Tin địa phương

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng lên tiếng vụ “thu tiền hơn 12 năm chưa giao đất cho dân”

Admin

\"Sau này thành phố sẽ có hướng chỉ đạo các quận huyện, cơ quan nào làm sai, làm chưa đúng thì phải có sự đền bù theo quy định của pháp luật\" - ĐBQH Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh

Báo CAND có loạt bài viết phản ánh về bức xúc của hàng trăm hộ dân ở xã An Đồng, huyện An Dương, TP. Hải Phòng đã nộp tiền mua đất, được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng 13 năm qua vẫn chưa được giao đất. Chính quyền thành phố hứa sẽ giải quyết cho họ, nhưng đến nay tất cả vẫn đang… đợi chờ và không biết chờ đến bao giờ. Bên lề Quốc hội, chiều 23-5, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng xung quanh vấn đề này.

Thành phố đang xin ý kiến Thủ tướng

PV: Nhiều người phải vay mượn để có tiền nộp mua đất rồi rơi vào bế tắc vì nợ nần. Họ cầu cứu, đòi quyền lợi khắp nơi nhưng dường như tiếng kêu chưa thấu, thậm chí có người phải tìm đến cái chết. Quan điểm của ông về vấn đề này?

ĐBQH Bùi Thanh Tùng: Thời kỳ trước khá nhiều cơ quan có thẩm quyền ở TP. Hải Phòng có những tồn tại trong cấp đất cho dân. Không phải chỉ ở huyện An Dương mà còn một số huyện khác nữa. An Dương chỉ là một mảng rất nhỏ, trên địa bàn thành phố có nhiều trường hợp như thế.

 ĐBQH Bùi Thanh Tùng trao đổi với PV Báo CAND, chiều 23-5

Cũng phải nói thêm rằng, thực ra tình trạng ấy có nhiều loại hình khác nhau, có những chỗ cấp sai thẩm quyền, có chỗ cấp đúng thẩm quyền, người ta nộp tiền nhưng chưa giao đất. Những khiếu kiện, sai phạm liên quan đến đất đai có nguyên nhân rất phức tạp, không nên chỉ nhìn hiện tượng mà đánh giá bản chất. Cũng có sai phạm liên quan đến trách nhiệm của cán bộ địa phương, nhưng cũng có sai phạm liên quan đến thủ tục của người dân chưa hoàn thiện, kể cả có tranh chấp giữa những người dân với nhau, trong dòng họ, gia đình…

PV: UBND TP. Hải Phòng cho biết sẽ có hướng giải quyết rõ ràng, phù hợp với nguyện vọng và đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân. Tuy nhiên đến nay người dân vẫn tiếp tục đợi chờ trong mòn mỏi…

ĐBQH Bùi Thanh Tùng: UBND TP đã làm rất tích cực, tổng hợp lại toàn bộ tình hình, phân tích nguyên nhân, làm rõ từng đối tượng một, có vướng mắc gì để báo cáo Chính phủ, xin ý kiến chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ. Tại các kỳ tiếp xúc cử tri, đối thoại với người dân, đồng chí Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cũng đã giải thích rõ vấn đề này.

Thực sự thành phố cũng muốn giải quyết sớm, nhưng có những việc phải xin ý kiến của Chính phủ. Khi Chính phủ chưa có ý kiến, chưa có hướng dẫn cụ thể thì thành phố không thể làm được vì nếu làm sẽ trái pháp luật. Đây là những nội dung đặc thù… Người dân sốt ruột, chính quyền thành phố cũng thấu hiểu, nhưng không thể đi tắt hay làm tắt. Nhân dân phải kiên nhẫn chờ đợi thôi.

PV: Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng từng có hướng dẫn giải quyết vấn đề này.

ĐBQH Bùi Thanh Tùng: Thành phố đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường từ nhiệm kỳ trước nhưng chính các bộ cũng có những vướng mắc, khó khăn, lúng túng trong hướng dẫn. Thực chất ở giai đoạn trước, khi Luật đất đai 2013 chưa có hiệu lực thì quy định về quản lý đất đai vẫn còn lỏng lẻo, có những trường hợp cấp huyện cũng giao đất, xã cũng cấp đất, đấy là do lỗ hổng của pháp luật. Đến 2013 chúng ta có Luật đất đai, quy định chặt chẽ thì mới rà soát lại, có rất nhiều trường hợp cấp sai thẩm quyền, nhưng chủ yếu cấp huyện và cấp xã.

Bây giờ phải rà soát lại có bao nhiêu trường hợp, cấp sai hay thu tiền rồi mà không có đất để giao, tuỳ theo từng loại phân tích tình trạng, căn cứ quy định pháp luật. Cái gì xin ý kiến Chính phủ, cái gì xin ý kiến các bộ, ngành để giải quyết cho tổng thể, để dứt điểm tất cả các vướng mắc chứ không chỉ giải quyết cho một nhóm mấy trăm hộ của huyện này mà quên đi huyện khác. Hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chỉ giải quyết cho một trường hợp cụ thể. Do đó nếu muốn giải quyết tổng thể, thấu đáo thì phải báo cáo Chính phủ.

