Cuộc sống

Sốc phản vệ, tử vong vì dị ứng thuốc kháng sinh

Admin

Các chuyên gia cảnh báo, phản ứng có hại từ thuốc kháng sinh gây ra dị ứng ở cơ thể người nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

 

Kháng sinh là nhóm thuốc có nguy cơ gây dị ứng cao nhất

Tùy tiện dùng kháng sinh, thói quen nguy hiểm

Ôm con gái 5 tuổi quấy khóc, mẩn đỏ khắp người, trong phòng khám của Bệnh Viện Nhi T.Ư, chị M.T.H. (Hải Phòng) chia sẻ: “Trước kia mỗi khi có người bị ốm, gia đình mình đều sử dụng thuốc kháng sinh bình thường nên không nghĩ con lại bị ảnh hưởng đến như vậy”. Theo lời kể, khi con có biểu hiện bị viêm họng nhẹ, chị H. đã ra hiệu thuốc mua kháng sinh về cho bé uống sau bữa ăn. Tuy nhiên, sau khi sử dụng thuốc được 20 - 30 phút, bé có dấu hiệu nổi mẩn đỏ và ngứa khắp người. “Cũng may nhà mình ở gần Bệnh viện Nhi nên bế con đi khám ngay. Kết quả xét nghiệm cho thấy con bị sốc phản vệ do dị ứng thuốc kháng sinh. Bác sĩ chỉ định ngừng sử dụng thuốc và truyền dịch cho bé. Cũng theo lời bác sĩ, bé nhà mình bị nhiễm khuẩn đường hô hấp do virus gây ra. Đối với bệnh này của bé thì không cần dùng đến thuốc kháng sinh”.

Một trường hợp khác, chị B. (22 tuổi, Phú Thọ) cho biết: “Mình hay bị ốm vặt, cảm cúm, nhức đầu. Do thói quen nên mình mua kháng sinh về uống để bệnh nhanh khỏi. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc được chừng 30 phút, chân tay bị nổi mề đay, sưng bọng mắt, cơ thể nóng ran. Sau khi đi khám, bác sĩ đã chẩn đoán mình bị dị ứng thuốc kháng sinh và yêu cầu ngừng sử dụng thuốc ngay lập tức”.

Theo các bác sỹ, dị ứng thuốc thường gây nên một số biểu hiện lâm sàng như nổi mề đay, ban da lan rộng, bong vảy khô, bong vảy ướt, mụn nước, viêm da tróc vảy,... nặng nhất là sốc phản vệ. Đáng nói, biểu hiện dị ứng kháng sinh thường xảy ra sau khi tiêm tĩnh mạch, nhưng cũng có thể xảy ra khi dùng dạng uống, bôi ngoài da, nhỏ mắt với các biểu hiện như: choáng váng, nôn nao, khó chịu, da nhợt nhạt, mạch nhanh, huyết áp giảm ngay khi sử dụng kháng sinh. Trong một số trường hợp sốc phản vệ có thể gây ra tử vong ngay nếu không được cấp cứu kịp thời.

Kháng sinh là thuốc nguy cơ gây dị ứng cao nhất

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong các nhóm thuốc có khả năng gây dị ứng thì kháng sinh đứng ở vị trí đầu tiên. Cụ thể, nghiên cứu tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân bị dị ứng với kháng sinh chiếm tới gần 78%, tiếp theo là các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs chiếm 5,28%), thuốc điều trị lao (3,78%), thuốc chống động kinh (3,04%), thuốc điều trị bệnh gout (1,5%). Trong nhóm kháng sinh, nhóm beta-lactam gây dị ứng nhiều nhất (45,91%), sau đó là nhóm aminoglycosid (8,33%), nhóm cyclin (7,23%), nhóm phenicol (3,96%) và macrolid (3,69%).

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó ban Nghiên cứu khoa học - thư viện, Khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM cũng nhấn mạnh, kháng sinh là loại thuốc đặc biệt dễ gây dị ứng nhất. “Kháng sinh không thể tự tiện sử dụng vì đây là một loại thuốc đặc biệt được sử dụng cho bệnh nhân bị nhiễm khuẩn. Biểu hiện của dị ứng thuốc kháng sinh là cảm giác ngứa, da nổi mề đay, đỏ da toàn thân... trong đó nặng nhất là sốc phản vệ nếu như không được chữa trị kịp thời sẽ gây ra tử vong”, TS. Đức nhận định và khuyến cáo: “Bệnh dị ứng xuất hiện khi sử dụng loại thuốc mà cơ thể không thích nghi được và coi đó là một chất lạ, không tiếp nhận. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng cơ thể chưa hoàn chỉnh nếu như bị dị ứng kháng sinh thì rất dễ bị nặng”.

Qua đây, TS. Đức khuyến cáo: “Đối với thuốc kháng sinh, người bệnh không nên tự tiện sử dụng bừa bãi, mà phải đi khám và nhận được sự chỉ dẫn của bác sĩ, nếu không sẽ cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt, với những người bị hen suyễn, dị ứng thức ăn cần thận trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh. Khi bị dị ứng thuốc, cần kiểm tra xét nghiệm, test thử các loại kháng sinh để xem cơ thể thích ứng khi sử dụng loại nào cho phù hợp”.