Giáo dục

Thầy hiệu trưởng "soái ca"

Admin

Chưa đầy 2 năm về trường, thầy Huỳnh Thanh Phú đã tạo ra nhiều thay đổi cả về chất lượng dạy học và sinh hoạt ngoại khóa cho trường THPT Nguyễn Du.

Về làm Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) chưa đầy 2 năm, thầy Huỳnh Thanh Phú đã tạo ra nhiều thay đổi về chất lượng dạy học và sinh hoạt ngoại khóa cho nhà trường. Đặc biệt là các chương trình giáo dục chính trị tư tưởng thú vị do thầy lên ý tưởng thu hút sự tham gia nhiệt tình của giáo viên, học sinh.

Thân thiện, gần gũi, liên tục đổi mới, luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của giáo viên, học sinh để đưa ra giải pháp tối ưu nhất cho nhiều vấn đề, vì vậy, thầy Huỳnh Thanh Phú hay được học trò gọi với tên thân mật là “thầy hiệu trưởng soái ca”.

 Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du. (Ảnh: Pháp luật TPHCM)

Ấn tượng khó quên nhất của học sinh trường THPT Nguyễn Du với thầy hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú chính là cách thầy tiếp cận mọi người.

Từ ngày về trường đến nay, sáng nào thầy cũng vào thật sớm, khi đứng ở cổng chính, lúc ở cổng phụ để… cúi đầu chào phụ huynh và học sinh.

Thầy Phú nói, thầy muốn dùng cách này giáo dục học sinh sự lễ phép, biết lan tỏa thương yêu khi tiếp xúc với mọi người.

Vào dịp cuối năm học, thầy còn tổ chức buổi trò chuyện thẳng thắn để lắng nghe ý kiến đóng góp từ học sinh, phụ huynh nhằm điều chỉnh những vấn đề còn vướng mắc. Học sinh trong trường còn có thể phản hồi ý kiến trực tiếp đến thầy hiệu trưởng về các vấn đề mà mình quan tâm. Thầy Huỳnh Thanh Phú đã thay đổi được cách nghĩ về người đứng đầu trường học của rất đông học sinh.

Huỳnh Phương Lâm (học sinh lớp 12A9) chia sẻ: “Theo suy nghĩ của em, thầy hiệu trưởng hoặc ban giám hiệu là những thầy cô làm những công việc quan trọng nên sẽ rất xa cách học sinh. Thế nhưng khi thầy về trường em lại thấy khác biệt hoàn toàn vì thầy rất gần gũi. Thầy còn có rất nhiều sự đổi mới trong cách giáo dục của mình.”.

Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới chuyên môn, thầy Huỳnh Thanh Phú còn tạo ra nhiều sân chơi ngoại khóa bổ ích thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh. Tăng cường dạy kỹ năng và âm nhạc truyền thống là cách đầu tiên thầy Phú chọn để dạy học sinh cách yêu quý cuộc sống và nét đẹp của văn hóa dân tộc.

Các câu lạc bộ trong trường như “Dạy con giữ đạo làm người”, “Người truyền cảm hứng”… lần lượt ra đời thông qua chuỗi chương trình đầy cảm xúc theo chủ đề tình yêu quê hương, đất nước, đạo hiếu, gia đình.

Nhiều cuộc thi âm nhạc, văn hóa đã được thầy hiệu trưởng tạo ra nhằm giúp học sinh toàn trường thể hiện sự am hiểu, năng khiếu của mình và thêm gắn kết với bạn bè, thầy cô.

Thầy còn kêu gọi giáo viên và học sinh trong trường chung tay tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện như xây nhà tình thương, cầu nông thôn mới hoặc tự nấu suất ăn đem tặng cho bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Bài học về sự sẻ chia được dưỡng nuôi từ những chương trình thực tế như vậy.

Mới đây, thầy Huỳnh Thanh Phú quyết định đổi tên các dãy lớp từ A, B, C, D trong trường thành Trường Sa, Hoàng Sa, Biển Đông và Gạc Ma cùng những câu chuyện lịch sử đi kèm đầy cảm xúc.

Theo đánh giá của nhiều người, đây là cách giáo dục về chủ quyền đất nước vô cùng khéo léo, thú vị theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Không rập khuôn máy móc, thầy Huỳnh Thanh Phú chọn cách truyền cảm hứng yêu nước đến học trò qua những câu chuyện kể, những chương trình sân khấu hóa, chương trình văn nghệ hay giao lưu với nhân chứng lịch sử.

Thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ: “Tôi cũng trăn trở, cũng nhìn thấy được những thăng trầm của đất nước để biết đâu là điều mà người thầy cần giáo dục học sinh trên mặt trận văn hóa để các em có ý thức yêu Tổ quốc. Những suy nghĩ này giúp tôi định hình rằng mình phải làm sao để giáo dục của chúng ta về tình yêu quê hương, đất nước, về công tác giáo dục chính trị tư tưởng đi vào học sinh một cách nhẹ nhàng nhưng thẩm thấu rất sâu, rất chắc.”.

Dù lịch học khá dày nhưng trong tuần nhà trường luôn sắp xếp cho học sinh có một tiết cùng nhau đọc sách ở thư viện để bổ sung kiến thức.

Dọc hành lang trường, thầy hiệu trưởng còn cho đặt những chiếc kệ gỗ xếp sẵn nhiều quyển sách về nhân cách và tình thương yêu cho giới trẻ.

Thầy khuyến khích học sinh đến đọc hoặc mượn về nhà rồi chia sẻ với bạn bè trong lớp. Những câu chuyện về nhân cách sống còn được thầy dành tặng học sinh toàn trường vào giờ sinh hoạt chung.

Cô Nguyễn Thị Hoa Hồng, giáo viên nhà trường cho biết: “Vào giờ chào cờ đầu tuần, khi nào thầy cũng kể cho học sinh nghe những câu chuyện rất đơn giản nhưng sau mỗi câu chuyện như vậy luôn luôn có một bài học được rút ra cho các em. Thầy dạy cho các em học sinh tính trung thực, sống biết yêu thương mọi người xung quanh. Các em học sinh của trường cảm thấy hứng thú lắm. Các em luôn mong đến ngày đầu tuần để được nghe thầy nói”.

Bằng những việc làm tưởng chừng đơn giản, thế nhưng chỉ sau gần 2 năm, thầy Huỳnh Thanh Phú đã tạo nên một diện mạo mới cho trường Nguyễn Du.

Vào trường ai cũng vui vẻ chào hỏi nhau, học sinh thì cứ thấy rác là tự nhặt còn giáo viên trở thành người truyền cảm hứng, bạn đồng hành cùng các em trên nhiều lĩnh vực.

Những chuyên đề giáo dục tưởng chừng khô khan này trở nên thú vị, đầy sức hút giúp các em học sinh ngày càng tự tin và biết quan tâm đến mọi người xung quanh, biết như thế nào là yêu quê hương, đất nước.

Với thầy Huỳnh Thanh Phú, chỉ cần ở ngôi trường này mọi người luôn cùng nhau sát cánh trong mọi hoạt động, biết yêu thương, chia sẻ thì không có sự đóng góp, cống hiến nào là uổng phí./.