Trong nước

Sáng 22/5, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước

Hậu Nguyễn

Sáng 22/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn về danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

 

Quốc hội thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trước đó, chiều ngày 21/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội Tờ trình về việc bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026; Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an.

Sáng nay (22/5), sau khi thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước để Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Sau khi có kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết, theo quy định của Hiến pháp, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ và phát biểu nhậm chức.

Về nhân sự bầu giữ chức Chủ tịch nước, trước đó, tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã cho ý kiến về nhân sự để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Cụ thể, Trung ương thống nhất cao giới thiệu đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước.

Đại tướng Tô Lâm sinh ngày 10/7/1957; quê quán ở xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Trình độ chuyên môn: Giáo sư, Tiến sĩ Luật học.

Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.

Ông Tô Lâm hiện đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phó Trưởng Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương; Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Về quá trình công tác, sau khi tốt nghiệp tại Học viện An ninh nhân dân, ông Tô Lâm trở thành cán bộ Cục Bảo vệ chính trị I (Bộ Công an). Sau đó, ông kinh qua nhiều chức vụ ở các đơn vị của Bộ Công an và lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Bộ Công an trong suốt quá trình công tác.

Ông Tô Lâm trưởng thành từ cán bộ Cục Bảo vệ Chính trị I, Bộ Công an. Ông Tô Lâm từng kinh qua các chức vụ: Trưởng phòng, Phó Cục trưởng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị I - Tổng cục An ninh; Phó Tổng Cục trưởng, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách rồi Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh I - Bộ Công an.

Từ tháng 8/2010 - 4/2016, ông Tô Lâm làm Thứ trưởng Bộ Công an; từ tháng 4/2016 đến nay, ông Tô Lâm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an.

Cũng trong ngày 22/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; tiến hành thủ tục phê chuẩn Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh; tiến hành thủ tục miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Trong buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.