Vấn đề là trong quy hoạch sử dụng đất không có nguồn đất, anh không thể lấy đất nông nghiệp để giao cho dân làm nhà được, trong khi trước đó anh đã thu tiền của dân, thì bây giờ phải xin ý kiến Thủ tướng phần được xét quỹ đất nhất định có được phép chuyển đổi từ đất nông nghiệp hoặc đất mục đích khác sang nhà ở để giao cho dân hay không. Quy định của pháp luật về vấn đề này rất chặt chẽ, không đơn giản cứ quyết là được.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát và đôn đốc”

PV: Người dân có thể tiếp tục chờ, nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại khi dự án kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ và gây ra những phức tạp về an ninh trật tự, thưa đại biểu?

ĐBQH Bùi Thanh Tùng: Sau này thành phố sẽ có hướng chỉ đạo các quận huyện, cơ quan nào làm sai, làm chưa đúng thì phải có sự đền bù theo quy định của pháp luật. Muốn quy trách nhiệm phải theo quy định hiện hành. Mình đã có quy định liên quan đến trách nhiệm bồi thường nhà nước, nếu cấp huyện làm sai, những người làm sai đã về hưu rồi thì chính quyền thành phố phải đứng ra để đền bù, đảm bảo cho người dân.

PV: Xin ông cho biết, trách nhiệm của Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng trong vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Bùi Thanh Tùng: Tại các cuộc phối hợp cùng dự đối thoại giữa lãnh đạo HĐND thành phố với nhân dân hoặc sau những kỳ tiếp xúc cử tri thì tất cả kiến nghị của dân đều được tập hợp để chính quyền thành phố xem xét. Gần đây, sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng cũng có kiến nghị, trao đổi với đồng chí Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách lĩnh vực đó, đề nghị tập trung quan tâm giải quyết, tháo gỡ.

Năm 2016, Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng cũng có giám sát chuyên đề liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khẳng định thực trạng này, từ đó kiến nghị với UBND thành phố tập trung chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ. Hiện thành phố đang làm và đang tích cực kiến nghị với Chính phủ để có hướng dẫn chi tiết. Sau này trong quá trình thực hiện chức năng giám sát thì anh em trong Đoàn cũng sẽ tiếp tục đôn đốc. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ rà soát lại quy định pháp luật, những nội dung nào cần kiến nghị với Chính phủ thì chúng tôi sẽ kiến nghị. Thủ tướng Chính phủ cũng thuộc đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng nên sẽ rất thuận lợi. Hay nội dung nào vượt thẩm quyền của Chính phủ thì Đoàn sẽ kiến nghị UBTVQH.

PV: Mặc dù các quyết định giao đất chưa thực hiện xong nhưng UBND TP Hải Phòng vẫn phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 quận Hồng Bàng và phần mở rộng đến năm 2025, có một diện tích chồng lấn lên diện tích của quyết định giao đất cho công dân làm nhà ở. Người dân lo ngại “trắng tay” khi tiền mất và đất cũng không còn…

Hiện TP. Hải Phòng có chủ trương mở rộng địa giới quận Hồng Bàng, có nghĩa có điều chỉnh địa giới hành chính của quận Hồng Bàng và huyện An Dương. Quá trình thực hiện điều chỉnh địa giới qua nhiều bước, đã xong bước xin ý kiến cộng đồng dân cư, xin ý kiến HĐND cấp huyện. Vào kỳ họp giữa năm sắp tới đây, HĐND TP. Hải Phòng sẽ thông qua đề án, trong đó một số xã ở An Dương được điều chỉnh về quận Hồng Bàng. Sau khi HĐND thành phố có Nghị quyết phê chuẩn đề án thì sẽ trình Chính phủ, trình UBTVQH theo đúng quy định.

Theo nguyên tắc về mặt kế thừa, cái gì mà chính quyền trên địa bàn địa giới hành chính cũ làm chưa đúng thì một mặt những người có trách nhiệm vẫn phải có trách nhiệm với việc ấy, dù họ đương chức hay nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm. Thứ hai, kể cả anh điều chỉnh quỹ đất từ huyện An Dương về quận Hồng Bàng thì đương nhiên chính quyền cơ sở vẫn phải chịu trách nhiệm. Những tranh chấp, vướng mắc chưa giải quyết được thì khi sáp nhập vào, quận Hồng Bàng phải chịu trách nhiệm, kể cả chính quyền TP. Hải Phòng cũng phải chịu trách nhiệm.

PV: Xin cảm ơn đại biểu!