Du lịch

Tháng 7 về thăm “địa ngục trần gian” nơi Côn Đảo

Admin

Côn Đảo - Đặt chân tới đây không chỉ để biết thêm về vùng đất giữa trùng khơi của Tổ quốc mà còn để có dịp thắp nén hương tưởng nhớ tới hàng chục ngàn anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống bởi chính sách cùng hệ thống nhà tù vô nhân đạo, được mệnh danh là “địa ngục trần gian” của chế độ thực dân, đế quốc nơi đây.

Hùng vĩ Côn Đảo.

Từ “địa ngục trần gian”…

Đến Côn Đảo (thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), việc đầu tiên của chúng tôi là đến thăm nhà tù Côn Đảo, nơi có khoảng 20.000 người Việt Nam yêu nước thuộc nhiều thế hệ đã bị thực dân, đế quốc giam cầm, đọa đày và hy sinh trong khoảng thời gian hơn 100 năm, nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, nơi khiến cả thế giới bàng hoàng, phẫn nộ trước tội ác man rợ của thực dân, đế quốc đối với những người Việt Nam yêu nước bị giam cầm.

Theo hồ sơ, ngày 28/11/1861, thực dân Pháp chiếm Côn Đảo. Ngày 1/2/1862, Thủy sư đô đốc Pháp Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo để lưu đày, giam giữ những người chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp và chế độ Sài Gòn cũ. Ở đây, chúng cho xây dựng hàng trăm xà lim, phòng giam, phòng biệt lập trong các hệ thống nhà tù Côn Đảo và ít nhất 18 sở tù để đày ải những người yêu nước và tù chính trị làm lao dịch khổ sai.

 Một góc nhà tù Côn Đảo.

Theo lời giới thiệu, hệ thống nhà tù Côn Đảo thời Pháp bao gồm các trại giam Bagne (Banh) I - hay còn gọi là Trại Phú Hải; Bagne II - Trại Phú Sơn; Bagne III - Trại Phú Thọ - Biệt lập chuồng gà; Bagne III phụ - Trại Phú Cường; Chuồng bò; Chuồng Cọp. Chính tại nhà tù Côn Đảo, thực dân Pháp đã giam cầm, xiềng xích, gông cùm và thực hiện đủ các đòn tra tấn vô cùng tàn bạo hòng dập tắt ý chí đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng.

Banh II, Banh III, Banh phụ III và Chuồng cọp gồm 2 dãy, mỗi dãy có 60 phòng giam nhỏ và buồng tắm nắng. Ở Chuồng cọp, mỗi chuồng giam có những hàng song trần ở trên nóc, bên trên là lối đi dành cho cai ngục theo dõi tù nhân. Chúng coi người tù cách mạng không khác gì thú vật, sẵn sàng cầm những chiếc gậy dài chọc xuống. Khi tù nhân khát, cai ngục sẽ đổ ào nước xuống buồng giam chật chội, bẩn thỉu. Hình phạt dành cho những ai có dấu hiệu chống đối là rắc vôi bột xuống mịt mù.

 

 

 Tái dựng hình ảnh nhà tù Côn Đảo năm xưa.

Tù nhân không chỉ bị bỏ đói, bị xiềng xích mà còn bị tra tấn dã man và lao dịch khổ sai như đập đá làm đường, xây dựng cầu tàu, đốn gỗ, xay lúa, lấy san hô nung vôi,... Lao động vất vả như vậy nhưng chế độ ăn uống vô cùng kham khổ, thậm chí chúng trộn lẫn cơm với cát, sạn, thóc, trấu mảnh sành cho tù nhân ăn.

Lao động cực nhọc nguy hiểm, ăn uống kham khổ và đòn roi hiểm độc đã làm hàng nghìn người tù cách mạng chết ở Côn Đảo. Nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra để phản đối chính sách bạo tàn của thực dân Pháp. Những người tù đã bí mật thành lập Chi bộ Đảng để tập hợp, lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị vô nhân đạo, biến nhà tù Côn Đảo thành trường học chủ nghĩa cộng sản.

Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Côn Đảo, năm 1955, Mỹ ngụy tiếp quản Côn Đảo. Chúng xây dựng thêm 4 trại giam mới gồm Trại 5 (Trại Phú Phong); Trại 6 (Trại Phú An); Trại 7 (Trại Phú Bình - Chuồng cọp kiểu Mỹ) và Trại 8 (Trại Phú Hưng). Mỗi trại tù có 2 dãy, mỗi dãy có 48 phòng giam biệt lập. Những người tù bị chúng đưa về đây để tra xét tàn bạo với những công cụ tra tấn rùng rợn, phi nhân tính.

Mỹ - Ngụy sử dụng các hình thức tâm lý chiến, tra tấn, nhục hình nhằm trấn áp cả thể xác lẫn tinh thần của người tù Côn Đảo. Chúng cho tù nhân vào thùng phuy, đổ đầy nước, lấy gậy đập mạnh phía ngoài thùng phuy. Chúng đánh đập, dí điện vào tai, nhốt người tù vào chuồng cọp, rải vôi sống, cho phơi nắng, phơi sương nhiều tuần liền, ngâm tù nhân vào trong hầm phân bò,...

 Du khách tham quan nhà tù Côn Đảo.

