Du lịch

Sự thật tàn nhẫn phía sau món ăn chỉ dành cho "giới lắm tiền nhiều của"

Admin

Thực khách khi thưởng thức món ăn này thường phải che mặt. Và đây cũng là món ăn gây nhiều tranh cãi trong ẩm thực.

Chim họa mi nướng rượu vốn là một trong những món ăn xa xỉ ở Pháp, thể hiện những nét tinh tế và đẳng cấp riêng. Nhưng đây cũng là món ăn gây nhiều tranh cãi bởi cách săn bắt và chế biến bị đánh giá là quá tàn nhẫn.

Đây vốn là loài chim có thể tìm thấy ở bất cứ đâu tại châu Âu, nhưng Pháp được coi là mảnh đất màu mỡ nhất được chúng đặc biệt ưa thích. Chúng ăn côn trùng vào mùa hè, ăn ngũ cốc và hạt vào những thời điểm khác trong năm.

 Loài chim này xuất hiện ở nhiều khu vực trên khắp châu Âu, đặc biệt là miền nam nước Pháp (Ảnh: ABC).

Loài chim biết hót, nặng chưa tới một lạng này được người Pháp chế biến thành món đặc biệt chỉ dành cho giới sành ăn. Được biết, bên cạnh gan ngỗng béo, họa mi nướng từng xuất hiện trên bàn tiệc của Hoàng đế La Mã.

Sau đó, món đặc sản này trở thành thứ khoái khẩu thỏa mãn khẩu vị cao cấp của các vị Hoàng đế nước Pháp. Từ nguyên liệu bé nhỏ, các đầu bếp giàu kinh nghiệm chế biến công phu nhằm giữ nguyên độ căng mọng, béo ngậy của món thịt. Qua đó, nó thể hiện đẳng cấp và tinh hoa của nền ẩm thực số một thế giới.

Những chú chim sống trong bóng tối và chết trong rượu

Họa mi được săn bắt trong môi trường tự nhiên. Sau đó, người ta sẽ nuôi nhốt chừng nửa tháng để vỗ béo. Thông thường, những con họa mi nướng phải đạt trọng lượng gấp 2-4 lần so với bình thường. Chúng bị giam cầm trong lồng chật để hạn chế vận động.

 Món ăn được chế biến công phu (Ảnh: Atlasobscura).

Nhằm đẩy nhanh quá trình vỗ béo, chim liên tục được ăn nhiều loại ngũ cốc dinh dưỡng. Theo tương truyền, trước kia, người ta còn chọc mù đôi mắt họa mi khiến chúng phải sống trong bóng tối, lầm tưởng là ban đêm và ăn nhiều hơn.

Khi đạt trọng lượng đủ yêu cầu, người ta ngâm chúng chìm trong rượu mạnh Armagnac để chết từ từ. Điều này giúp thớ thịt chim ngấm dần vị ngọt đậm của rượu, phần da cũng chuyển màu vàng ô liu tự nhiên. Lông chim được rút cẩn thận, đảm bảo chất béo không thoát ra ngoài. Sau đó, người đầu bếp nướng ở nhiệt độ cao chừng 5-7 phút.

Món ăn được thưởng thức như nghi lễ

Đây là món ăn thể hiện trình độ đỉnh cao trong phương pháp lựa chọn nguyên liệu và cách chế biến công phu. Chim họa mi nướng có làn da căng bóng màu vàng oliu, thịt ngọt đậm tự nhiên với độ béo ngậy hòa quyện.

 Chim họa mi nướng có làn da căng bóng màu vàng oliu (Ảnh: Atlasobscura).

Đặc biệt hơn cả là cách thưởng thức món ăn không giống bình thường mà như một nghi lễ. Theo truyền thống, thực khách sẽ dùng chiếc khăn màu trắng lớn trùm đầu khi ăn. Người sành sỏi cho rằng, cách làm này giúp lưu giữ mùi hương của món ăn, đảm bảo lịch sự khi nhai, nhả xương. Nhưng cũng có người nói, đây là cách để tránh "đôi mắt phán xét" của Chúa khi nếm thử món ăn có nguyên liệu từ loài sinh linh bé nhỏ với kiểu chế biến vô cùng "tàn nhẫn".

 Thực khách khi thưởng thức sẽ trùm khăn lên đầu (Ảnh: Travel).

Khi ăn, thực khách không cắt thịt chim thành miếng nhỏ và dùng dao nĩa thông thường. Họ bỏ cả con chim vào miệng sao cho phần đầu hướng ra ngoài. Tiếp đó, thực khách nhai chầm chậm thưởng thức hương vị món ăn, chỉ để lại phần đầu. Và hương vị của món ăn từng được đầu bếp người Pháp Michel Guérard mô tả "được bao bọc bởi chất béo có vị tinh tế như hạt phỉ".

Ban hành lệnh cấm

Suốt nhiều thế kỷ, những người thợ săn chủ yếu ở khu vực miền nam nước Pháp đã bắt chim bằng cách phủ keo lên cành cây. Do sức hấp dẫn đặc biệt của món ăn khiến số lượng chim giảm đáng kể. Cuối những năm 1970, chính phủ Pháp đã ban hành luật cấm săn bắt, buôn bán, bởi số lượng loại chim này đã giảm 30%. Việc giết và chế biến chim họa mi cũng bị cấm trên khắp châu Âu.

Dù không công khai nhưng trước thời điểm năm 2007, nhiều nhà hàng ở Pháp vẫn phục vụ món ăn này. Hiện tại, món ăn không xuất hiện ở nhiều nhà hàng vì lý do tính nhân đạo cũng như việc săn bắt vượt tầm kiểm soát, ảnh hưởng tới hệ sinh thái. Song một số đầu bếp người Pháp như Alain Ducasse hay Michel Guérard muốn đàm phán với chính phủ để được đưa món ăn trở lại thực đơn tại nhà hàng.

Tác giả: Huy Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí