Nhân ái

Thiếu nữ mồ côi gồng gánh giấc mơ đến trường của 4 em nhỏ

Cao Hiếu

Từ ngày cha mẹ qua đời, 5 chị em Y Cương sống lay lắt như cây cỏ trên rừng.

5 chị em Y Cương nương tựa nhau sống qua ngày.


Cũng từ đó, những món nợ mua thức ăn cứ dày thêm trong cuốn sổ ở quán tạp hóa đầu làng. Trong mắt cô bé 16 tuổi dâng lên nỗi lo lắng, chẳng biết sẽ làm gì để trả nợ và nuôi các em đang tuổi ăn tuổi lớn, cần được đến trường.

Cha mẹ phận mỏng, bỏ đàn con dại
Căn nhà bé nhỏ của chị em Y Cương rộng chừng 20m2 nằm ở thôn Đăk Kơ Đương, xã Đăk Pxi (Đăk Hà, Kon Tum). Ít ai biết rằng mái nhà tưởng chừng bình yên đó đã chứng kiến bao nhiêu nỗi đớn đau, bất hạnh của 5 đứa trẻ mồ côi. Trong căn bếp xập xệ được thưng tạm bằng mấy tấm phên tre cũ mọt chẳng che nổi nắng mưa, Y Cương kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh khốn khó của mình. Nhiều năm về trước, cha Y Cương bất ngờ đổ bệnh. Người đàn ông trụ cột của gia đình cứ ốm lay ốm lắt bên góc giường.

Gom góp, vay mượn được ít tiền của làng xóm, cha Y Cương đến bệnh viện khám bệnh. Cầm kết quả chẩn đoán, ông như ngã gục khi biết mình bị ung thư gan, thời gian còn lại được thầy thuốc tiên liệu rất ngắn ngủi. Từ ngày cha đổ bệnh, gánh nặng mưu sinh chuyển lên đôi vai gầy của mẹ Y Cương. Người đàn bà tần tảo ấy vừa phải một tay chăm chồng một tay nuôi đàn con nheo nhóc.

Kinh tế của gia đình vốn đã không dư dả nay lại càng kiệt quệ. “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, những tài sản giá trị trong nhà lần lượt đội nón ra đi sạch bách. Đến cuối cùng, vài sào đất trồng mì cũng phải bán nốt để gán lấy thuốc thang chữa bệnh cho người cha. Trong cảnh bần hàn, học hết lớp 9, Y Cương đành gác lại giấc mơ con chữ để phụ mẹ kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi 4 đứa em ăn học.

Sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, tháng 11/2021 cha Y Cương qua đời. Những sóng gió cuộc đời tưởng chừng như đã dừng lại bên ngoài cánh cửa của căn nhà nhỏ, thế nhưng tai họa lại một lần nữa trút xuống cái gia đình khốn khó ấy. Khi khó khăn vẫn chồng chất, những đứa trẻ chưa kịp lớn thì mẹ Y Cương bất ngờ bị ngã rồi qua đời vào tháng 10/2023.

“Không hiểu sao ông trời cứ đày đọa gia đình em mãi thế? Từ ngày cha mẹ mất, em chẳng dám khóc, vì nếu mình khóc mấy đứa em cũng sẽ khóc theo. Nếu buồn đau không chịu nổi em sẽ đi tìm một chỗ nào thật vắng không ai nhìn thấy mới rơi nước mắt. Em tự nhủ sẽ phải thật mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho bầy em. Thế nhưng cũng có nhiều đêm em mơ thấy cha mẹ về, khi em giật mình bật dậy thì cha mẹ biến mất. Lúc đấy nước mắt em cứ tự chảy ròng ròng”, Y Cương nghẹn ngào giãi bày.

Y Cương thay cha mẹ chăm lo cho các em. Ảnh: Trúc Hân

Làm sao vượt qua nghịch cảnh?

Từ ngày cha mẹ về với đất, Y Cương trở thành trụ cột và chỗ dựa tinh thần cho đàn em thơ. Ông bà nội là những người thân cuối cùng của mấy chị em. Thế nhưng ông nội đã hơn 70 tuổi, cũng bởi bệnh tật mà nằm liệt giường mấy năm nay. Bà nội già yếu và không còn sức lao động. Những ngày đầu sau khi cha mẹ mất, bữa ăn hằng ngày của mấy chị em đều do bà con lối xóm chung tay giúp đỡ.

“Chẳng ai giúp mình được mãi, phải tự kiếm tiền nuôi em thôi”, Y Cương suy nghĩ. Để có tiền nuôi các em, Y Cương xin đi làm cỏ, gọt mì thuê, mỗi ngày kiếm được khoảng 120 nghìn đồng. Những hôm rảnh rỗi, cô bé lại vào rừng kiếm măng, hái đót đem bán. Sống dựa vào rừng nên thu nhập cũng phập phù hôm có hôm không. Và ở nơi mà cuộc sống của bà con làng bản vẫn còn nhiều khó khăn thì việc có nhiều hôm Y Cương không kiếm ra tiền cũng là điều dễ hiểu. Có khi cả mấy hôm liền không có ai thuê, cây măng, cây đót trên rừng bòn mót mãi cũng hết, Y Cương chẳng biết kiếm đâu cho ra tiền. Mấy chị em Y Cương đành ra sông bắt cá, lên rừng hái rau dại về nấu ăn cho qua bữa. Những ngày mưa gió không đi bắt cá, hái rau được, mấy chị em đành ra quán tạp hóa mua chịu thức ăn.

“Cha mẹ không còn, các em của em chỉ còn mỗi em là chỗ dựa. Do đó em phải mạnh mẽ và cố gắng hơn rất nhiều. Em chỉ mong mình đừng đau ốm để có thể đi làm, chăm sóc và lo cho các em ăn học”, Y Cương tâm sự.

4 đứa em của Y Cương còn rất nhỏ, đứa lớn nhất mới 14 tuổi, đứa nhỏ nhất mới vào lớp 1. Thế nhưng, thấm thía nỗi khó khăn, khổ cực bởi hoàn cảnh thiếu may mắn của mình, mấy đứa nhỏ rất thương chị nên sẻ chia công việc nhà để Y Cương bớt vất vả. “Chị Y Cương làm quần quật sáng tối để lo cho chúng em ăn học. Em thương chị nên thời gian không lên lớp em làm công việc nhà và đi làm thuê phụ chị trang trải cuộc sống. Số tiền kiếm được tuy không nhiều nhưng em hy vọng chị sẽ bớt vất vả phần nào”, Y Kiêng (14 tuổi) bộc bạch.

Là hàng xóm thường xuyên giúp đỡ mấy chị em Y Cương mớ rau, túi gạo, bà Y Dim rất thương xót và luôn cảm thấy lo lắng cho tương lai của 5 đứa trẻ bơ vơ, chẳng còn cha mẹ. “Chúng tôi cũng chẳng dư dả gì nhiều nhưng thấy các cháu còn rất nhỏ đã thiếu hụt sự chăm sóc, đùm bọc, bảo vệ của cha mẹ nên rất thương. Bà con lối xóm ai có gì giúp đỡ thứ ấy để các cháu bớt tủi khổ và động viên các cháu cố gắng vươn lên. Thế nhưng việc học hành của các cháu thì rất khó khăn bởi chặng đường phía trước còn dài và lắm gian nan. Chẳng biết mấy đứa trẻ có đủ nghị lực cùng với sự mạnh mẽ và đủ điều kiện để vượt qua nghịch cảnh được không”, bà Y Dim thở dài.

Ông Hà Đức Mỷ, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho biết, gia đình Y Cương là trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã. Do đó, thời gian qua chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ. Ông Mỷ bày tỏ mong muốn vận động được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm, sẻ chia khó khăn, chung tay giúp đỡ để các em có điều kiện tiếp tục đến trường học tập.