Pháp luật

Techcombank lại bị tố xiết nợ kiểu ‘xã hội đen’

Lợi Trần

Chủ nhà đi vắng, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản- Ngân hàng Techcombank cho nhân viên vào cắt khóa căn hộ và chiếm luôn căn nhà này để ở. Khi chủ nhà khởi kiện Techcombank ra toà, toà án ra quyết định cấm Techcombank di chuyển đồ đạc và tài sản của khách nợ ra khỏi căn hộ song ngân hàng này đã không chấp hành. Sự việc làm dấy lên bức xúc trong dư luận sau hàng loạt vụ xiết nợ kiểu “xã hội đen” mà ngân hàng này rất ưa thích sử dụng.

Hình ảnh ám ảnh về "đội đặc nhiệm" thu giữ tài sản bảo đảm Techcombank"

“Đẩy” khách hàng vào “nợ quá hạn” để xiết nhà?

Trong đơn khiếu nại gửi tới Ngày Nay, ông Phạm Anh Tuấn và bà Lê Thị Hương, chủ căn hộ 1.5, chung cư 79C Phạm Viết Chánh, Phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM  cho biết, ngày 2/11/2010, gia đình ông bà có vay của ngân hàng Techcombank với số tiền là 1,4 tỷ đồng để mua căn hộ này. Theo đó, hợp đồng tín dụng được ký có số 9109, thời hạn là 20 năm. Hàng tháng ông Tuấn, bà Hương phải trả số tiền gốc là 5 triệu 834 ngàn đồng và số tiền lãi là 5 triệu 674 ngàn đồng.

Trong suốt quá trình năm năm vay vốn (từ ngày 2/11/2010 đến 18/7/2015) ông Tuấn, bà Hương đã thực hiện đóng đủ và đúng ngày số tiền gốc, lãi cho Techcombank.

Tuy nhiên, đến ngày 23/6/2015, khi ông Tuấn, bà Hương nộp 19 triệu 500 ngàn đồng để trả gốc và lãi vay hàng tháng cho Techcombank thì ngân hàng này lại không thu nợ  gốc và lãi dẫn đến khoản vay của khách hàng bị quá hạn.

“Sau đó, chúng tôi làm việc với ngân hàng thì đại diện Techcombank cam kết ngày 18/7/2015 sẽ chuyển toàn bộ khoản vay vào trong hạn, nhưng thực tế Techcombank đã không thực hiện mà vẫn chuyển món vay của chúng tôi vào quá hạn để xử lý nợ”, bà Hương cho biết.

Trong lúc hai bên vẫn đang tranh chấp thì ngày 2/1/2016 gia đình bà Hương thấy thông báo “Quyền thu giữ và quản lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ” của Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản- Ngân hàng Techcombank dán trước căn hộ 1.5 Chung cư 79C Phạm Viết Chánh, phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM (gia đình bà Hương không sinh sống thường xuyên tại căn hộ nói trên).

Ngày 9/1/2016, khi con bà Hương về căn hộ để lấy đồ đạc thì ngỡ ngàng khi thấy người của Techcombank đã ăn, ở trong căn nhà này.

 “Họ- Techcombank đã cho nhân viên tự ý cắt khóa nhà của tôi và chiếm luôn căn nhà này để ở mà chúng tôi không hề hay biết và không cho gia đình chúng tôi vào nhà lấy tài sản cũng như giấy tờ trong đó”, bà Hương bức xúc cho biết.

Nghiêm trọng hơn, gia đình bà Hương đã khởi kiện lên tòa án nhân dân Quận 1, TP Hồ Chí Minh và cơ quan tòa án đã có Quyết định số 06/2017 cấm Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam Techcombank cùng Công ty TNHH MTV quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam di chuyển đồ đạc và tài sản trong căn hộ 1.5 Chung cư 79C Phạm Viết Chánh thuộc quyền sở hữu của ông Tuấn và bà Hương.

Thế nhưng “ngày 10/3, một số người lạ đã tự ý di chuyển đồ đạc nhà tôi đi đâu không rõ”, bà Hương nói đồng thời cho biết thêm, Techcombank đã cố tình đẩy khách hàng vào tình trạng “nợ quá hạn”, không cho khách hàng được giải quyết theo đúng các trình tự quy định của pháp luật mà hành xử kiểu “xã hội đen” khiến gia đình bà hoang mang tột độ và vô cùng lo sợ.

 
Bất chấp lệnh cấm của Toà án, Techcombank vẫn xâm phạm nơi ở và tài sản của khách hàng.

Techcombank luôn đúng quy trình?

Trả lời Ngày Nay về khiếu nại của gia đình bà Hương, đại diện Techcombank, ông Trần Nhật Quang, Phó Tổng giám đốc khẳng định: Việc thu giữ tài sản bảo đảm đối với căn hộ 1.5 chung cư 79C Phạm Viết Chánh thuộc quyền sở hữu của ông Tuấn và bà Hương, được Techcombank thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, có thông báo trước, không vi phạm điều cấm của pháp luật.

Theo Techcombank, trong quá trình vay vốn, ông Tuấn và bà Hương đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại Hợp đồng tín dụng đã ký nên phát sinh nợ quá hạn. Techcombank đã nhiều lần đôn đốc, yêu cầu khách hàng thanh toán nợ nhưng ông Tuấn và bà Hương vẫn không thực hiện và cố tình trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, để tình trạng nợ quá hạn kéo dài. Do đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động của ngân hàng, buộc Techcombank phải chấm dứt hợp đồng trước hạn và tiến hành các biện pháp xử lý  nợ để thu hồi toàn bộ khoản vay.

