Các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên chạy theo “sóng” vàng tăng. Trong ảnh: giao dịch tại một tiệm vàng - Ảnh: Quang Định
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng người dân nên cẩn trọng, tránh rơi vào “bẫy giá vàng”.
Giá vàng tăng và giao dịch sôi động
Cuối ngày 4-7, giá vàng trong nước bán ra chạm mức 37 triệu đồng/lượng, tăng 1,15 triệu đồng/lượng so với cuối tuần qua, trước khi giảm về mức 36,9 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới vượt mức 1.351 USD/ounce - cao nhất trong vòng năm năm. Như vậy chỉ tính từ ngày 1-6 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng thêm 3,77 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước cũng tăng thêm 3,36 triệu đồng/lượng.
Giá vàng bất ngờ tăng nhanh sau nhiều năm dao động theo chiều hướng đi xuống, khiến hoạt động mua bán vàng sôi động hẳn lên. Có mặt tại Công ty SJC lúc 10g30 ngày 4-7, Tuổi Trẻ ghi nhận có khá đông người ngồi ở hàng ghế chờ mua bán vàng. Chị An (Q.Bình Thạnh) cho biết có ít tiền tiết kiệm, trước đây hay gửi tại ngân hàng nhưng gần đây thấy vàng tăng nhanh nên chị rút ra mua vài chỉ “cho vui”.
Trong khi đó, bà Trang (Q.1) cũng cho biết đã mua 5 chỉ vàng vì “thấy giá lên quá”. Khi thấy bảng điện tử tại Công ty SJC niêm yết giá bán là 36,53 triệu đồng/lượng, bà Trang bày tỏ sự tiếc rẻ vì hôm cuối tuần bận việc không đi mua kịp, nay phải trả giá cao hơn đến 680.000 đồng/lượng. “Định mua nhiều hơn, nhưng giờ bị hụt tiền nên mua ít lại” - bà Trang nói.
Tuy nhiên, ngoài những người mua vàng với kỳ vọng giá tăng, không ít người lại tranh thủ bán vàng. Ông Tuấn (Q.3) cho biết mua 1 lượng vàng từ khi giá ở mức 42 triệu đồng, chờ mãi giá chẳng những không lên mà còn đi xuống. Nay thấy giá vàng tăng trở lại, ông quyết định bán để lấy tiền mặt dù chịu lỗ. Anh Vinh (Q.Phú Nhuận) cũng bán ra 2 lượng vàng vì trước đó mua khi giá chỉ hơn 33 triệu đồng.
Theo Công ty SJC, lượng vàng giao dịch riêng địa bàn TP.HCM thời gian gần đây bình quân 800 lượng/ngày, tăng hơn so với trước nhưng “chưa đáng kể” so với con số giao dịch lên tới vài ngàn lượng mỗi ngày tại những thời điểm “nóng sốt” của thị trường này. Hơn nữa, người giao dịch chủ yếu với số lượng ít, phổ biến từ vài chỉ đến vài lượng.
Bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng giám đốc Công ty PNJ, cho hay mua bán vàng có sôi động hơn so với đầu tháng 6, trong đó người dân mua được vàng giá rẻ trước đây đã tranh thủ bán ra chốt lời. Do giá vàng tăng liên tục gần mười ngày qua, người dân đang có xu hướng mua vào, nhưng chủ yếu mua lẻ tẻ.
Cẩn thận “bẫy giá vàng”
Ông Trần Thanh Hải - người am hiểu về vàng - cho rằng giá vàng thế giới tăng thời gian gần đây do điều chỉnh kỹ thuật hậu “Brexit”, cộng với sự bất ổn trên thị trường tài chính khiến giới đầu tư tìm đến vàng như tài sản trú ẩn an toàn.
“Khi vàng tăng 1-3 ngày có thể nghĩ là điều chỉnh kỹ thuật và nhất thời, nhưng tăng liên tục hơn 10 ngày sẽ tạo thành cơn sóng. Khi đó tâm lý người dân, người kinh doanh, thậm chí người có ít tiền để dành sẽ cảm thấy tiếc quá nên nhảy vô mua, vô tình tạo cộng hưởng lên giá vàng” - ông Hải phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Hải, người dân không nên quá hào hứng khi giá vàng tăng. “Đồng ý hậu Brexit là cơn sốc mà chưa ai có thể lường trước, nhưng dù thế nào cũng không bằng ba gói kích cầu mà Mỹ triển khai năm 2008 với nhiều tỉ USD đã được bơm ra thị trường.
Do vậy, kỳ vọng vàng tăng lại mức 1.900 USD/ounce như trước đây là rất khó. Chưa kể bảng Anh chỉ là ngoại tệ thứ ba sau đồng USD và EUR, lại chiếm tỉ trọng khiêm tốn trong rổ tiền tệ nên tác động đến giá vàng sẽ không phải quá mạnh” - ông Hải nói thêm.
Theo các chuyên gia vàng, việc giá vàng trong nước bỗng tăng tốc sau một thời gian dài luôn thấp hơn giá vàng thế giới do nhiều nguyên nhân, chứ không phải chỉ do lực mua tăng. Từ cuối năm 2013 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không bán vàng miếng - qua đấu thầu - ra thị trường, nguồn vàng các công ty có được chủ yếu từ mua - bán trên thị trường. Do vậy chỉ cần có nhu cầu mua vàng cao hơn bình thường với những đơn hàng khoảng vài chục lượng trở lên là giá vàng sẽ “nhảy nhổm”.
Chưa kể trước thời điểm 24-6, giá vàng trong nước thấp hơn thế giới suốt một thời gian dài nên giới kinh doanh tăng gom vàng trong nước để xuất khẩu dưới dạng nữ trang hoặc bán qua biên giới cũng khiến nguồn cung vàng trong nước hạn hẹp hơn.
“Do vậy chỉ nên mua khi có nhu cầu, còn lướt sóng phải chịu rủi ro, thắng thua ngang nhau vì giá vàng diễn biến rất nhanh, chỉ có thể dự đoán trong ngắn hạn” - một chuyên gia vàng khuyến cáo.
Rủi ro rất cao |
Tác giả bài viết: Ánh Hồng