Xã hội

Quảng Ninh chuẩn bị tốt nhất cho đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn

Admin

Thời gian qua, Quảng Ninh đã quy hoạch Vân Đồn với tầm nhìn chiến lược; chuẩn bị cơ sở hạ tầng; rá soát sắp xếp tổ chức bộ máy và chuẩn bị nhân sự đảm bảo chất lượng. Đây là những điều kiện thực tiễn cần thiết để thành lập Đặc khu Vân Đồn.

Quy hoạch Đặc khu với tầm nhìn chiến lược

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ninh đã lựa chọn các đơn vị tư vấn nước ngoài có đẳng cấp và uy tín hàng đầu thế giới là Tập đoàn PricewaterhouseCoopers (PwC) và Tập đoàn Arcadis & Callison RTKL để lập Quy hoạch chung xây dựng và Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Vân Đồn theo định hướng phát triển thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt hiện đại, thông minh và sinh thái.

Việc xây dựng các Đồ án quy hoạch này được Quảng Ninh triển khai theo kinh nghiệm mà tỉnh đã thực hiện đối với 07 quy hoạch chiến lược của tỉnh trước đây.

 Vân Đồn nhìn từ trên cao

Theo đó, Quảng Ninh đã thành lập Tổ công tác chuyên trách của tỉnh để cùng làm với đơn vị tư vấn; tư duy theo hướng sản phẩm quy hoạch là trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học và của tỉnh, được đơn vị tư vấn cụ thể hoá với tầm nhìn chiến lược, dài hạn.

Đến thời điểm hiện nay, các đơn vị tư vấn đã hoàn thành công tác khảo sát thực địa, thống nhất tư liệu, số liệu với các đơn vị liên quan. Trong tháng 5/2018, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ sẽ nghe và cho ý kiến về Đồ án quy hoạch.

Dự kiến, Quảng Ninh sẽ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ngay sau khi Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được thông qua.

Chuẩn bị cơ sở hạ tầng đồng bộ

Song song với việc xây dựng Đề án đặc khu Vân Đồn, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp huy động mọi nguồn lực đầu tư để nhanh chóng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (kết nối khu vực và quốc tế, giao thông nội khu), đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khác, tập trung vào các công trình động lực tạo nền tảng cho sự phát triển của Đặc khu.

Theo đó, trong giai đoạn 2012-2017, Quảng Ninh đã huy động và thu hút trên 57.600 tỷ đồng (tương đương 2,62 tỷ USD) để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực phục vụ phát triển Vân Đồn. Trong đó: Đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước là 17.300 tỷ đồng, chiếm 30% tổng vốn đầu tư (ngân sách Trung ương 2.050 tỷ đồng, chiếm 3,6%, ngân sách địa phương 15.250 tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng vốn đầu tư); đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách là 40.300 tỷ đồng, chiếm 70% (chủ yếu bằng hình thức đầu tư PPP).

Một số dự án, công trình giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai như dự án tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 25km, tổng mức đầu tư trên 13.600 tỷ đồng, đã tiến hành hợp long cầu Bạch Đằng vào ngày 28/4/2018 vừa qua và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý II-2018; dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương, dài 53,6km, tổng mức đầu tư 13.988 tỷ đồng dự kiến sẽ hoàn thành vào quý II năm 2018; dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, dài 80,2km, tổng mức đầu tư 12.650 tỷ đồng, đang thực hiện GPMB, dự kiến khởi công quý III năm 2018 và hoàn thành vào năm 2020; dự án tuyến đường trục chính từ cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn dài 15km, tổng mức đầu tư 1.429 tỷ đồng, dự kiến thông tuyến trong quý II năm 2018. Đồng thời các tuyến đường nội khu cũng đã được hoàn thành như: Tuyến đường trục chính nối từ đường 334 đến cảng hàng không quốc tế Vân Đồn dài 7km, tổng mức đầu tư 687 tỷ đồng; tuyến đường từ khu tái định cư xã Vạn Yên đến Khu công viên phức hợp phía Đông Đảo Cái Bầu, dài 8,7km, tổng mức đầu tư 430 tỷ đồng.

