Thế giới

Tập Cận Bình tuyên bố 'không chấp nhận' phán quyết của tòa trọng tài

Lợi Trần

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố không chấp nhận những quan điểm hoặc hành động dựa trên phán quyết từ tòa trọng tài đối với "đường lưỡi bò" mà nước này đơn phương đưa ra để yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Trung Quốc "cống hiến cho duy trì hòa bình và ổn định" ở Biển Đông nhưng sẽ "không chấp nhận những quan điểm hoặc hành động dựa trên phán quyết từ tòa án liên quan đến tranh chấp", Reuters đưa tin.

Trước đó, jãng thông tấn Trung Quốc Xinhua hôm nay cho biết Trung Quốc "không chấp nhận và không công nhận" phán quyết từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), The Hague, Hà Lan, về "đường lưỡi bò".

Hãng này mô tả tòa án đã ra "phán quyết yếu kém" về Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát thông cáo ngang nhiên cho rằng Trung Quốc "có chủ quyền đối với các đảo" ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Cơ quan này bao biện rằng lập trường của Bắc Kinh là "phù hợp với luật pháp quốc tế" và các đảo "có vùng đặc quyền kinh tế, nơi người dân Trung Quốc hoạt động tại đây từ hơn 2.000 năm trước".

Apple Daily dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố rằng phán quyết của tòa là "vô hiệu" và "không có sự ràng buộc" với Trung Quốc. Ông cáo buộc phán quyết về "đường lưỡi bò" gây "gia tăng căng thẳng" trong khu vực, làm "tổn hại nghiêm trọng" đến hòa bình và ổn định chính trị ở Biển Đông.

Bình luận trên được đưa ra ngay sau khi tòa trọng tài PCA ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự đưa ra để đòi chủ quyền với Biển Đông. Theo PCA, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò". Tuyên bố đòi quyền lịch sử dựa trên "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước của Liên Hợp Quốc.

Trong bản phán quyết dài 497 trang, Tòa Trọng tài thuộc PCA cũng kết luận không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc. Đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa, đang bị Đài Loan kiểm soát cũng không thể tạo ra EEZ.

Theo Tòa Trọng tài, Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với hệ san hô ở quần đảo Trường Sa. Tòa khẳng định các tàu hành pháp Trung Quốc tạo ra nguy cơ xảy ra va chạm cao khi tiếp cận tàu Philippines, StraitsTimes dẫn phán quyết của tòa.

Phán quyết cho rằng Trung Quốc đã cản trở các quyền của ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough bằng cách ngăn họ tiếp cận khu vực này. Ngoài ra, việc Trung Quốc cải tạo đất, xây dựng các đảo nhân tạo là không phù hợp với nghĩa vụ của một quốc gia trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Tác giả bài viết: Như Tâm