Siêu bão là gì?
Các chuyên gia thường phân chia bão dựa trên sức gió. Tùy theo quy định của từng khu vực mà các nhà nghiên cứu sẽ ban hành định nghĩa khác nhau.
Ban bão ở Tây Thái Bình Dương (trong đó có khu vực Việt Nam) chỉ quy định như sau:
Sức gió nhỏ hơn 63km/h sẽ được gọi là Áp thấp nhiệt đới (tropical depression).
Sức gió từ 63-88km/h sẽ được gọi là bão nhiệt đới (tropical storm).
Sức gió từ 89-117km/h sẽ được gọi là bão nhiệt đới dữ dội (severe tropical storm)
Sức gió từ 118km/h trở lên được gọi là bão lớn (typhoon)
Trong khi đó Trung tâm cảnh báo bão chung hải quân Mỹ đặt tại đảo Guam lại quy định về bão tại Tây Thái Bình Dương như sau:
Sức gió đạt mức 213km/h thì gọi là siêu bão (super typhoon).
Ngoài ra, tại khu vực Đại Tây Dương, Đông Thái Bình Dương, bão sẽ được phân chia theo hạng Saffir-Simpson:
Bão cấp 1 có sức gió từ 118 - 153km/h.
Bão cấp 2 có sức gió từ 154-177km/h.
Bão cấp 3 có sức gió từ 178-209km/h.
Bão cấp 4 có sức gió từ 210-249km/h.
Bão cấp 5 hay gọi là siêu bão sẽ có sức gió trên 250km/h.
Khu vực Đại Tây Dương, Đông Thái Bình Dương cũng có một quy định khác. Siêu bão là cơ bão có áp suất dưới 920 HPA.
Siêu bão có cấu trúc gì?
Siêu bão có sức tàn phá khủng khiếp như thế nào?
Bão và siêu bão có cùng cấu trúc hình thành, tuy nhiên khác nhau ở mức độ, tầm ảnh hưởng và sức gió. Bão hay siêu bão sẽ gồm các thành phần sau:
Mắt bão: Mắt bão là điểm nằm chính giữa cơn bão. Siêu bão thường có mắt bão có đường kính từ 30-60km. Đây sẽ là vùng lặng gió và quang mây.
Thành mắt bão: Thành mắt bão sẽ nằm xung quanh mắt bão. Đây là khu vực có gió mạnh nhất trong bão. Thành mắt bão sẽ gồm các đám mây giông phát triển lên rất cao và có mức độ cực kỳ nguy hiểm.
Các dải mưa ở rìa ngoài: Ở rìa ngoài sẽ hình thành các dải mây giông dày đặc có độ rộng khoảng vài km tới vài chục km, dài khoảng 80-500km. Các dải mây dông sẽ nằm cách tâm bão hàng trăm km và chuyển động xoắn chậm theo chiều ngược kim đồng hồ.
Từ đó, theo ước tính, đường kính trung bình của một cơn bão sẽ rơi vào khoảng 300 - 500 km. Tuy nhiên, không phải lúc nào kích thước của bão có biểu hiện cho cường độ bão. Đặc biệt cơn bão còn có thể biến đổi đáng kể tùy thuộc vào môi trường xung quanh.
Tác hại của bão
Bão thường gây ra mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất, nước biển dâng,... gây thiệt hại về người và của. Đặc biệt, kết hợp cùng gió mạnh, bão thường bị đổi hướng, rất khó có thể dự đoán và phòng tránh. Vì vậy, trong trường hợp gió bão đã đi qua, người dân cần hết sức đề phòng gió đột ngột đổi chiều và mạnh lên. Khi nào gió có thể bị quật ngược lại phía sau gây thiệt hại nặng nề cho tính mạng con người.
Với những cơn bão biển, sẽ có khu vực gió thổi cùng chiều với đường đi của bão. Khu vực này có gió thổi vô cùng mạnh. Thông thường với khu vực tử địa này, gió ở góc đằng trước sẽ yếu hơn đằng sau. Tàu biển không may gặp bão sẽ bị cuốn vào trong tâm bão và khó có thể thoát ra.
