Giáo dục

Siết chặt đầu vào, ngành sư phạm giảm mạnh thí sinh dự tuyển 2018

Admin

Năm 2018, lượng thí sinh cả nước đăng ký vào ngành sư phạm giảm tới gần 30% so với năm trước. Trong khi đó, cả nước vẫn cần tuyển dụng 59.000 giáo viên.

Chỉ tuyển 35 nghìn chỉ tiêu

Thông tin từ Bộ GD&ĐT, chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường sư phạm trên cả nước là 35.590 giảm 38% so với chỉ tiêu năm 2017. Mức giảm mạnh như vậy khiến nhiều người lo ngại việc giảm chỉ tiêu này ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ giáo viên chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cùng với việc chỉ tiêu giảm mạnh, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào ngành sư phạm cũng giảm tới 29% so với năm trước. So sánh với các khối ngành đào tạo khác thì rõ ràng ngành sư phạm đang giảm mạnh sức hút.

Tuy nhiên, khia phân tích về con số này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết: “ Số lượng nguyện vọng 1 đăng ký vào ngành sư phạm năm nay giảm 29% không quá quan ngại. Bộ GD&ĐT hi vọng với tuyên bố về nâng cao chất lượng đầu vào sư phạm, nếu năm nay vẫn tuyển đủ chỉ tiêu thì số sinh viên “đầu quân vào ngành sư phạm thực sự là những người yêu nghề và đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới”.

Năm 2018, Bộ GD&ĐT đã khảo sát nhu cầu sử dụng của 63 tỉnh thành khoảng 59.000 giáo viên vừa tuyển mới vừa đào tạo lại. Bên cạnh đó, Bộ triển khai một số đề tài nghiên cứu về số sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm ra sao? Đã làm ngành nghề khác hay chờ cơ hội làm đúng ngành nghề?

Kết quả được công bố số sinh viên chưa có việc làm khoảng hơn 40.000 trong đó có 50% số đó vẫn chờ cơ hội chờ vào ngành sư phạm làm việc hoặc sẵn sàng bỏ công việc đang làm quay lại ngành sư phạm.

“Vì thế, nên chúng tôi xác định chỉ tiêu sư phạm năm 2018 là 35.000-36.000 chỉ tiêu thay vì tuyển đủ số giáo viên cả nước cần cho năm 2018”.

 Cả nước thiếu 59.000 giáo viên năm 2018

Năm 2018, thiếu 40 nghìn giáo viên mầm non, tiểu học

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết thêm, thực tế, so với năm 2017, tốc độ giảm nguyện vọng (27-29%) vẫn thấp hơn tốc độ giảm chỉ tiêu (38%). Nếu xét ở tiêu chí tỷ lệ nguyện vọng/tỷ lệ chỉ tiêu thì tỷ lệ này của các ngành đào tạo giáo viên, trình độ đại học vẫn ở vị trí trung bình trong các khối ngành. Như vậy, nguồn tuyển không quá thấp và chất lượng đầu vào sẽ được đảm bảo.

Đáng chú ý, trong tổng số chỉ tiêu sư phạm năm nay, Bộ vẫn giao 5000 chỉ tiêu cho các trường trung cấp sư phạm. Trước những ý kiến cho rằng, việc giao nhiều chỉ tiêu cho bậc trung cấp có mâu thuẫn với phương châm nâng cao chất lượng đầu vào ngành sư phạm, Bà Phụng cho rằng, số lượng chỉ tiêu này vẫn thấp so với nhu cầu thực tế tại các địa phương hiện nay.

“Các địa phương rất thiếu giáo viên mầm non, do đó đều mong muốn đào tạo nhanh để sử dụng ngay. Nhu cầu các giáo viên mầm non tại các thành phố lớn hiện nay cũng rất cao. Tổng chỉ tiêu tuyển mới toàn quốc ngành sư phạm năm nay là 59.000 giáo viên, trong đó khối mầm non, tiểu học đã cần tới 40.000”, bà Phụng cho hay.

Do vậy, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm năm nay đều tập trung dành cho đào tạo giáo viên mầm non và tiểu học. Trong đó, Bộ GD&ĐT ưu tiên phân chỉ tiêu cho các trường địa phương theo đúng nhu cầu cần tuyển tại địa phương đó để tránh tình trạng đào tạo dồn cục bộ vào một vài tỉnh thành trong khi những nơi khác vẫn thiếu nguồn tuyển giáo viên.

Với việc siết đầu vào ngành sư phạm cùng với việc phối hợp với địa phương đảm bảo đầu ra, bà Phụng nhấn mạnh: “Khi biết chủ trương nâng chuẩn đầu vào, giảm chỉ tiêu, thí sinh vẫn đăng ký vào sư phạm thì các thí sinh năm nay có thể có chất lượng hơn, thực sự yêu nghề và gắn bó với nghề.

Cùng với việc tiến hành đồng thời một số biện pháp khác như quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo sư phạm, nâng chuẩn giáo viên, đổi mới chương trình nội dung phương pháp giảng dạy và học tập để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực sư phạm…, chủ trương đổi mới tuyển sinh sư phạm năm nay đang chứng tỏ đáp ứng nhu cầu chất lượng và tương quan cung cầu của đào tạo sư phạm”.

Năm 2018, để đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm, thí sinh sẽ phải đảm bảo các điều kiện: Đối với trình độ đại học, xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại giỏi.

Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.

Đối với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.

Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất (ngành cao đẳng), Sư phạm Thể dục thể thao (ngành trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.