Kinh tế

Phú Yên: Nông dân lao đao vì hàng trăm ha mía đổ bệnh

Admin

Tính đến nay, tại tỉnh Phú Yên có hơn 500 ha mía đổ bệnh đốm vàng trên lá, bệnh này càng để lâu sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chữ đường…Nông dân mong muốn sớm được thu mua để giảm bớt thiệt hại, nhưng nhà máy thì vẫn chưa hoạt động đẩy họ vào cảnh khó khăn.

Bệnh đốm khô lá mía xuất hiện tại huyện Sông Hinh (Phú Yên) từ cuối năm 2017 với diện tích khoảng 30ha, nhưng đến nay bệnh lây lan rộng ra hơn 215ha. Mía nhiễm bệnh nhẹ sẽ làm giảm sản lượng và chữ đường từ 20 đến 40%; nặng thì mất trắng. Do hầu hết diện tích mía phát bệnh ở chu kỳ sinh trưởng cuối nên việc phun thuốc phòng trừ là không thể.

 Hàng trăm ha mía ở Phú Yên đổ bệnh đốm khô lá

Để có tiền đầu tư tái sản xuất, chăm lo cho gia đình, thời gian qua, ông Y Lu ở buôn Chung, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh rao bán 2ha mía đã đến kỳ thu hoạch nhưng ai cũng lắc đầu và chê mía đang bị bệnh, chữ đường thấp.

“Năm ngoái, ngay từ đầu mùa thương lái đã đến trả giá, còn năm nay chờ mãi không thấy ai. Gia đình tôi đã đầu tư vào 2ha mía này hơn chục triệu đồng tiền phân, thuốc, chưa tính công cuốc cỏ, phun thuốc, bón phân. Giờ không ai mua thì biết làm sao”.ông Y Lu than thở.

 Ông Y Lu muốn bán mía để lo cho gia đình nhưng ai cũng chê vì mía bệnh chữ đường thấp

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, toàn bộ 2,4 ha mía của gia đình anh Cao Xuân Bình, khu phố 8, thị trấn Hai Riêng (H. Sông Hinh) đã khô cháy lá. Nguy cơ trắng tay đang hiện diện gần kề nếu nhà máy không thu mua mía kịp thời.

Anh Cao Xuân Bình khu phố 8, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh chia sẻ: Tự nhiên lá mía cứ vàng úa dần đi. Nếu cứ như vậy một thời gian nữa mía sẽ khô, cân thì giảm, chữ đường thì thấp. Lúc ấy chỉ còn biết đốt đi chứ chẳng ai mua. Điều mong muốn của nông dân lúc này là nhà máy có kế hoạch ép và thu mua mía cho dân.

 Ông Bình cho rằng nếu nhà máy không cho thu mua sớm thì nông dân đành đốt bỏ 

Trước tình hình, khó khăn của nông dân, UBND huyện Sông Hinh đã làm việc với Công ty Cổ phần mía đường Tuy Hòa để tháo gỡ khó khăn giúp người nông dân.

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Diện tích mía bị nhiễm bệnh lớn và khó ngăn chặn bởi vì mía đã lớn, chuẩn bị đến ngày thu hoạch. Trước tình hình này, UBND huyện Sông Hinh cũng đã làm việc với Công ty Cổ phần mía đường Tuy Hòa và đề nghị khẩn trương cho thu hoạch sớm những diện tích bị bệnh để tránh ảnh hưởng đến năng suất, chữ đường. Về lâu dài, kết thúc niên vụ, các đơn vị chuyên môn sẽ hướng dẫn bà con cách phòng trị bệnh.

Ngoài các diện tích mía ở huyện Sông Hinh vị bệnh vàng lá, tại các xã An Lĩnh và An Xuân (huyện Tuy An, Phú Yên) cũng đã xuất hiện bệnh với diện tích hơn 315ha. Các diện tích mía này đang vào kỳ vươn lóng (đốt mía). Tỉ lệ lá mía bị bệnh đốm vàng gây cháy từ 65-85%. Nhiều khu vực lá mía bị cháy từ gốc và thân, chỉ còn trơ lại trên ngọn từ 4-5 lá xanh.