Ngày nay, các trại trong hệ thống nhà tù Côn Đảo vẫn còn đó với 9 trại tù là Trại Phú Hải, Trại Phú Sơn, Trại Phú Thọ, Trại Phú Tường, Chuồng cọp Pháp, Khu biệt lập Chuồng bò, Trại Phú Phong, Trại Phú An, Chuồng cọp Mỹ và Trại Phú Hưng. Hệ thống nhà tù Côn Đảo được mở cho người dân khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Ngày 10/5/2012, Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Lịch sử đã qua đi. Hôm nay, lớp lớp người Việt Nam khi nhắc đến Côn Đảo, ai cũng nao lòng, muốn được đến Côn Đảo một lần để tận mắt chứng kiến và cảm nhận những đớn đau của hơn 20.000 chiến sĩ yêu nước kiên cường đã vĩnh viễn nằm lại Côn Đảo.

… đến nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương được xem là một trong những nghĩa trang lớn và nổi tiếng nhất cả nước. Tại Côn Đảo, hàng ngàn chiến sĩ đã được an táng tại nghĩa trang Hàng Dương, trong đó có lãnh tụ cách mạng như Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Lưu Chí Hiếu, nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu,…

 Nghĩa trang Hàng Dương ở Côn Đảo.

Nghĩa trang Hàng Dương có diện tích 190.000 m2, gồm 3 khu là khu A, khu B và khu C. Theo số liệu, có khoảng 20.000 tù nhân đã ngã xuống ở Côn Đảo. Tuy nhiên, không phải tất cả đều nằm ở Hàng Dương. Nghĩa địa tù được lập ở khu vực Chuồng Bò, sau dời lên Hàng Keo. Đến lúc nghĩa địa Hàng Keo gần hết chỗ, thực dân Pháp mở nghĩa địa Hàng Dương để chôn tù nhân.

Khu A nghĩa trang, nơi có phần mộ cụ Nguyễn An Ninh và đồng chí Lê Hồng Phong là nơi an táng những ngôi mộ đầu tiên. Mỗi người tù xấu số được liệm bằng 2 chiếc bao bàng (đan bằng loại cỏ ống), cột 7 nút lại rồi đưa ra vùi qua loa xuống cát. Có thời gian, mỗi ngày từ 15 đến 20 người tù chết, tất cả được chất lên xe bò chở ra Hàng Dương vùi chung một hố.

Năm 1944, khu A đã chật mộ, nhà tù đã mở rộng nghĩa trang về phía Nam, tức khu B hiện nay. Hài cốt lớp tù nhân kháng chiến chống Pháp (1945-1954) được chôn kế tiếp từ đồi cát chạy dài xuống phía Đông Nam, nơi có phần mộ Liệt sĩ - Anh hùng LLVT Võ Thị Sáu.

Hài cốt lớp tù nhân chống Mỹ được chôn tiếp vào phần còn lại của khu B và chôn tiếp qua khu C. Gần 500 tù chính trị câu lưu chống ly khai Đảng Cộng sản trong những năm 1957-1963 được chôn trong khu B.

 Một góc Côn Đảo nhìn từ biển.

Sân hành lễ nằm ở trung tâm nghĩa trang với một tượng đài mang một hình tượng “Trao áo”. Tượng đài cao 9m, nặng 25 tấn, được khởi dựng ngày 16/7/1980. Dưới chân bức tượng có ghi hàng chữ “Vĩnh biệt các đồng chí”. Tượng đài được xây dựng từ câu chuyện “Chết còn cởi áo cho nhau”. Người trao áo là ông Vũ Văn Hiếu (nguyên là Bí thư đầu tiên của đặc khu mỏ Hòn Gai tháng 10/1930), còn người nhận áo nguyên là cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Khu nghĩa trang Hàng Dương rộng lớn nhưng nơi nào cũng có người đang thành kính thắp hương tưởng nhớ những người nằm dưới mộ, khiến cho nghĩa trang không lạnh lẽo mà gần gũi, ấm áp vô cùng.

Về đêm, những cụm đèn khắp nơi tỏa sáng và trước mỗi ngôi mộ đều có một ngọn đèn nhỏ như ánh nến, những nén hương cháy đỏ. Tiếng nhạc trầm, dịu nhẹ phát ra từ những chiếc loa nhỏ đặt rải rác trong khuôn viên nghĩa trang hòa cùng tiếng sóng vỗ rì rào từ biển, tiếng gió nhẹ trên những cành dương nghe như tiếng hát ru giấc ngủ ngàn thu của những người con ưu tú của đất nước đang yên nghỉ ngàn đời nơi Côn Đảo anh hùng.

 Phần mộ nữ Liệt sĩ anh hùng Võ Thị Sáu trong nghĩa trang Hàng Dương.

Đến nghĩa trang Hàng Dương, ai cũng dành thời gian đến thắp hương viếng thăm phần mộ của nữ anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu - nữ tử tù đầu tiên và duy nhất ở Côn Đảo. Khí phách hiên ngang của chị khiến kẻ thù phải kính phục, kiêng nể. Trước mộ của chị Sáu có trồng cây lêkima được mang ra từ quê nhà của chị. Có ai tới đây mà không thầm hát "Mùa hoa lêkima nở. Ở quê ta miền đất đỏ. Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng..."!