Số hóa

Smartphone công nghệ AI đổ bộ vào thị trường Việt Nam

Admin

Chỉ trong nửa năm, thị trường chứng kiến sự xuất hiện của cả chục smartphone tầm trung (5-10 triệu đồng) có trang bị trí tuệ nhân tạo AI.

Trí tuệ nhân tạo AI là một trong những xu hướng công nghệ mới mẻ bắt đầu xuất hiện trên smartphone từ giữa năm ngoái. So với camera kép hay cảm biến vân tay, mức độ phổ biến của tính năng AI ở Việt Nam nhanh hơn nhiều, thậm chí còn lan toả từ các smartphone tầm trung (từ 5 đến 10 triệu đồng) chứ không phải lan xuống từ nhóm sản phẩm cao cấp.

 

Năm ngoái, Oppo trình làng mẫu smartphone đầu tiên được trang bị camera selfie với công nghệ AI – Oppo F5. Và chỉ nửa năm sau, thị trường đã có tới cả chục smartphone được giới thiệu có tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo. Sau F5, nhà sản xuất này tung thêm 4 model nữa sở hữu AI, mới nhất là bộ đôi F7 và F7 Youth. Vivo cũng có tới hai sản phẩm V85 và V9 trên kệ hàng chính. Zenfone 5 "tai thỏ" của Asus hay Redmi Note 5 Pro của Xiaomi mới xuất hiện cũng là những sản phẩm có hỗ trợ bởi công nghệ AI.

Với Oppo F5, AI được trang bị cho cảm biến máy ảnh, có mục đích chính là kết hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu khổng lồ của hãng để tạo ra các khung hình đẹp nhất, dù là chụp bằng máy ảnh sau hay selfie. Công nghệ Selfie AI trên Oppo F5 cho phép quét 200 điểm (với Oppo F7, con số này nâng lên 292 điểm) trên gương mặt người chụp kết hợp cùng kho dữ liệu có sẵn giúp máy phân biệt được giới tính, chủng tộc của người chụp và từ đó đưa ra hình thức chỉnh sửa tốt nhất.

Zenfone 5 và Oppo F7 đều có công nghệ AI cho phép điện thoại tự động nhận diện tới 16 khung cảnh khác nhau. Người dùng chỉ cần đưa điện thoại lên ngắm, AI sẽ giúp nhận diện muốn chụp ảnh gì, người hay phong cảnh, đồ ăn hay động vật, chụp đủ sáng hay thiếu sáng... từ đó máy đưa ra chế độ, màu sắc... phù hợp nhằm cải thiện chất lượng ảnh.

Công nghệ AI đem lại lợi thế lớn và khắc phục nhiều hạn chế ở smartphone tầm trung, kéo tính năng, chất lượng và trải nghiệm của những sản phẩm này gần hơn dòng cao cấp, Văn Phong, một người chơi ảnh trên điện thoại di động, đánh giá cao về sự xuất hiện của công nghệ trí tuệ nhân tạo. Ví dụ, một số smartphone sử dụng camera đơn, nhưng vẫn có thể chụp được những bức hình chân dung hiệu ứng xoá phông với hiệu ứng y hệt camera kép.

 Camera AI giúp khắc phục hạn chế của phần cứng và cải thiện tính năng, chất lượng ảnh.

Bên cạnh đó, một bức hình ảnh đẹp không nhất thiết là phải được chụp với độ phân giải cao chót vót, mà phụ thuộc vào ánh sáng, màu sắc, liệu có bị rung, nhoè hay không. Hầu hết smartphone được tích hợp quá nhiều tính năng, chế độ chụp và không phải người dùng nào cũng quen. Vì thế, sự xuất hiện công nghệ camera AI không chỉ để chụp ảnh tốt và hiệu quả hơn mà còn giúp người dùng dễ dàng trải nghiệm những công nghệ, tính năng mới. Smartphone có trang bị AI rõ ràng là một lựa chọn hơn những sản phẩm thông thường, người chơi này lập luận.

Tuy nhiên, dù có mặt trên nhiều sản phẩm, AI ở smartphone hiện giờ cũng còn hạn chế, đặc biệt ở những model tầm trung. Như AI chủ yếu được tích hợp vào các tính năng của camera, chứ không phải toàn bộ hệ thống hay được tích hợp sâu vào vi xử lý. Ví dụ một số model tầm trung gần đây mới chỉ giúp tối ưu thời gian sử dụng pin, chạy đa nhiệm hay quản lý ứng dụng để tạo ra hiệu năng tốt nhất đối với nhu cầu dùng điện thoại của mỗi người.

Theo Android Authority, đó là hạn chế nói chung của AI trên smartphone khi mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Về lý thuyết chung, AI là những hệ thống có thể tư duy và học hỏi như con người, nhưng AI ở điện thoại hiện giờ mới chỉ dừng ở các tác vụ học hỏi đơn giản, giúp các tính năng như chuyển đổi ngôn ngữ, nhận diện khuôn mặt, xử lý âm thanh, tìm kiếm dữ liệu... nhanh và hiệu quả hơn. Đó chính là lý do để cho các nhà sản xuất ưu tiên vào camera hay selfie, tính năng có tần suất sử dụng nhiều nhất trên điện thoại hiện nay. Tuy nhiên, với đà phát triển hiện tại, trong tương lai gần, các smartphone tầm trung sẽ nhanh chóng ra mắt những công nghệ AI hiện đai hơn để chiếm lấy ưu thế cạnh tranh.

Thị trường smartphone tầm trung nói chung đang dần tiến đến điểm bão hòa do những giới hạn về phần cứng. Người sử dụng không còn hào hứng trước những thông số kỹ thuật thiết bị như trước. Những năm qua, gần như không có bước đột phá đáng kể nào về chip, pin, màn hình... Điều này góp phần biến AI thành một xu hướng công nghệ được nhiều nhà sản xuất điện thoại lớn nhỏ theo đuổi.