Kinh tế

Thành phố Hải Phòng tăng tốc sớm về đích Chương trình OCOP

Lan Anh

Với số lượng 242 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, Hải Phòng đã đạt 72,2% so với kế hoạch đề ra, với 335 sản phẩm OCOP trong 5 năm (từ năm 2021-2025).

Thương hiệu "Cá Mòi kho làng Chài" của Công ty TNHH thực phẩm SOVI ở thôn Nhân Trai, xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng đạt chất lượng sản phẩm OCOP 4 sao/ (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hải Phòng đang khẩn trương triển khai các giải pháp thiết thực để sớm hoàn thành Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 2025 (gọi tắt là Chương trình OCOP).

Ông Tăng Xuân Thọ, Trưởng phòng Phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng) cho biết đến hết tháng 7/2024, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp thành phố đã đánh giá 292 sản phẩm, cấp giấy chứng nhận cho 287 sản phẩm; trong đó có 87 sản phẩm 4 sao, 200 sản phẩm 3 sao và 5 sản phẩm đang gửi Trung ương đánh giá 5 sao.

Thành phố Hải Phòng có nhiều sản phẩm tiềm năng thuộc 6 nhóm sản phẩm có thể phát triển thành sản phẩm OCOP.

Mục tiêu đến hết năm 2025, thành phố Hải Phòng có 335 sản phẩm OCOP. Như vậy, với số lượng 242 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, Chương trình OCOP Hải Phòng đã đạt 72,2% so với kế hoạch đề ra trong 5 năm (từ năm 2021-2025). Sau hơn bốn năm triển khai, chương trình OCOP đã mang đến luồng gió mới trong sản xuất tại nhiều vùng quê trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Thay đổi về cách thức sản xuất, việc nâng cao áp dụng khoa học kỹ thuật, tiếp cận thị trường và đặc biệt sản phẩm được cấp chứng nhận đã giúp bà con có thêm nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ, một trong những đơn vị được chứng nhận sản phẩm OCOP cho biết, doanh nghiệp Lượng Huệ vốn đã là đơn vị quy mô lớn và ứng dụng khoa học kỹ thuật mạnh mẽ trong sản xuất. Nhưng khi được cấp thêm chứng nhận sản phẩm OCOP đã tạo thêm động lực để doanh nghiệp nâng cao hơn chất lượng sản phẩm.

Đến nay, bảy sản phẩm mang thương hiệu Ogari của công ty đã đạt chứng nhận OCOP và trở nên quen thuộc, được người tiêu dùng ưa chuộng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng được các cơ quan chức năng hỗ trợ tiếp cận, đưa sản phẩm OCOP ra thị trường rộng rãi hơn.

Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ OCOP Hải Phòng cho biết Câu lạc bộ được thành lập từ tháng 10/2023 đã tạo thêm sân chơi, thúc đẩy các thành viên thêm động lực, môi trường để phát triển các sản phẩm OCOP. Nhờ được chứng nhận sản phẩm OCOP, các mặt hàng của câu lạc bộ đã đi đến được nhiều thị trường. Hàng hóa của câu lạc bộ đã tham gia 16 hội chợ cấp quốc gia, trong thành phố và tại các tỉnh, hỗ trợ 64 lượt đơn vị thành viên mở rộng thị trường tốt hơn.

Để đạt được những kết quả đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng đánh giá giai đoạn đầu xây dựng chương trình OCOP đã đạt được nhiều thuận lợi.

Chương trình đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành từ thành phố đến địa phương. Cùng với đó, chương trình OCOP là một chủ trương được nhân dân đồng tình ủng hộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc đã tạo ra động lực to lớn cho người dân hoàn thiện và phát triển sản phẩm.

Bên cạnh đó, thành phố Hải Phòng có nhiều sản phẩm tiềm năng thuộc 6 nhóm sản phẩm có thể phát triển thành sản phẩm OCOP. Các chủ thể đã đẩy mạnh việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP. Và thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP luôn được rộng mở, sự quan tâm, đón nhận của người tiêu dùng ngày càng lớn.

Tuy nhiên cũng theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, bên cạnh những thuận lợi trên, quá trình thực hiện chương trình OCOP cũng gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh một số chủ thể tổ chức sản xuất kinh doanh khá bài bản thì vẫn còn một số chủ thể (trong đó chủ yếu là các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể) sản xuất hàng hóa với quy mô manh mún, nhỏ lẻ; sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo, chưa mang tính hệ thống; chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm còn chưa hấp dẫn người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, sức cạnh tranh trên thị trường của một số sản phẩm chưa cao, một số chủ thể không tham gia đánh giá lại sản phẩm khi hết thời gian chứng nhận OCOP (sau 36 tháng).

Một số chủ thể gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ tham gia Chương trình, đặc biệt là khó khăn trong việc lập phương án sản xuất kinh doanh hoặc viết câu chuyện sản phẩm (là nội dung bắt buộc của Chương trình) cũng như việc cung cấp các tài liệu minh chứng (phân tích chất lượng sản phẩm, các hợp đồng cung cấp nguyên liệu hoặc tiêu thụ sản phẩm).

Ông Tăng Xuân Thọ, Trưởng phòng Phát triển nông thôn cho biết thời gian thực hiện chương trình chỉ còn hơn một năm nữa, để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đạt 100% kế hoạch đề ra và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, Hải Phòng cũng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Cùng với đó, Hải Phòng cũng đề xuất với Trung ương ban hành các chính sách khung về các nội dung liên quan đến việc hỗ trợ để phát triển Chương trình OCOP nhằm tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp với từng địa phương.

Về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao, do cán bộ tại Ủy ban nhân dân cấp huyện phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, không có cán bộ nghiên cứu chuyên sâu về OCOP nên hiện nay các địa phương đều gặp khó khăn trong việc đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP 3 sao.

Đề nghị chuyển nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhằm giảm áp lực cho các cơ quan chuyên môn cấp huyện và tăng cường chất lượng đối với các sản phẩm OCOP.

Ban hành các quy định về việc thu hồi giấy chứng nhận OCOP đối với các sản phẩm OCOP hết hiệu lực và các sản phẩm không còn đáp ứng các tiêu chí so với lúc đánh giá ban đầu, như: chủ thể ngừng hoạt động hoặc chuyển sang loại hình kinh doanh khác, sản phẩm không đạt yêu cầu về chất lượng./.