Được sự ủy thác thu hồi nợ từ ngân hàng Techcombank, Công ty TNHH MTV quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam Techcombank (Techcombank AMC) đã tiến hành thông báo cho ông Tuấn, bà Hương biết về thực trạng khoản nợ quá hạn của khách hàng tính đến ngày 1/9/2015.

Tuy nhiên ông Tuấn và bà Hương vẫn không hợp tác để xử lý khoản vay và cố tình trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho Techcombank, buộc Techcombank AMC phải tiến hành các biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật”

Đại diện Techcombank cũng khẳng định: Ngày 13/12/2015, trước sự chứng kiến của UBND phường 19 và cơ quan Thừa phát lại quận Thủ Đức Techcombank AMC tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của ông Tuấn và bà Hương. Sau khi thu giữ tài sản, Techcombank đã ký hợp đồng với công ty đấu giá chuyên nghiệp để tiến hành bán đấu giá tài sản của khách hàng. Ngày 5/1/2016, công ty đấu giá đã tiến hành bán đấu giá thành công tài sản bảo đảm. Ngày 19/1/2017 người trúng đấu giá tài sản đã hoàn tất thủ tục đăng bộ, sang tên.

Trước những lập luận của Techcombank, bà Hương, ông Tuấn khẳng định chính Techombank đã “đẩy” họ vào khoản nợ quá hạn khi ngày 23/6/2015 họ đã đóng số tiền là 19 triệu 500 ngàn đồng để trả gốc và lãi vay hàng tháng cho Techcombank, nhưng phía Techcombank không thu nợ  gốc và lãi dẫn đến khoản vay của khách bị quá hạn. Đại diện Techcombank đã không có câu trả lời trước phản ánh này của khách hàng. Techcombank cũng không có câu trả lời về việc đã có lệnh cấm của toà án nhưng ngày 10/3/2017 vẫn để xảy ra việc di chuyển tài sản trong căn hộ.

Đặc biệt, phía Techcombank khẳng định, mọi văn bản, thông báo của Ngân hàng đưa ra đều được chuyển đến tay khách hàng, nhưng khách hàng lại khẳng định rất nhiều hoạt động của ngân hàng khách hàng không hề được thông báo. Phía ngân hàng cho biết: “Ngày 5/1/2016, công ty đấu giá đã tiến hành bán đấu giá thành công tài sản bảo đảm”, thế nhưng ngày 1/11/2016 phía Techcombank AMC lại có thông báo số 234/2016-AMCMN gửi khách hàng, trong đó ngoài khoản: nợ gốc, nợ lãi,… lại “phát sinh” thêm một số “khoản” mập mờ lên tới gần 200 triệu đồng và yêu cầu khách hàng “phối hợp thực hiện”.

Có thể nói, đây không phải lần đầu tiên Techombank bị “tố” xiết nợ kiểu “xã hội đen”, xâm phạm nơi cư trú của công dân. Ngân hàng này thậm chí còn thành lập cả lực lượng đặc nhiệm và trang bị vũ khí tối tân cùng hình ảnh nhân viên đi thu nợ như đi “chống khủng bố”.

Quá trình thu nợ đã nhiều lần xô xát với khách nợ dẫn tới mất trật tự xã hội. Cũng chính bởi hệ luỵ của những cuộc “xiết nợ” này cũng với các quy định tại Nghị định 163 có nhiều cách hiểu khác nhau nên Bộ luật dân sự 2015 (có hiệu lực từ 1.1.2017) đã sửa đổi và tháo gỡ với nguyên tắc: “Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý... Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu tòa án giải quyết”.

Như vậy, từ 1/1/2017 các ngân hàng đã không còn quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý như quy định tại Nghị định 163 nữa mà phải thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm theo đúng quy định của Bộ Luật dân sự 2015.

Ngày Nay tiếp tục cập nhật thông tin.

 

Ngân hàng Techombank có dấu hiệu tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 BLHS.

Theo Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon - Đoàn luật sư Hà Nội: Mặc dù pháp luật cho phép Ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm của khách hàng nhưng quy trình thu giữ hoàn toàn không phải là quy trình cưỡng chế. Theo quy định pháp luật hiện nay thì chỉ có cơ quan thi hành án dân sự mới có thẩm quyền cưỡng chế đối với các giao dịch dân sự mà một bên cố tình không thực hiện, đồng thời việc cưỡng chế này cũng chỉ được phép tiến hành sau khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Vì vậy nếu khách hàng không tự nguyện giao nộp tài sản bảo đảm thì hành vi thu giữ mang tính “cưỡng chế” trên của Ngân hàng có dấu hiệu tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 BLHS.

Bên cạnh đó tài sản bảo đảm là căn hộ của vợ chồng bà Hương chứ không phải tài sản bên trong căn hộ nên việc Ngân hàng chiếm giữ nhà đồng thời không cho gia đình bà Hương được vào lấy các đồ đạc, tài sản bên trong căn hộ để sinh hoạt là sự xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu tài sản của gia đình bà Hương. Ở đây ngân hàng đang có dấu hiệu vi phạm Điều 141 Bộ luật hình sự về tội danh chiếm giữ trái phép tài sản-

 
Tác giả: Phương Ngô
Nguồn: Ngaynay.vn