bảo đảm chính sách được thực thi hiệu quả.

Thiết kế mô hình BHXH đa tầng

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, chính sách cải cách BHXH được Trung ương thiết kế mô hình BHXH đa tầng. Theo đó, tầng thứ nhất là lương hưu xã hội-trợ cấp tuổi già. Tầng thứ hai là chính sách bảo hiểm cơ bản, bao gồm BHXH xã hội bắt buộc (hưu trí, tử tuất, thai sản, tai nạn, thất nghiệp và chính sách bảo hiểm tự nguyện); trong tầng thứ hai, Nhà nước cũng hỗ trợ một phần đối với một số đối tượng hộ nghèo, khó khăn để khuyến khích họ đóng góp khi tham gia BHXH, bảo đảm cuộc sống về sau. Tầng bảo hiểm thứ ba là bảo hiểm hưu trí bổ sung để phục vụ cho những người lao động có thu nhập cao, muốn gia tăng đóng góp để hưởng bảo hiểm cao hơn.

Chủ trương của Đảng cũng cho phép rút ngắn thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm và hướng tới chỉ còn 10 năm để hưởng lương hưu, bảo đảm bình đẳng giữa người lao động ở khu vực công-tư, bình đẳng giới. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ khơi thông thị trường lao động, đào tạo cán bộ, tăng cường liên thông thị trường trong và ngoài nước, tăng cường kết nối lao động, đào tạo nghề.

Ngoài các chính sách an sinh xã hội cho người lao động về trường học, bệnh viện, nhà trẻ, đất đai, tín dụng... Chính phủ đang trình Quốc hội dành một phần tăng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 để hỗ trợ lãi suất tín dụng nhà ở xã hội.

Về vấn đề này theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ngoài ý nghĩa an sinh còn góp phần thúc đẩy đầu tư tư nhân tham gia xây dựng nhà ở xã hội. “Cứ 1 đồng vốn của Nhà nước bỏ ra xây dựng nhà ở xã hội sẽ thu hút được 10 đồng của xã hội”.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực đại diện của Công đoàn cơ sở, “phủ sóng” nhiều hơn tới cả khối doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân.

“Công đoàn mạnh lên, thực sự đại diện cho người lao động thì không tổ chức nào có thể cạnh tranh được với tổ chức của Liên đoàn Lao động. Chính phủ sẵn sàng đồng hành với Công đoàn thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội công đoàn.” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.