Loading...
Những năm gần đây, cây keo tràm đem lại giá trị kinh tế cao, nhiều người dân ở xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đã mang cưa máy đốn hạ rừng tự nhiên để lấy đất trồng loại cây này.
Đi sâu vào khu rừng ở xã Tiên Lãnh, đến dốc Giằng Mặt thuộc tiểu khu 577, trước mắt chúng tôi là những cánh rừng phòng hộ bị chặt phá nghiêm trọng. Từng mảng rừng bị "xẻ thịt", đốt cháy nham nhở để lại thân cây, gốc cây nằm la liệt. Những cây keo cao khoảng 30 cm được trồng bên cạnh những gốc, thân cây lớn đã bị đốn hạ.
“Càng đi sâu vào rừng sẽ thấy cảnh chặt phá nhiều hơn. Sau khi dùng cưa máy hạ cây, người dân chờ cành, lá khô sẽ châm lửa đốt, rồi chờ mưa xuống đưa cây keo vào trồng”, người dẫn đường cho chúng tôi nói.
Để lấy đất trồng keo, nhiều diện tích rừng tự nhiên ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước bị chặt phá, để lại những gốc cây to. Ảnh: Đắc Thành. |
Men theo bờ sông Tranh, chúng tôi đến suối Cửa Cá và phát hiện một con đường mòn dùng để trâu kéo gỗ từ rừng ra. Từ vị trí này đi bộ thêm 30 phút sẽ đến một cánh rừng khác bị chặt phá. Tại đây vẫn còn nhiều cây gỗ được cắt khúc nhưng chưa kịp đưa ra khỏi rừng.
Theo tìm hiểu, người dân vào sâu trong rừng để chặt gỗ, họ để lại một ít cây phía ngoài "làm bình phong" nên đứng từ xa thì rất khó phát hiện cảnh phá rừng.
Rừng tự nhiên bị đốn hạ, đốt cháy. Ảnh: Đắc Thành. |
Chúng tôi tiếp tục đi bộ lên đỉnh đồi, vị trí nhìn xuống tiểu khu 556 và thấy thêm nhiều hecta rừng tự nhiên bị đốn hạ, đốt cháy.
Theo một số người dân địa phương, việc chặt phá cây rừng diện tích lớn như nêu trên cho thấy "có ai đó đã đầu tư số tiền lớn để thuê nhân công, vì tiền thuê một người và cưa máy mỗi ngày làm việc trong rừng đã lên đến vài triệu đồng; với những cánh rừng đã bị chặt phá thì ước tính tiền công cả trăm triệu".
Ông Lê Minh Sơn - Bí thư Đảng uỷ xã Tiên Lãnh xác nhận, việc người dân phá rừng phòng hộ lấy đất trồng keo diễn ra lâu nay, "nguyên nhân là cây keo đem lại giá trị kinh tế cao".
Đứng từ đỉnh đồi nhìn xuống tiểu khu 556 và 557, rừng bị phá loang lổ. Ảnh: Đắc Thành. |
“Chúng tôi chưa xác định được diện tích rừng bị phá là bao nhiêu. Mới đây, lực lượng chức năng bắt được bảy người phá rừng, hiện vụ việc do kiểm lâm thụ lý”, ông Sơn nói và cho biết, có nhiều vụ phá rừng đã bị phát hiện và bàn giao cho kiểm lâm xử lý, tuy nhiên chế tài xử phạt nhẹ, không đủ răn đe.
Ông Sơn dẫn chứng vào tháng 3/2016, chính quyền phát hiện ông Đinh Văn Hiếu (xã Tiên Hiệp) thuê ba người đốn hạ hơn một ha rừng và đang chuẩn bị chặt phá hơn ba ha tại khoảnh 6, tiểu khu 577.
"Chính quyền xã lập biên bản bàn giao cho kiểm lâm, cuối cùng ông Hiếu chỉ bị xử phạt hơn 700 nghìn đồng", ông Sơn nói.
Sau khi chặt hạ, đốt cháy những loại gỗ được cưa xẻ dùng trâu trâu kéo đưa ra khỏi rừng. Ảnh: Đắc Thành. |
Lãnh đạo xã Tiên Lãnh cũng chia sẻ, địa phương có hơn 7.000 ha rừng, trong đó hơn 3.000 ha rừng phòng hộ, "diện tích rất lớn nhưng chỉ có một kiểm lâm địa bàn phụ trách, do người ít nên khó quản lý hết được".
Ông Sơn nói, mỗi khi lực lượng chức năng tổ chức tuần tra thì bị người dân theo dõi và gọi điện thông báo cho nhóm phá rừng biết trước.
"Tuần tra nhiều lần nhưng không bắt tại chỗ nên rất khó xử lý. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp trên tăng cường lực lượng cho địa phương để bảo vệ rừng, tuy nhiên đến nay chưa được chấp thuận", ông Sơn cho biết.
Ông Bùi Văn Tưởng - Trưởng hạt kiểm lâm Nam Quảng Nam cho hay, rừng phòng hộ xã Tiên Lãnh được ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tiên Phước ký hợp đồng với người dân bảo vệ. Ngày 17/8, lực lượng chức năng tổ chức truy quét, bắt được bảy người cư trú ở huyện Bắc Trà My đang phá rừng tại khoảnh 5, tiểu khu 556.
“Số người này đi làm thuê cho một người ở xã Tiên Lãnh. Qua kiểm đếm có bảy ha rừng bị phá. Trong vài ngày tới, cơ quan chức năng tiếp tục đi xem xét hiện trường để xử lý”, ông Tưởng nói.