Thế giới

Tàu ngầm hạt nhân TQ: Cơn ác mộng kinh hoàng trên biển?

Lợi Trần

Bắc Kinh sẽ sớm có khả năng phóng tên lửa hạt nhân từ biển. Điều đó sẽ khiến việc ngăn chặn các động thái hung hăng của Trung Quốc trong tương lai trở nên khó khăn hơn.

Năng lực "răn đe"

Theo tờ The Daily Beast, Trung Quốc sắp gia nhập câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân.

Sau nhiều thập kỷ phát triển, 2016 có thể là năm đánh dấu lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc đưa tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân (SSBN) ra biển tuần tra.

Nếu thực sự tàu ngầm lớp Jin ra biển trong năm nay, Trung Quốc sẽ đạt tới một cấp độ mới trong năng lực tấn công hạt nhân mà ở thời điểm hiện tại, mới chỉ có 2 quốc gia – Mỹ và Nga – đạt được hoặc vượt qua được.

"Trung Quốc có thể tiến hành đợt tuần tra răn đe hạt nhân đầu tiên bằng SSBN trong năm 2016" – Lầu Năm Góc cảnh báo trong bản báo cáo thường niên mới nhất về tình hình quân đội Trung Quốc, được công bố hồi giữa tháng 5.

Một khi tàu ngầm lớp Jin ra khơi, Bắc Kinh sẽ kiểm soát bộ 3 hạt nhân trên bộ, trên không và trên biển.


Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Jin (Type 094).

Đó là một vấn đề lớn, theo như học thuyết thống trị của chiến tranh hạt nhân.

Jeffrey Lewis, chuyên gia về địa chính trị hạt nhân tại Trung tâm nghiên cứu chống phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin nói với The Daily Beast:

"Theo học thuyết này, hệ thống phóng đa dạng sẽ mang lại khả năng sống sót, bằng cách làm phức tạp cuộc tấn công phủ đầu (của đối phương)".

Nói cách khác, nếu một quốc gia sở hữu cả 3 loại vũ khí hạt nhân thì đối thủ của họ khó có thể xóa sổ toàn bộ chúng chỉ trong một cuộc tấn công bất ngờ.

Nếu không thể phá hủy toàn bộ kho vũ khí hạt nhân này, đối phương, do lo sợ bị trả đũa, sẽ không dám tấn công.

Người ta gọi đó là "răn đe". Và Trung Quốc đang trên đà đạt tới năng lực răn đe mà phần lớn các quốc gia không thể đạt được.

Có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên nước Mỹ

Trung Quốc được cho là nắm trong tay tới vài trăm đầu đạn hạt nhân nhưng chỉ có các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và có thể một số cơ quan tình báo nước ngoài hàng đầu mới biết được con số chính xác.

Con số đó có lẽ ít hơn nhiều so với mức gần 7.000 đầu đạn mà mỗi nước Nga, Mỹ đang sở hữu, nhưng lại nhiều hơn bất cứ cường quốc hạt nhân nào khác trên thế giới, có thể ngoại trừ Pháp.

Và so với Bắc Kinh, chỉ có Moscow và Washington là có nhiều phương tiện phóng đa dạng dành cho vũ khí hạt nhân hơn.

Lực lượng tên lửa của Trung Quốc duy trì khoảng 100 tên lửa tầm xa trong các silo phóng trên bộ.

Máy bay ném bom H-6 của Không quân Trung Quốc lần đầu tiên thả bom nguyên tử vào nững năm 1970. Hiện nay, phiên bản cải tiến của mẫu máy bay này có thể bắn tên lửa hành trình tương thích với đầu đạn hạt nhân.

Khi các tàu ngầm Jin sẵn sàng tác chiến, chúng sẽ hoàn thiện bộ ba hạt nhân trên bộ-không-biển của Bắc Kinh.

Liên Xô và Mỹ triển khai các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo đầu tiên vào thời kỳ cao trào của Chiến tranh Lạnh trong những năm 1960. Không bao lâu sau đó tới Pháp và Anh.

Ngày nay, 14 tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Hải quân Mỹ đang thay phiên nhau lặn xuống Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, sẵn sàng bắn 24 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào mục tiêu khi nhận được lệnh.

Nga, Pháp và Anh vẫn vận hành các SSBN, còn Ấn Độ đang phát triển một phiên bản tàu ngầm của riêng mình.

Tại Trung Quốc, các tàu ngầm thử nghiệm lớp Xia và tên lửa JL-1 đã gặp thất bại về công nghệ và chúng chưa từng ra biển thực hiện bất cứ sứ mệnh nào.

Từ năm 2007, Hải quân Trung Quốc hoàn thiện 4 tàu ngầm lớp Jin và được cho là đang có kế hoạch đóng thêm 4 chiếc nữa.

Tàu ngầm lớp Jin dài hơn 121m, có thể mang tới 12 tên lửa JL-2, với tầm bắn của mỗi tên lửa vào khoảng 7.000km.

Một tàu ngầm Jin tại trung tâm Thái Bình Dương có thể tấn công các mục tiêu ở bất cứ đâu trên nước Mỹ.


Hình ảnh một vụ phóng tên lửa JL-2.

Nếu tàu ngầm Jin được triển khai trong năm nay, thì tức là 35 năm đã trôi qua kể từ lần đầu tiên Trung Quốc nỗ lực phát triển một mẫu tàu ngầm SSBN có thể hoạt động.

Tuy nhiên, phát triển tàu ngầm mang tên lửa là chuyện không hề đơn giản và thậm chí còn rất tốn kém.

Trung Quốc không tiết lộ chi phí của tàu ngầm lớp Jin nhưng có thể ước tính đây là con số không hề nhỏ, nếu xét theo khoản tiền 97 tỷ USD mà Hải quân Mỹ lên kế hoạch để thay thế 14 tàu ngầm lớp Ohio bằng 12 tàu ngầm mới.

Các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo có kích cỡ lớn và cấu trúc phức tạp, tên lửa của chúng cũng vậy.

Công tác huấn luyện một kíp thủy thủ đáng tin cậy và thiết kế hệ thống chỉ huy và kiểm soát hiệu quả cho tàu là cực kỳ khó khăn.

Trong khi đó, các tàu ngầm Trung Quốc thường gặp phải những vấn đề về kiểm soát chất lượng.

"Sáng kiến đối phó với đe dọa hạt nhân" (NTI), tổ chức phi lợi nhuận chuyên về các vấn đề an ninh vật liệu hạt nhân ở Washington D.C nhận định trên website chính thức:

"Mặc dù rõ ràng là Trung Quốc đang tiến tới khắc phục những vấn đề này nhưng năng lực của hạm đội tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc vẫn đang trong quá trình trưởng thành".

Tác giả bài viết: Hải Vy