Xã hội

Tết Độc lập trên quê hương Bác Hồ

Lợi Trần

Tết Độc lập này, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, những công trình “nối những bờ vui” đã hoàn thành đi vào hoạt động và nhiều công trình trọng điểm khác đang gấp rút thi công vượt tiến độ đang tạo ra một khí thế mới, diện mạo mới trên quê hương Bác Hồ.

Người Mông bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn vui Tết Độc lập.
 

Ông Nguyễn Văn Âu, ở khối 1, thị trấn Quỳ Hợp và bà Đậu Thị Luyên, xóm Tân Tiến, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho biết: Năm nào gia đình cũng làm mâm lễ dâng cúng lên bàn thờ Bác Hồ trong ngày Tết Độc lập. Đã thành lệ, đến Tết Độc lập, nhiều gia đình trên địa bàn huyện miền núi huyện Quỳ Hợp lại soạn mâm quả thắp hương tưởng nhớ công ơn Bác Hồ.

Tiết trời vào thu, không khí mát mẻ là một trong những lý do khiến không khí chuẩn bị đón Tết Độc lập của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Quỳ Hợp thêm rộn ràng, náo nhiệt. Chuẩn bị tươm tất cho ngày lễ quan trọng này là cách đồng bào huyện vùng cao Quỳ Hợp thể hiện tấm lòng ơn Đảng, Bác Hồ đã mang lại cho họ cuộc đời ấm no, hạnh phúc.

Trên những đỉnh núi chon von huyện rẻo cao Kỳ Sơn, như đến hẹn lại lên, bà con người Mông lại vui mừng đón Tết Độc lập của dân tộc. Đây là một cái tết có ý nghĩa vô cùng to lớn trong cộng đồng dân tộc Mông. Trưởng bản Sơn Hà, xã Tà Cạ Mùa Bá Vừ cho biết: Cả bản có 73 hộ với hơn 370 nhân khẩu người Mông đều tập trung để chung vui ngày độc lập của đất nước. Lễ hội chọi trâu bò truyền thống sẽ do bản Sơn Hà, xã Tà Cạ đứng ra tổ chức.

Để cùng chung vui, nhà nào cũng góp tiền, góp gạo mang tới nhà trưởng bản mổ bò ăn tết. Việc ăn Tết Độc lập như thế này đã trở thành phong tục đối với đồng bào Mông ở bản Sơn Hà từ hơn 20 năm nay. Mỗi năm sẽ tổ chức tại một nhà, bà con trong bản có nhiệm vụ góp lương thực thực phẩm và cử người đến giúp gia đình đứng ra "đăng cai". Tiếng loa đầu bản lời bài hát “Người Mèo ơn Đảng” càng làm cho không khí ngày Tết Độc lập rộn ràng, náo nức.

Với đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi Quế Phong, ngày Tết Độc lập là ngày trọng đại nhất trong năm. Ngày 2-9, người dân hai bản người Mông Huồi Mới 1, Huồi Mới 2, xã Tri Lễ dậy từ rất sớm. Ngày đó, không có ai lên rẫy, tất cả tụ tập dưới những cây hoa pà tâu trắng muốt đầu bản, cùng nhau nhớ lại những ngày trước, cuộc sống lang thang sáng ở ngọn suối này mai lại cánh rừng khác như con hươu, con nai, chui lủi như lợn rừng. Bí thư Chi bộ Huồi Mới 1 Và Già Vừ cho biết, kế hoạch đón Tết Độc lập: Đúng 7 giờ sáng mùng 2-9, mọi người trong bản từ già, trẻ đều tập trung về điểm trường tiểu học nghe già làng, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản và các anh bộ đội biên phòng trao đổi về tình hình phát triển của địa phương, cũng như những lời chúc tốt lành trong ngày lễ trọng.

Trong ngày lễ, tất cả mọi người trong bản đều không đi làm ăn xa ở nhà và tổ chức ăn mừng. Lễ mừng bắt đầu từ tối 1-9 và kéo dài đến trưa 2-9, được tổ chức tùy theo điều kiện kinh tế từng gia đình. Nhà khá thì mổ lợn, nhà còn khó khăn thì vịt, gà. Người Mông Huồi Mới coi ngày Quốc khánh là ngày đại đoàn kết. Chảo gang lớn được đặt lên lò để nấu các món ăn truyền thống. Trong bữa ăn ngày Tết, tổ chức văn nghệ và chơi các trò chơi truyền thống như ném pao, chọi bò…

Ngày vui, bà con động viên bảo ban nhau học cách làm làm ăn mới, không nghe theo kẻ xấu bỏ bản, bỏ mường vượt biên trái phép, tái trồng cây thuốc phiện, mua bán trái phép chất ma túy; căn dặn con cái cố gắng học hành được nhiều con chữ. Trưởng bản Thò Chử Chia cho biết: Huồi Mới bây giờ tuy vẫn còn nhiều hộ nghèo nhưng cuộc sống đã ổn định, không còn di dịch cư như trước. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng bà con luôn tin tưởng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chắc chắc đời sống sẽ khá lên, con cháu được học hành.

