Giáo dục

Thí sinh thi đạt điểm chưa cao: Phụ huynh đừng tạo thêm áp lực cho con

Admin

Sau khi biết điểm thi tại mỗi kỳ thi quan trọng, những sự việc đáng tiếc lại xảy ra. Nguyên nhân do trẻ phải đối diện với áp lực quá lớn mà bản thân các em không có cách nào vượt qua.

TS Phạm Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhìn nhận, với lứa tuổi học sinh lớp 9, áp lực của các em không quá lớn. Do đó, phụ huynh lúc này phải tỉnh táo hơn bao giờ hết. Đừng coi việc thi cử thiếu một vài điểm quá nặng nề đối với con.

 

Với kinh nghiệm từng làm quản lý trường THPT, TS Phạm Thanh Sơn cho biết có nhiều trường hợp phụ huynh có con không đạt được nguyện vọng như mong muốn lập tức coi đó như “trời sắp sập”. Chính điều đó tạo áp lực rất lớn lên những đứa trẻ. Phụ huynh cần chia sẻ với con rằng con học ở đâu cũng được, đích cuối cùng là kết quả.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy cho hay đứng ở vai trò là phụ huynh, cô nhận thấy người mẹ có vị trí quan trọng trong việc ổn định tâm lý cho con sau mỗi sự cố. Bản thân cô cũng từng xác định tâm lý cho con là không học ở trường này thì có thể học ở trường khác. Trường cũ không chọn mình, thì trường mới đã chọn, tức cánh cửa này đóng lại, có cánh cửa khác mở ra.

“Thực tế để con thay đổi được trong thời điểm đang sốc là rất khó, phụ huynh trong lòng cũng rất buồn nhưng họ phải là người vững vàng hơn để vượt qua. Con trẻ cũng cần biết được điều đó và phụ huynh cố gắng kéo con thoát ra khỏi môi trường cô độc, không để con mãi nằm ì một chỗ”, cô Nhiếp chia sẻ.

Bên cạnh đó, cô Nhiếp cũng cho hay hiện nay có hiện tượng phụ huynh “thích khoe con”. Vì tâm lý của những phụ huynh này luôn muốn con ở bất kỳ tình huống nào cũng phải thuộc top 1. Chính phụ huynh làm cho con áp lực.

Tìm một hướng đi khác cho con

TS Đỗ Trần Phương Anh, Dự án nghiên cứu phòng chống nguy cơ tự tử thanh thiếu niên cho biết thời gian này, tâm lý tiêu cực của học sinh cuối cấp sẽ chia thành 2 trạng thái.

Trạng thái thứ nhất là các em có điểm rất thấp, khó vào được trường công, thậm chí là có thể sẽ không vào được đâu, phải học nghề hoặc các Trung tâm giáo dục thường xuyên. Hầu hết các em này đều đã nhận thức được năng lực của mình. Giống như các em thừa biết bản thân kém cỏi, gia đình cũng không đòi hỏi quá nhiều về thành tích.

Các trường hợp này nếu gia đình có điều kiện, bố mẹ cần có định hướng đúng đắn, động viên để sự cố gắng của các em không bị sai hướng, không gây thêm tâm lý chán nản nếu nỗ lực không được như ý.

Với các bạn gia đình không có điều kiện, hoặc phải học các trường chất lượng thấp, hoặc là không tiếp tục học, gia đình cần động viên theo hướng cần nỗ lực nhiều hơn, cũng có thể hiểu là không để các em chán nản và từ bỏ việc học. Bất kể là bậc THCS hay bậc THPT, các em vẫn cần được trang bị nhiều hơn về cả kiến thức và kỹ năng. Nếu bỏ học sẽ rất khó có lại cơ hội tiếp tục việc học về sau này.

Trạng thái thứ hai, các bạn có năng lực nhưng điểm lại không đủ để vào trường mình mong muốn. Lúc này hầu hết sẽ có xu hướng tức giận, khó chịu vì sự yếu kém của bản thân. Thường sẽ có 2 xu hướng hành vi, trong đó một là chấp nhận học tạm 1 trường nào đó, hoặc thi lại. Nhưng cơ bản, hầu hết các em học tạm đâu đó đều có xu hướng học chểnh mảng vì nghĩ không thích hợp.

Bố mẹ cần lựa chọn kỹ về môi trường học mới, cần định hướng cho 1 đường đi sáng sủa để các em không quá bi quan. Các em cũng cần nghỉ ngơi xả stress nhiều hơn, vì sự tập trung tinh thần vào việc thi và áp lực khi có điểm khiến các em căng lên như dây đàn; việc hạn chế đề cập tới những việc này là 1 hành động cần thiết từ phía bố mẹ. “Hãy coi thi xong là xong, không để trẻ nghĩ ngợi nhiều. Với các em này, kể cả có phải vào trường không như mong muốn, nhưng khi có tâm lý tốt và thoải mái, việc vào lớp chọn, lớp chất lượng cao để phấn đấu thì vẫn là một cơ hội mới”, TS Đỗ Trần Phương Anh chia sẻ.

Tác giả: Nghiêm Huê

Nguồn tin: Báo Tiền phong