Thống đốc Lê Minh Hưng: "Vốn chảy vào bất động sản, các dự án BOT đã giảm" |
Trả lời chất vấn Quốc hội chiều nay (16/11) về nguồn tín dụng "rót" vào những lĩnh vực như bất động sản hay vay đầu tư dự án BOT, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, dù nhu cầu vốn rất lớn nhưng vừa qua Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực này.
Theo Thống đốc, cho vay BOT hiện đã thấp hơn trước, tỷ trọng tín dụng cho vay chỉ chiếm 1,5% tổng dư nợ tín dụng. Nợ xấu khu vực này cũng thấp. Trong khi đó, tín dụng bất động sản được kiểm soát ở khoảng 6,5% trong khi năm ngoái là hơn 10%, khiến tỷ trọng cho vay lĩnh vực này cũng giảm.
"Thời gian tới, NHNN vẫn kiểm soát. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn đối với BOT, bất động sản nên ngân hàng vẫn cho vay nếu nhà đầu tư có phương án tốt, năng lực. Việc cho vay bất động sản cũng được kiểm soát bằng tỷ lệ, ví dụ giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn", Thống đốc nói.
Thông tin thêm, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, năm 2017 tín dụng tăng trưởng 18% và có điều chỉnh linh hoạt theo quy mô nền kinh tế. Tới cuối tháng 10, tín dụng tăng 13,6%, tăng 1% so với năm 2016.
"Tốc độ này không có gì đột biến. Tăng tín dụng phải đi kèm với chất lượng và phải đi vào sản xuất, kinh doanh", ông nói.
Theo Thống đốc, hiện dòng vốn tín dụng 10 tháng đã 'chảy' vào đúng lĩnh vực ưu tiên: doanh nghiệp vừa và nhỏ, chế biến chế tạo... Số liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng vào khu vực này cao hơn so với năm trước và mức bình quân các năm.
"NHNN đảm bảo tăng trưởng tín dụng tăng phù hợp với hấp thụ vốn kinh tế, không gây áp lực lên kinh tế vĩ mô, lạm phát. Tăng trưởng tín dụng sẽ tăng đúng theo định hướng và kiểm soát được chất lượng tín dụng", ông Hưng khẳng định.
Thống đốc cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay vừa qua đã giảm rất mạnh, các ngân hàng luôn hướng tới giảm chi phí cho doanh nghiệp.
"Trong điều hành chính sách tiền tệ, hệ thống ngân hàng luôn đặt nhiệm vụ giảm chi phí, lãi suất lên hàng đầu. Lãi suất Việt Nam phụ thuộc nhiều yếu tố. Quan điểm xuyên suốt là kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, giữ lạm phát mức thấp. NHNN cũng chỉ đạo TCTD trong hoạt động kinh doanh phải tiết giảm chi phí để giảm chi phí cho vay, đẩy nhanh xử lý nợ xấu qua đó giảm lãi suất cho vay", ông Hưng cho biết.
Ông cũng cho biết, đặc điểm ngân hàng Việt Nam là giữ vai trò cung ứng vốn lớn cho nền kinh tế, nhưng trong khi vốn cho vay thường là vốn trung dài hạn thì huy động lại ngắn hạn, dưới 12 tháng. Theo đó, giảm lãi suất sẽ là trọng tâm điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian tới.