Tin địa phương

Thành Điện Hải - di tích cấp quốc gia đặc biệt?

Admin

Ngày 23-9, đoàn Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng về công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích thành Điện Hải và bảo vật quốc gia tại thành phố Đà Nẵng.

Các thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đều khẳng định giá trị đặc biệt của thành Điện Hải trên cả phương diện kiến trúc và lịch sử; đồng thời khẳng định đây là di tích có đủ cơ sở để trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt.

 Các thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khảo sát thực tế tại thành Điện Hải. Ảnh: NGỌC HÀ

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: Đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc

Trước năm 1858, người Pháp bằng nhiều cách khác nhau tìm hiểu, xác định các vị trí chiến lược, nếu đánh vào Việt Nam thì đánh ở đâu; đồng thời, nhà Nguyễn cũng nhìn thấy vị trí chiến lược của Đà Nẵng, chính vì thế, triều Nguyễn đã xây dựng hệ thống phòng thủ trên mảnh đất này. Thực dân Pháp đã lấy cớ triều Nguyễn đối xử với các cha cố để đánh nước ta. Họ chọn đánh vào Đà Nẵng bởi họ đã có tính toán sẵn. Một là phát huy tối đa sức mạnh vũ khí của hải quân liên quân Pháp – Tây Ban Nha; hai là Đà Nẵng gần Huế nên muốn đánh phủ đầu triều Nguyễn một khi đã chiếm được Đà Nẵng.

Tôi nghĩ đó là một tính toán kỹ lưỡng của thực dân Pháp. Tuy nhiên, đến Đà Nẵng họ đã vấp phải ý chí chiến đấu kiên cường, mưu trí của quân và dân ta nên dù liên quân Pháp – Tây Ban Nha mạnh đến vậy nhưng Đà Nẵng đã cầm cự hơn một năm rưỡi.

Giá trị của trận đánh này ở chỗ đây là mặt trận đầu tiên tấn công của thực dân phương Tây, cụ thể là quân Pháp đối với cuộc chiến xâm lược Việt Nam; đây cũng là trận đánh mà các nghĩa sĩ ngoài Bắc và cả nước đã dâng biểu và đưa nghĩa binh của mình vào sát cánh cùng nhân dân Đà Nẵng chống kẻ thù xâm lược, đập tan kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của Liên quân Pháp – Tây Ban Nha, là thắng lợi duy nhất của quân ta trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược.

Cho nên, giá trị lịch sử của thành Điện Hải nếu căn cứ vào khoản 3, Điều 29 của Luật Di sản văn hóa, sửa đổi năm 2009, quy định “Di tích quốc gia đặc biệt là di tích gắn với sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc” thì rõ ràng di tích thành Điện Hải có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Địa điểm lý tưởng giới thiệu thành quách của Đà Nẵng và cả nước

Giá trị thành Điện Hải nằm ở cả giá trị vật thể và phi vật thể. Về giá trị vật thể, thành Điện Hải xây theo kiểu thành Vauban châu Âu, cũng giống như các hệ thống thành lũy trên cả nước, đặc biệt sau thời kỳ Gia Long và thời kỳ Minh Mạng; tuy nhiên, hiện nay còn rất ít. Nếu không kể cố đô Huế thì thành Điện Hải là di tích duy nhất về thành lũy quân sự cổ còn sót lại ở miền Trung.Thành Điện Hải gắn với người anh hùng Nguyễn Tri Phương và ý chí kháng chiến của nhân dân Đà Nẵng và cả nước. Tất cả cái đó có thể nói là giá trị phi vật thể.

Điều đặc biệt, với không gian tương đối hoàn thiện và nỗ lực khôi phục giá trị thành Điện Hải của chính quyền Đà Nẵng, nơi đây có thể trở thành địa điểm lý tưởng giới thiệu thành quách của Đà Nẵng và cả nước, giúp người dân và du khách mục sở thị những gì diễn ra trong hơn 1 thế kỷ trước và có ứng xử đúng đắn với di tích và lịch sử của dân tộc.

 Năm 2018, Bộ VH-TT&DL sẽ bố trí 10 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương để tôn tạo di tích thành Điện Hải. Ảnh: NGỌC HÀ

PGS.TS. Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học: Vai trò chủ đạo trong hệ thống phòng thủ ở vị trí cửa ngõ vào Đà Nẵng

Thành Điện Hải đánh dấu mốc thay đổi lịch sử của đất nước. Cũng có ý kiến, quan điểm cho rằng 1884 mới là giai đoạn đầu của thời kỳ lịch sử cận đại. Tuy nhiên, quan điểm của Viện Sử học từ xưa đến nay coi mốc 1858, khi chủ nghĩa thực dân đánh vào Đà Nẵng, bắt đầu xâm lược Việt Nam, mở đầu giai đoạn lịch sử cận đại. Hơn nữa, thành Điện Hải có vị trí chiến lược quan trọng, không chỉ thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà cả thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Với vai trò chủ đạo trong hệ thống phòng thủ ở vị trí cửa ngõ vào Đà Nẵng thì thành Điện Hải xứng đáng trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế: Trùng tu rồi thì rất khó đập bỏ đi

Tôi đồng ý với quan điểm cho rằng thành Điện Hải là minh chứng va đập giữa nền văn minh phương Tây và phương Đông và hội tụ thêm nhiều yếu tố khác để trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt. Vì vậy, gắn liền với đó là chiến lược bảo vệ lâu dài. Vấn đề quan trọng đầu tiên để bảo vệ, giữ gìn di tích cũng như nâng tầm nó lên thì phải có quy hoạch chiến lược, đặc biệt tôi quan tâm đến giai đoạn 2 của dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải”. Tôi cho rằng cần tổ chức các buổi hội thảo để tập hợp các ý kiến; đồng thời trùng tu di tích phải hết sức thận trọng bởi khi trùng tu rồi thì rất khó đập bỏ đi.

Bố trí 10 tỷ đồng ngân sách Trung ương tôn tạo thành Điện Hải

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Đặng Thị Bích Liên biểu dương nỗ lực, quyết tâm của thành phố Đà Nẵng, nhất là di dời, giải tỏa nhằm khôi phục, trả lại nguyên vẹn thành Điện Hải. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết Bộ VH-TT&DL sẽ đồng hành cùng UBND thành phố Đà Nẵng chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ về thành Điện Hải thông qua góp ý của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia để sớm bảo vệ trước Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đồng thời, trong năm 2018, Bộ VH-TT&DL sẽ bố trí vốn ngân sách Trung ương 10 tỷ đồng để đầu tư dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải”.

Về phía lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cam kết hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ; tạo cơ sở vật chất, pháp lý để thực hiện dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải”. Trong quá trình thực hiện dự án, sẽ hết sức cân nhắc, thận trọng, nghiêm túc lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu, khoa học để trả lại giá trị, vai trò của thành Điện Hải. Đồng thời, UBND thành phố cũng lắng nghe góp ý của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, xem xét lại chiến lược bảo tồn di sản trên địa bàn thành phố.