Trong nước

Thống nhất trình Quốc hội 2 luật tách từ Luật Giao thông đường bộ vào kỳ họp thứ 6

Admin

Hai dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng nay 2/6, Đại biểu Quốc hội đã ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 với 446/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 90,28% tổng số đại biểu Quốc hội); 18 đại biểu không tán thành, chiếm 3,64%./.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, các ý kiến phát biểu cơ bản đều tán thành với các quan điểm, nguyên tắc, định hướng lập Chương trình và tiến độ trình Quốc hội các dự án cụ thể trong dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời, có ý kiến cụ thể về một số dự án cũng như đề xuất một số dự án mới.

Có ý kiến đề nghị xem xét thấu đáo, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết ban hành, những điểm mới của 3 dự án: Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cũng có ý kiến đề nghị Quốc hội cho thực hiện thí điểm việc tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, sau đó tổng kết, đánh giá để làm cơ sở xây dựng luật điều chỉnh về vấn đề này.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, qua xem xét hồ sơ đề nghị xây dựng và hồ sơ đầy đủ của 3 dự án Luật, báo cáo thẩm tra và ý kiến của các cơ quan cho thấy, Chính phủ đã nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV, làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, sự cần thiết ban hành của từng dự án.

Theo đó, việc xây dựng, ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật cũng phù hợp với xu hướng xây dựng các đạo luật cụ thể, có phạm vi điều chỉnh hẹp, tập trung vào một lĩnh vực, quy định chi tiết để áp dụng ngay được, hạn chế việc phải đợi ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Tiếp thu theo ý kiến đại biểu Quốc hội khóa XIV, dự án Luật Đường bộ đã được rà soát phạm vi điều chỉnh và các quy định của dự thảo Luật bảo đảm phân định rành mạch với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thể chế hóa đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng được rà soát, chỉnh lý nội dung về phạm vi điều chỉnh, về hành vi bị nghiêm cấm, các quy tắc giao thông đường bộ, điều kiện phương tiện tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tổ chức chỉ huy điều khiển giao thông, giải quyết tai nạn giao thông, tuần tra, kiểm soát, ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ...

Hai dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, việc ban hành luật này là để thể chế hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách về xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện, tiếp tục xây dựng, củng cố, phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của các lực lượng công an xã bán chuyên trách, dân phòng và bảo vệ dân phố, góp phần nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở trong tình hình mới.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã tiếp thu, làm rõ về phương thức tổ chức, bố trí lực lượng và điều kiện bảo đảm hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; bổ sung làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và mối quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng này với các cơ quan, tổ chức khác ở địa bàn cơ sở…

“Nội dung dự án Luật không đề xuất thành lập lực lượng mới mà chỉ tổ chức lại các lực lượng hiện có nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, do đó không cần thiết phải thực hiện thí điểm” – ông Hoàng Thanh Tùng cho biết. Dự án luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 5 này và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6./.

Tác giả: Nam Sơn

Nguồn tin: Báo VOV