Nhà báo Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ (bìa phải), trao công trình đóng góp ý kiến cho Sở Du lịch TP.HCM dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Tổng cục Du lịch và UBND TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Dự kiến quỹ này sẽ được lấy một phần từ nguồn Nhà nước cấp trong ba năm đầu, mỗi năm khoảng 100 tỉ đồng. Ngoài ra là 10% từ nguồn thu visa, 5% phí tham quan du lịch, phần này sẽ để lại cho địa phương, cuối cùng là đóng góp từ doanh nghiệp và các nguồn thu hợp pháp khác.
"Chậm nhất trong quý 2-2018 quỹ này sẽ ra đời, khi đó du lịch VN có khoảng 400 - 500 tỉ đồng phục vụ hoạt động xúc tiến, quảng bá, gấp 10 lần so với hiện nay" - ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, nói.
Ông Tuấn cũng cho rằng không chỉ du lịch Việt Nam mà bản thân du lịch TP.HCM cũng đã gặp những điểm nghẽn riêng như vấn đề sản phẩm, an ninh điểm đến, liên kết nội tại và liên kết liên vùng. Quá trình cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ảnh hưởng lớn đến đi lại.
"Đây là điểm nghẽn chí tử của du lịch TP thời gian tới cần nhiều cơ quan cùng vào cuộc" - ông Tuấn nói. Khẳng định du lịch TP.HCM chính là động lực quan trọng của cả ngành du lịch Việt Nam, ông Tuấn cho rằng những vấn đề của ngành du lịch thành phố cần được giải quyết sớm.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm, trong phát triển du lịch, quảng bá rất quan trọng, đặc biệt rất cần kịp thời phản ứng với những thông tin bất lợi, nhạy cảm với du khách.
Ông Liêm nhấn mạnh sẽ vừa xây dựng nhưng cũng phải vừa bảo vệ hình ảnh, điểm đến ở Việt Nam bằng cách bảo vệ kịp thời quyền lợi cho du khách.