Từ Huồi Mới trên núi cao xuống bản Chiềng, Kèm Ải, bản Đôn, bản Chợt, bản Lằm của người Thái dưới thấp… đi tới đâu cũng thấy một không khí ăn mừng Tết Độc lập rộn ràng. Trên nóc nhà sàn, Quốc kỳ đỏ thắm, tiếng khèn rộn rã, tiếng cồng chiêng vang vọng. Dưới sàn, đàn ông của mấy gia đình chung nhau mổ lợn, gà để ăn mừng theo đúng phong tục dân tộc mình. Chị Vi Thị Hương, bản Đôn, ra vườn nhà hái quả bưởi đẹp nhất để dâng lên bàn thờ Bác Hồ. Chị Hương chia sẻ: Với người Thái, lễ mừng Tết Độc lập bắt đầu từ chiều mùng 2-9 với việc các gia đình làm lễ cúng, con cháu làm ăn xa đều tập trung về nên ấm cúng và vui vẻ...

Hòa chung không khí cả nước chào mừng Quốc Khánh 2-9, khắp trên các thôn, xóm, làng quê truyền thống Xô viết Thanh Chương cũng tưng bừng, rộn ràng trong tiếng nhạc, tiếng trống, rợp sắc cờ đỏ sao vàng. Đã thành truyền thống, ở xã Thanh Thịnh, cứ vào dịp Tết Độc lập, mỗi xóm đều đăng ký cắm trại vui mừng Quốc khánh, đây là hoạt động vừa vui chơi chào mừng trong ngày hội đặc biệt này. Ông Nguyễn Văn Hồng, xóm 1 chuẩn bị nguyên vật liệu cắm trại, vui vẻ cho biết: “Tết Độc lập là ngày vui nhất của người dân Việt Nam, vì thế, chúng tôi mong muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình để xóm làng thêm đẹp, thêm vui và đầm ấm hơn”.

Để Tết Độc lập thêm phần ý nghĩa, Huyện đoàn Thanh Chương, Yên Thành… đã tổ chức Hội thi nghi thức Đội và cắm trại.

Đi trong không khí hân hoan, thấy nhiều địa phương, nhiều người dân đã chọn cho mình những hoạt động, việc làm đầy ý nghĩa. Tưởng nhớ Bác Hồ trong ngày Tết Độc lập.

Về Kim Liên – Nam Đàn là quê chung mà người dân mọi miền đất nước hướng tới. Những ngày này, Kim Liên không ngớt dòng người tới tham quan, thăm viếng, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mọi người đến đây, lặng lẽ thành kính nghe kể về cuộc đời và sự nghiệp của Bác; đứng dưới mái nhà đơn sơ, giản dị ấy để lắng lại lòng mình.

Hành hương lên núi Đại Huệ, gặp ông Trần Văn Hào, xã Nam Giang đang dâng hoa dâng hương tại Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ. Ông Hào kể: “Theo lệ, cứ đến gần ngày lễ mừng Quốc khánh, gia đình lại làm cơm cúng Bác. Mâm cơm cúng Bác là một sự gợi lại, nhắc nhở cháu con và mọi người sống và học tập theo gương Bác”…

Những ngày này, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An lại nhớ những lời căn dặn và mong muốn đối với quê hương trong bức thư cuối cùng mà Bác Hồ gửi Đảng bộ Nghệ An trước lúc đi xa 42 ngày, được coi là Di chúc của Bác để lại cho quê hương: “... Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc...".

Khắc ghi lời dặn của Bác, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã và đang phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực hết mình cùng sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, quyết tâm thực hiện cho được niềm mong ước thiết tha nhất của Bác đối với quê hương.

Những ngày Thu này, trên địa bàn Nghệ An, công trình “nối những bờ vui” như cầu Yên Xuân qua sông Lam, đường Hoàng Mai - thị xã Thái Hòa, Nhà máy xi măng Đô Lương… và nhiều công trình khác đã hoàn thành đi vào hoạt động và nhiều công trình đang gấp rút thi công vượt tiến độ đang tạo ra một khí thế mới, diện mạo mới trên quê hương Bác Hồ.

 

Bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong vui Tết Độc lập tại trường tiểu học.

Tác giả bài viết: Minh Thư