Trong nước

Sẽ kiểm soát lạm phát dưới 4%

Admin

Còn nhiều công cụ, dư địa, hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay. Đó là khẳng định của phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá sáng 10-7, tại Hà Nội.

 Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá sáng 10-7 - Ảnh: THÀNH CHUNG

Theo phó thủ tướng, lạm phát kỳ vọng đang cao hơn rất nhiều lạm phát thực tế, lạm phát (CPI) tháng 6 tăng 0,61% không có gì bất thường khi giá thịt heo tăng rất mạnh.

Hơn nữa, CPI tăng 0,61% là nằm trong dự báo của Ban chỉ đạo điều hành giá.

Giá thịt heo đẩy lạm phát tăng cao

Cụ thể, giá thịt heo hơi trong tháng 6 tăng 8,12% so với tháng trước, đã đẩy CPI tăng cao. Riêng giá thịt heo hơi tăng đã đóng góp tăng CPI tháng 6 khoảng 0,34%, trong khi tất cả các mặt hàng khác chỉ đóng góp tăng 0,27%.

Trong các nhóm hàng hóa còn lại, nhóm giao thông tăng 1,04%, đây là nhóm hàng hóa có chỉ số tăng cao thứ hai trong 11 nhóm hàng hóa chính đóng góp tăng CPI.

Giá vé máy bay tăng, VietJet Air, Jetstar Pacific đã điều chỉnh phụ thu tăng 3,59%, giá vé xe buýt tăng 2,68%, giá vé tàu hỏa tăng 7,41%.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định CPI tháng 6 tăng chủ yếu do hai nhóm hàng thịt heo và giá dịch vụ giao thông vận tải tăng.

Tâm lý lạm phát rất quan trọng, tháng 6 nếu loại trừ yếu tố ngắn hạn giá thịt heo tăng thì lạm phát tháng 6 chỉ 0,27%, thấp nhất trong nhiều năm qua.

CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, gây áp lực lên mục tiêu CPI bình quân cả năm tăng 4% theo chỉ tiêu Quốc hội giao. Đây là một thách thức khá lớn.

Bên cạnh đó, diễn biến tỉ giá thời gian gần đây khá phức tạp, sau khi Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, xung đột thương mại giữa Trung Quốc - Mỹ leo thang đã tác động rất mạnh đến tỉ giá.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ thực hiện đầy đủ các biện pháp, quyết tâm giữ lạm phát bình quân tăng không quá 4%, vì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát luôn là mục tiêu hàng đầu.

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần định hướng điều hành giá thịt heo trong những tháng còn lại.

Giá thịt heo thời gian qua tăng quá cao, tăng cao nhất thế giới, trong khi vấn đề này đã được cảnh báo từ đầu năm.

Dự báo từ nay đến cuối năm có khoảng 10 cơn bão có thể đổ bộ vào nước ta nên phải tính toán cung cầu, giá lương thực thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu trong điều mưa lũ. Đặc biệt, phải giải cho được bài toán giá thịt heo.

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá - Ảnh: THÀNH CHUNG

Dừng trích quỹ bình ổn nếu xăng dầu tăng quá cao

Theo ông Nguyễn Bích Lâm - tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - áp lực tăng giá những tháng còn lại của năm 2018 chủ yếu đến từ các nhân tố thị trường như biến động tăng của giá một số nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới như giá xăng dầu, khí hóa lỏng (LPG).

Biến động tăng của giá lương thực, thực phẩm trong nước; rủi ro từ thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp làm tăng giá cục bộ các mặt hàng thiết yếu tại các địa phương bị ảnh hưởng; việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước định giá như y tế, giáo dục, cước bưu chính phổ cập.

Ngoài ra, một số nhân tố tác động gián tiếp như việc tăng lương cơ sở từ 1-7; áp lực về tỉ giá làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu trước xu hướng mạnh lên của đồng USD; kinh tế trong nước và thế giới hồi phục làm gia tăng nhu cầu hàng hóa gây áp lực nhất định lên mặt bằng giá cả.

Để hóa giải áp lực tăng CPI từ nay đến cuối năm, phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo phân tích xu hướng giá thế giới, đặc biệt giá xăng dầu.

Trường hợp giá xăng dầu tăng cao sẽ sử dụng tối đa quỹ bình ổn, đồng thời tạm dừng trích lập quỹ bình ổn, nếu giá xăng dầu tăng cao quá thì dùng cả hai công cụ này.

Bên cạnh đó, trong điều hành giá xăng dầu cần tính tới yếu tố tăng thuế bảo vệ môi trường thêm 1.000 đồng sẽ tác động thế nào đến lạm phát.

Cần cân nhắc thời điểm tăng thuế cho phù hợp, không nên tăng vào tháng 9 mà nên tăng vào tháng 10 với một lộ trình tăng hợp lý.

Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương xem xét sửa nghị định để giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5, đây là một công cụ điều hành giá.

Nếu giảm được giá xăng E5 xuống sẽ có tác động kép, kích thích tiêu dùng và cũng là nhân tố kéo mặt bằng giá xuống.

Hai kịch bản CPI năm 2018

Kịch bản 1: dựa trên dự kiến yếu tố điều hành của nhà nước và giả thiết các yếu tố thị trường biến động trong tầm kiểm soát, CPI bình quân cả năm tăng 3,88% so với cùng kỳ năm 2017.

Kịch bản 2: nếu tăng giá dịch vụ y tế bước 3, các yếu tố thị trường tăng cao và có thể có nhiều biến động bất thường, CPI bình quân cả năm tăng ở mức trên dưới 4%.