Hậu quả của bão ở Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước đón nhận số cơn bão nhiều nhất mỗi năm. Bão tại khu vực Việt Nam thường có gió giật mạnh kèm theo mưa lớn. Trung bình lượng mưa trong một cơn bão Việt Nam nhận được thường đạt ngưỡng 300 – 400 mm, đôi khi có thể lên tới 500 – 600 mm. Bên cạnh đó, khi có bão, sóng biển có thể dâng cao tới 9 – 10m gây lật tàu thuyền trên biển. Với cường độ gió trong bão mạnh, mực nước biển cũng có thể dâng cao tới 1.5 – 2m. Nước biển dâng tràn đê kết hợp với nước lũ do lượng nước dồn về từ đầu nguồn do mưa lớn làm ngập lụt diện rộng. Tình trạng ngập mặn diễn ra thường xuyên gây ảnh hưởng trực tiếp tới người dân địa phương.
Mỗi trận bão qua đi, Việt Nam thường phải đối mặt với thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản. Bão phá hủy các công trình vững chắc như nhà cửa, cột cao thế, đường xá, cầu cống,... đem lại rất nhiều bất lợi trong quá trình sửa chữa và hỗ trợ sau bão.
Một số biện pháp phòng tránh bão, lũ đối với người dân
Để giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ, lụt gây ra, người dân cần thực hiện một số biện pháp phòng tránh, cụ thể như sau:
Trước khi bão xảy ra:
Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão
Gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; xác định ví trí an toàn để trú ẩn; chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn, vùng ven biển, cửa sông đề phòng nước dâng
Dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ để dùng ít nhất 7 ngày
Nếu không có lệnh sơ tán của chính quyền, hãy tìm nơi trú ẩn trong nhà cho gia đình mình (nơi an toàn nhất khi có bão là phòng bên trong không có cửa sổ)
Chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn khi bão về như:
Chèn chống các cửa của nhà; loại bỏ những cây, cành bị chết, bị bệnh; xác định các vật dụng trong sân nên mang vào trong nhà; vệ sinh máng nước mưa, gầm cầu thang ngoài, giếng cửa sổ, đường thoát nước, đường ống thoát nước.
Các thành viên trong gia đình có thể bị chia cắt trong một cơn bão. Hãy chuẩn bị bằng cách lập một Kế hoạch liên lạc, tiếp cận với nhau.
Chuẩn bị một bộ đồ dùng cho gia đình (đèn pin, đài radio, quần áo ấm, chăn, bộ sơ cứu, thuốc men, nước đóng chai và thực phẩm không dễ hư hỏng).
Các gia đình có trẻ em nên để mỗi trẻ tự tạo gói đồ dùng cá nhân của mình.
Trong khi xảy ra bão
Đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật…
Không trú tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ.
Nên ở trong nhà, nơi chú ẩn không đi ra ngoài, tránh xa cửa sổ và cửa ra vào.
Chuẩn bị sẵn đèn pin đề phòng mất điện, không sử dụng nến để thắp sáng để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.
Đề phòng lốc xoáy do bão gây ra; nên ở bên trong và ở trung tâm ngôi nhà hoặc tầng hầm.
Nếu bạn được lệnh sơ tán, hãy mang theo các đồ dùng thiết yếu cho gia đình bạn và di chuyển ngay đến một nơi trú ẩn được chính quyền địa phương sắp xếp.
Thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm khi cần cứu nạn, cứu hộ.
Sau khi xảy ra bão
Tiếp tục theo dõi tin tức và cập nhật tình hình thời tiết.
Chú ý đến các yếu tố nguy hiểm như đường dây điện bị đứt và nước nhiễm điện, vì thông thường khi bão tan khả năng lũ lụt vẫn còn xảy ra.
Không đến gần hoặc đi vào các tòa nhà đã bị hư hại, ngập nước, tuân thủ theo các biển cảnh báo khi lái xe, không đi vào đường bị ngập nước hoặc có chướng ngại vật (ngay cả với phương tiện lớn), vì phương tiện có thể bị nước cuốn trôi hoặc nguy hiểm.