Kinh tế

Thị trường vàng biến động lạ sau động thái của NHNN

Hậu Nguyễn

Ngay sau khi NHNN đề xuất phá bỏ độc quyền vàng miếng SJC, giá vàng miếng trong nước liên tục lao dốc, đánh mất mốc cao kỷ lục 82 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC lao dốc

Thị trường vàng trong nước đang biến động theo một cách rất lạ. Trong khi giá vàng thế giới đạt mức cao nhất mọi thời đại sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giá vàng trong nước lại đảo chiều giảm mạnh.

Chỉ trong vài giờ đồng hồ, giá vàng miếng SJC liên tục được điều chỉnh giảm ở cả hai chiều mua vào, bán ra. Trong phiên giao dịch chiều ngày 21/3, giá vàng miếng SJC cao nhất ở mức 80,5 triệu đồng/lượng, giảm 1,5 triệu đồng/lượng so với phiên giao dịch sáng cùng ngày. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giá vàng SJC chính thức đánh mất mốc cao kỷ lục 82 triệu đồng/lượng.

Trái với đà giảm mạnh của vàng miếng, giá vàng nhẫn có giảm nhưng vẫn neo ở mức cao. Ở cùng thời điểm, giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 dao động trong khoảng từ 68,4 – 69,7 triệu đồng.

Bước sang ngày 22/3, giá vàng trong nước vẫn trên đà lao dốc và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Giá vàng miếng tăng nhanh rồi giảm đột ngột chỉ trong vài giờ đồng hồ khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu. Bởi lẽ, tính từ đầu năm đến nay, cứ mỗi lần giá vàng thế giới chinh phục đỉnh mới, giá vàng trong nước cũng tăng theo. Đơn cử như vào tuần đầu tiên của tháng 3, khi giá vàng thế giới chạm đỉnh 2.185 USD/ounce, giá vàng miếng SJC đã vượt 82 triệu đồng/lượng – mức cao chưa từng thấy.

 

Giá vàng SJC giảm từng giờ.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, nguyên nhân đằng sau đà giảm của giá vàng SJC trong nước là do động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, tại cuộc họp về quản lý thị trường vàng với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng bằng cách loại bỏ cơ chế Nhà nước giữ quyền sản xuất vàng miếng, thay vào đó cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể.

Nếu đề xuất này được thực hiện, nguồn cung vàng miếng trên thị trường sẽ tăng, từ đó giải quyết được vấn đề chênh lệch về giá vàng. Chính vì thế, nhiều người lo ngại rằng giá vàng miếng SJC sẽ sớm giảm mạnh nên đã vội vàng bán ra khiến giá vàng lao dốc.

Đây không phải là lần đầu tiên giá vàng trong nước biến động mạnh sau động thái của nhà điều hành. Vào cuối năm 2023, sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu tăng cường quản lý thị trường vàng và sửa đổi Nghị định 24, giá vàng SJC lập tức “bốc hơi” tới 5 triệu đồng/lượng.

Tính từ tháng 6/2023 đến nay Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã có 9 văn bản chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng. Tuy nhiên, đến nay, thị trường vàng trong nước vẫn chưa liên thông với vàng thế giới khi mức chênh lệch giữa hai bên vẫn còn cao.

Bỏ độc quyền, vàng sẽ về với thị trường?

Đánh giá về đề xuất của NHNN về bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng, chuyên gia tài chính – TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định đây là điều hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện tại.

Trên thực tế, đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC đã được nhiều chuyên gia kinh tế kiến nghị từ trước đó bởi việc SJC là thương hiệu vàng miếng duy nhất là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá vàng miếng “một mình một chợ” trong nhiều năm qua.

Nhiều người lo ngại nếu tiếp tục tình trạng độc quyền vàng miếng, khoảng cách giữa giá vàng SJC và vàng thế giới sẽ ngày càng chênh cao. Ngoài ra, nó cũng có thể khiến buôn lậu vàng gia tăng, ảnh hưởng đến tỷ giá và chính sách tiền tệ của NHNN.

 

TS Nguyễn Trí Hiếu.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng cần có thêm biện pháp dài hơi khác để thị trường vàng có thể phát triển ổn định. “Việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng chỉ là điều kiên cần. Song song với việc bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng thì NHNN cũng cần phải cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu để tăng cung, thu hẹp chênh lệch giữa giá mua vào – bán ra”, ông nói.

Nếu cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất vàng miếng mà NHNN vẫn độc quyền nhập khẩu nguyên liệu thì van vẫn bị đóng và không đủ để kéo giá vàng trong nước về sát với giá thế giới, ông Hiếu nhận định.

Bên cạnh đó, NHNN cũng có thể xem xét thêm các giải pháp khác như lập sàn giao dịch vàng, từ đó người dân có thể mua bán tín chỉ vàng và hạn chế tích trữ vàng vật chất. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ có thể liên thông với giá vàng thế giới, chấm dứt tình trạng “một mình một chợ” như hiện nay.