Vừa qua, tại Cần Thơ, hàng loạt bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy đa tạng do uống thuốc trị đái tháo đường không rõ nguồn gốc, thậm chí có những ca tử vong dù được điều trị tích cực. Trong khi đó, tại TP HCM, ca mới nhất được Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM tiếp nhận cứu chữa là ông L.V.M (80 tuổi, ngụ TP HCM), nhập viện sau khi uống một loại thảo dược nhào trộn dạng viên.
Uống chất cấm mà ngỡ thần dược
Ông M. bị bệnh đái tháo đường đã nhiều năm, hằng ngày, ông uống thảo dược dạng viên, sức khỏe và đường huyết ổn định, không cần dùng nhiều thuốc. Vài tuần trước khi nhập viện, ông M. bắt đầu có những triệu chứng mệt mỏi, ói mửa, không ăn uống được nhưng không hề đau bụng, sốt hay tiêu chảy. Đến khám tại BV Đại học Y Dược, ông không có bất kỳ một triệu chứng đáng lưu ý nào, kể cả chỉ số đường huyết cũng rất ổn định.
Một ca điều trị sau khi dùng thần dược trị đái tháo đường |
Tuy nhiên, khi thực hiện các xét nghiệm lâm sàng, các bác sĩ (BS) khá bất ngờ vì trái ngược hoàn toàn với biểu hiện bên ngoài của bệnh nhân. Ông M. bị suy thận cấp và toan máu nặng với pH=6.8 (trong khi mức bình thường 7.35-7.45).
Tình trạng toan máu nặng thường chỉ gặp ở người bệnh ngưng thở, ngưng tim từ rất lâu. Xác định đây là trường hợp rất nặng, có thể tử vong bất kỳ lúc nào, ê-kíp trực tiến hành điều trị thuốc song song với việc lọc máu cấp cứu.
Qua nói chuyện với người nhà, các BS xác định ông M. đang dùng một loại thảo dược dạng viên, đựng trong các bao nhựa không nhãn mác được một người quen giới thiệu có tác dụng hạ đường tốt, rẻ tiền, dễ mua, không cần khám bệnh hằng tháng, tiện lợi hơn tiêm insulin. Sau các xét nghiệm phân tích chuyên sâu, các BS khẳng định đây không phải là thảo mộc đơn thuần mà chính là phenformin, một loại thuốc trị đái tháo đường nổi tiếng ở thập niên 50-70 của thế kỷ trước đã bị cấm lưu hành từ hơn 50 năm.
Ngoài ra, tại tỉnh Đồng Nai và Bình Dương cũng có 2 trường hợp đến gần cửa tử sau khi uống "thần dược" trị đái tháo đường nhiễm toan máu nặng với chỉ số pH=6.72 và pH=6.89, kèm suy đa tạng.
BSCKI Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng Khoa Cấp cứu BV Đại học Y Dược, cho biết những bệnh nhân được cứu sống do may mắn được chẩn đoán sớm và chính xác bệnh lý, cộng với việc cấp cứu kịp thời. Các trường hợp tương tự, tỉ lệ tử vong lên đến hơn 50%. Thuốc phenformin là thuốc hàng đầu trị đái tháo đường được đưa vào thị trường năm 1957 tại Mỹ, ban đầu là thuốc được ưa chuộng vì tác dụng rất tốt nhưng bị cấm sản xuất và lưu hành từ năm 1973 vì ghi nhận hàng loạt ca tử vong liên quan đến nhiễm axít lactic khi dùng thuốc này.
Không được tự ý dùng thuốc
Giới chuyên gia nội tiết cho rằng tình trạng nhiễm toan axít lactic rất dễ xảy ra khi người bệnh uống phenformin kèm các thuốc giảm đau, kháng viêm trị đau nhức, lợi tiểu trị huyết áp cao, hay người bệnh đã có bệnh thận mạn tính do tiểu đường lâu năm... Việc điều trị bằng thuốc này dễ xảy ra các tác dụng phụ, biến chứng gây tử vong, thậm chí ở người còn rất trẻ. Đôi khi diễn biến tử vong rất nhanh mà không tìm được nguyên nhân, thậm chí dẫn đến nghi ngờ bị đầu độc.
GS-TS-BS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, cảnh báo người bệnh dùng thảo dược dạng bột vo thành viên, không rõ nguồn gốc để điều trị đái tháo đường là có thật. Khi phân tích, có tình trạng thảo dược đã bị trộn tây dược có thành phần đã bị cấm lưu hành. Vì thế, khi sử dụng, bên ngoài, bệnh nhân có thể ổn định đường huyết nhưng tiềm ẩn nhiều tác dụng nguy hại.
Giới chuyên môn cho rằng một số loại thảo mộc dân gian nếu được sử dụng đúng cách cũng giúp ổn định đường huyết cho người bệnh. Đáng lo ngại là người bệnh tự ý sử dụng tràn lan các loại đông dược không rõ nguồn gốc để điều trị đái tháo đường, khiến tình trạng bệnh không được cải thiện mà còn gây ra nhiều biến chứng nặng nề hơn.
Bệnh đái tháo đường không điều trị hết mà phải kiểm soát đường huyết gần như suốt đời nên nhiều người bệnh ngán ngại, bất chấp lời khuyên của BS, tìm đến những bài thuốc đông y vì cho rằng tiện lợi và có lợi cho thể trạng.
"Người bệnh đái tháo đường dù có mong muốn điều trị bằng đông y hay tây y đều cần đến các cơ sở y tế có chuyên môn uy tín để được tư vấn điều trị và hướng dẫn sử dụng thuốc, tránh việc tự ý dùng thuốc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng"- BS Nguyễn Viết Hậu khuyến cáo.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia y học cổ truyền, ngoài bệnh đái tháo đường, nhiều người bệnh về xương khớp còn truyền tai nhau mua các loại thuốc dạng viên tễ để chữa trị. Tuy nhiên, các dạng thuốc này thực chất là thảo dược trộn với thuốc tây dexamethasone hay coticoid có tác dụng giảm đau, kháng viêm khẩn cấp, tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, như: tăng huyết áp, máu nhiễm mỡ, béo phì, xuất huyết tiêu hóa, hội chứng cushing (mập ở mặt, cổ và lưng, teo ở chân)...