Số hóa

Thủ đoạn bôi xấu cá nhân bằng quảng cáo Facebook

Admin

Kẻ xấu đã lợi dụng cơ chế hậu kiểm nội dung quảng cáo của Facebook để biến thành công cụ phát tán những thông tin vu khống, bịa đặt, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người.

Facebook đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dùng Internet tại Việt Nam. Tuy nhiên mạng xã hội này cũng đem đến những hệ luỵ không nhỏ. Một trong số đó là vấn đề bôi nhọ, nói xấu và xúc phạm nhân phẩm cá nhân trên Facebook.

Hồi tháng 7/2017, dư luận tại Việt Nam từng bức xúc trước vụ việc hai nữ sinh đòi tự tử vì tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Kẻ xấu lan truyền thông tin hai nữ sinh bị bắt vì hành vi cưỡng hiếp một nam thanh niên đến tử vong. Thế nhưng, sự thật là hai cô gái vô tội bị cắt hình ảnh để gán ghép vào thông tin nhạy cảm, ác ý.

Vụ hai cô nữ sinh khủng hoảng đến mức muốn tự tử vì thông tin sai lệch chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nó chỉ là một trong vô vàn vụ việc mà Facebook vô tình trở thành kẻ tiếp tay cho những người có ý đồ xấu.

Dùng quảng cáo Facebook để nói nói xấu cán bộ

Thời gian gần đây, dư luận trong nước còn nóng lên với vụ việc kẻ xấu tung hàng loạt thông tin xuyên tạc nhằm vào lãnh đạo một Cục quản lý của Bộ TT&TT. Để làm được điều này, kẻ xấu đã dựng lên một trang web có server đặt tại nước ngoài. Sau khi đăng tải các thông tin sai sự thật nhằm cố tình bôi nhọ nhân phẩm người khác, những kẻ cơ hội đã sử dụng đường link từ trang web đó để chạy quảng cáo trên Facebook.

Trong một số trường hợp, không loại trừ khả năng mã độc đánh cắp thông tin được gắn thêm vào những trang web này. Thông tin giật gân thường có sức lan tỏa rất nhanh. Do đó nó cũng trở thành miếng mồi nhử ưa thích của giới tin tặc

 Sử dụng quảng cáo Facebook để phát tán thông tin bôi xấu người khác là một thủ đoạn mới của những kẻ cơ hội.

Sở dĩ có thể làm được điều này là bởi Facebook không hề có cơ chế kiếm định nội dung quảng cáo. Chỉ cần có một tài khoản Facebook và tài khoản ngân hàng, bất kỳ ai cũng có thể phát đi thông tin trên mạng xã hội bất kể nội dung của nó có là xấu độc.

Mục tiêu mà kẻ xấu hướng đến là lan truyền thông tin nhằm vào những người có liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp với người bị hại. Bởi vậy, dù là những tin tức giả mạo, chúng cũng góp phần đẩy tính tác động, tạo sự hồ nghi và làm giảm uy tín của người bị vu khống.

Trước những bức xúc về vấn đề thông tin xấu độc trên mạng xã hội, Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) đã ban hành Thông tư 38/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

Thông tư này quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam khi cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng tại Việt Nam. Ngoài ra, các đơn vị này phải phối hợp với Bộ TT&TT để xử lý thông tin vi phạm theo quy định. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn do phía Facebook chưa thực sự hợp tác.

 Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT), mạng xã hội đang làm tha hóa hành vi sống của nhiều người.

Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh từng đưa ra khuyến cáo người dân, cộng đồng mạng cảnh giác trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về phát ngôn của lãnh đạo tỉnh này. Nguyên nhân là bởi trên mạng xã hội liên tục phát tán hình ảnh bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát ngôn về tình hình biển Đông. Sự việc sau đó được xác minh là bịa đặt và hoàn toàn không đúng sự thật.

Đứng trên góc độ pháp luật, có thể xếp đây vào hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác. Việc xử phạt về hành vi này được quy định tại điều 121 Bộ luật Hình sự. “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Trường hợp phạm tội nhiều lần, đối với người thi hành công vụ hay đối với người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình… mức án áp dụng có thể từ một đến ba năm tù.

Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của thủ đoạn bôi xấu trên mạng xã hội

Dư luận hẳn chưa quên những câu chuyện đau lòng. Năm 2013, nữ sinh Phan U.N. lớp 12 trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) đã uống thuốc an thần tự tử sau khi bị trang Facebook "Bộ Mặt Thật ..." đăng bài xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. N. bị dựng chuyện có con khi đang học, kênh kiệu, chảnh chọe, không hòa đồng…

 Trang fanpage khiến nữ sinh Đà Nẵng phải uống thuốc an thần tự tử sau những bài đăng không đúng sự thật.

Mẹ của N. là bà Nguyễn Thị Ch. (Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) may mắn phát hiện và đưa con gái đi cấp cứu kịp thời. “Bài viết vừa lên mấy ngày thì con tôi nhận được nhiều tin nhắn bạn bè thông báo. Cháu bị suy sụp tinh thần sinh ra nghĩ quẩn. May mà gia đình kịp thời phát hiện, nếu không đến giờ tính mạng khó giữ”, bà Ch. cho biết.

Hồi đầu tháng 7/2017, công an thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đã tiến hành triệu tập đối tượng Cao Văn Thái (sinh năm 1993, trú tại Việt Trì) để làm rõ hành vi tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội.

Dựa vào những thông tin từng được đăng tải về một vụ án ở Vĩnh Phúc, Thái đã “biến tấu” lại rồi đăng tải lên trang Facebook cá nhân bài viết có tựa đề: “Lại thêm một vụ án mạng chém cụt đầu tại Việt Trì - Phú Thọ do nợ tiền mua điện thoại”. Ngay khi được đăng tải, thông tin này đã nhận được lượng like, chia sẻ rộng rãi và tạo tâm lý hoang mang, lo sợ cho cộng đồng.

Từ hai câu chuyện trên, có thể thấy không chỉ người bị vu khống, xuyên tạc, người phát đi những thông tin xấu độc như một thú vui tiêu khiển cũng sẽ phải nhận những kết cục đau lòng.

 Xuất hiện không ít trường hợp kẻ xấu bịa đặt ra những thông tin giật gân nhằm câu view và làm nhục người khác.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT): “Các thông tin xấu độc, tiêu cực đã được quy định rõ trong Nghị định 72 của Chính phủ năm 2013. Đó là các hành vi bị cấm như lợi dụng Internet để sử dụng vào mục đích sai phạm như tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đưa các tin bôi nhọ, nói xấu, xúc phạm danh dự cá nhân, tung tin xúc phạm, bịa đặt gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Tất cả những điều đó đã quy định ở Khoản 1, Điều 5, Nghị định 72.”

Để không vô tình trở thành nạn nhân, người dùng mạng xã hội cần biết cách nhận biết thông tin xấu độc. Nguồn phát của thông tin xấu thường là những website có tên miền nước ngoài (không phải đuôi .vn). Bên cạnh đó, những website này thường được đặt theo tên của các vị lãnh đạo đảng, nhà nước hoặc các cơ quan thông tấn, báo chí có tên tuổi nhằm đánh lừa người dùng.

Người dùng cũng cần cảnh giác với những nguồn tin từ mạng xã hội mà người đăng tải không có nhân thân rõ ràng, nội dung thông tin thiếu cơ sở, kiểm chứng. Kẻ xấu thường cố tình tạo ra những thông tin nhằm kích động thù hận hoặc tạo nên sự nghi ngờ dể bôi xấu danh dự và uy tín của các cá nhân, tổ chức.

Trong khi đó, các cơ quan báo chí chính thống thường phải trải qua một quá trình xác minh và kiếm chứng thông tin nghiêm ngặt, có bằng chứng cụ thể trước khi đưa tin. Vì vậy, người dùng Internet cũng cần tự trang bị cho mình kiến thức để phân biệt được đâu là nguồn tin tức chính thống, đâu là thông tin thiếu tin cậy, được phát tán nhằm mục đích xấu.