Bên cạnh các dự án giao thông đường bộ là một loạt các dự án quan trọng giúp khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đặc khu gồm Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn quy mô cấp 4E, đường cất hạ cánh dài 3,6km, công suất 2,5 triệu lượt khách/năm, tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành khai thác cuối năm 2018; Cảng nước sâu Hòn Nét - Con Ong (cảng du lịch và hàng hóa tổng hợp) đang được các nhà đầu tư nghiên cứu chuẩn bị đầu tư từ năm 2018.

 Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đang được nhanh chóng thi công

Theo đúng lộ trình, đến hết năm 2018, Quảng Ninh sẽ hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc nối Hải Phòng qua thành phố Hạ Long và đến Vân Đồn, qua đó rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội đến Vân Đồn chỉ còn 2h đồng hồ thay vì 5h đồng hồ như hiện nay.

Đến hết năm 2020, Quảng Ninh sẽ hoàn thành kết nối cao tốc từ Vân Đồn đến thành phố Móng Cái và đưa vào sử dụng đồng bộ các loại hình giao thông đường cao tốc, đường biển và đường hàng không kết nối Vân Đồn với các trung tâm kinh tế lớn trong nước và quốc tế.

Cùng với hạ tầng giao thông, nhiều công trình kết cấu hạ tầng khác đã được đầu tư hoàn thành hoặc đang được đẩy nhanh tiến độ như: Hoàn thành hệ thống cấp điện ra các xã đảo của Vân Đồn; triển khai đầu tư nguồn cung cấp nước và hệ thống cấp nước sạch; đầu tư các công trình viễn thông, thông tin liên lạc đáp ứng nhu cầu phát triển của Vân Đồn.

Rà soát sắp xếp tổ chức bộ máy và chuẩn bị nhân sự đảm bảo chất lượng

Những năm gần đây, Quảng Ninh đã triển khai các giải pháp tinh giản bộ máy gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức theo Đề án 25 về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy biên chế.

Trong đó, Quảng Ninh đã ưu tiên triển khai tại Vân Đồn như nhất thể hóa chức danh; sắp xếp, điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức, bộ máy, biên chế, công chức, viên chức, người lao động... Đồng thời đã chỉ đạo triển khai xây dựng phương án cụ thể về việc sắp xếp tổ chức bộ máy huyện Vân Đồn để phù hợp với mô hình tổ chức đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị BCH Trung ương 6, khoá XII nhằm đảm bảo thuận lợi trong việc sắp xếp lại bộ máy, nhân sự của Vân Đồn khi thành lập đơn vị HC-KT đặc biệt; thực hiện hợp nhất Ban Tổ chức Huyện uỷ và phòng Nội vụ thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Vân Đồn; hợp nhất Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ với Thanh tra thành Cơ quan Kiểm tra - Thanh tra huyện Vân Đồn...

Cùng với đó, Quảng Ninh đã cử cán bộ, công chức, viên chức đi học tập bồi dưỡng về “Mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước đối với Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt” tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Đồng thời giao Ban Tổ chức Tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát về trình độ chuyên môn, cơ cấu độ tuổi, các vị trí việc làm; xây dựng phương án khung về bộ máy, vị trí việc làm; tiêu chuẩn chức danh; điều kiện sắp xếp; đào tạo nguồn nhân lực cho và dự kiến bước 1 về sắp xếp, bố trí nhân sự Đặc khu Vân Đồn; xây dựng phương án sắp xếp, sử dụng, bố trí nhân sự phù hợp với tổ chức bộ máy của Đặc khu, cụ thể gồm: dự kiến số lượng; yêu cầu trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ; danh sách cán bộ, công chức, viên chức, lao động tiếp tục tham gia làm việc trong bộ máy Đặc khu và danh sách những người phải đào tạo lại; danh sách những người chuyển đổi công việc; nghỉ hưởng chế độ chính sách...

Không những vậy, Quảng Ninh cũng đề xuất, kiến nghị với Trung ương về phương án tổ chức bộ máy; bố trí, sắp xếp, thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động khi thành lập tổ chức bộ máy theo mô hình mới để khi Luật đơn vị HCKTĐB được thông qua là có thể triển khai được ngay.