Trong nước

Thủ tướng: “Thu hồi tài sản tham nhũng với tinh thần không khoan nhượng”

Admin

Thủ tướng chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng và thu hồi tài sản với tinh thần không khoan nhượng, nhất là việc ngăn chặn có hiệu quả việc tẩu tán tài sản gây khó cho quá trình thu hồi, điều tra, xử lý; giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người phức tạp, bảm đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành thanh tra năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 chiều qua (16/1), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, muốn phát triển đất nước thì lòng dân phải yên, phải tin, do đó, phải giải quyết tốt khiếu nại, thắc mắc của nhân dân và làm tốt công tác phòng chống tham nhũng.

Nhiều cơ quan phải làm việc này nhưng trước hết, Thanh tra Chính phủ đảm nhận vai trò quan trọng đó, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt hệ thống chính trị địa phương.

 

Ngăn chặn có hiệu quả việc tẩu tán tài sản

Thủ tướng nhận thấy, năm qua Thanh tra Chính phủ đã từng bước chấn chỉnh, có nhiều tiến bộ, hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ được giao. Qua thanh tra, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 30.000 tỷ đồng và hơn 1.000 ha đất.

Thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Thanh tra Chính phủ đã đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, đã được các cấp, các ngành triển khai quyết liệt trong năm qua với tinh thần không có vùng cấm, không có hạ cánh an toàn.

“Chưa bao giờ chúng ta làm được nhiều việc như năm vừa qua. Nhiều cán bộ, kể cả cấp cao, đã bị xử lý, không kể đương chức, nghỉ hưu hay đã làm công việc khác”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh chống tham nhũng, ngành thanh tra đã tham mưu các ngành, các cấp triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó chuyển đổi vị trí công tác gần 10.000 cán bộ, công chức, viên chức.

Những lĩnh vực nhạy cảm phải thay đổi cán bộ, không để tình trạng “cắm sâu” phức tạp, dễ dẫn đến tham nhũng. Tình trạng “nhiều đoàn thanh tra, thanh tra xong rồi đâu lại vào đấy” đã giảm đi nhiều. Công tác thanh tra có chất lượng, tiến độ khá hơn, rõ ràng, dứt khoát hơn.

Mặc dù vậy, một số biện pháp phòng ngừa thực hiện chưa tốt, hiệu quả chưa cao, nhiều vụ việc phát sinh, nhất là tình trạng tham nhũng vặt chưa kịp thời được xử lý, giải quyết.

Hệ thống ngành thanh tra rất lớn với khoảng 22.000 cán bộ, trong đó Thanh tra Chính phủ chỉ có 700 người, còn đa phần là thanh tra các bộ, ngành, tỉnh, huyện, sở. Thủ tướng băn khoăn về hiệu quả hoạt động của hệ thống, “nếu không phát huy tác dụng thì nên thay cán bộ làm công tác thanh tra”, tránh tình trạng “có anh cũng được mà không có cũng được”.

Thủ tướng chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng với tinh thần không khoan nhượng, nhất là việc ngăn chặn có hiệu quả việc tẩu tán tài sản gây khó cho quá trình thu hồi, điều tra, xử lý.

“Thanh tra để phát triển chứ không phải gây bế tắc xã hội”

Thủ tướng nêu rõ, tiếp công dân không phải là làm văn thư, tiếp nhận văn bản mà phải làm công tác dân vận, vận động dân, nắm vững pháp luật để hướng dẫn cho người dân, “chứ cứ chuyển đơn lòng vòng ông này sang ông kia thì làm sao người dân không bức xúc”. Việc này là trách nhiệm của các cơ quan, không phải riêng ngành thanh tra nhưng các cán bộ thanh tra phải tự nhận thấy trách nhiệm cao hơn trong việc này.

Công tác dân vận chính quyền thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được quan tâm nhưng đối thoại, giải thích, giải quyết, vận động, đặc biệt áp dụng chính sách cho người dân chưa phải lúc nào cũng tốt. Thủ tướng khẳng định, nếu không quan tâm thì “cái nảy sảy cái ung”, một đốm lửa nhỏ có thể thành đám cháy lớn.

Việc giải quyết khiếu kiện đông người, kéo dài phải có sự chuyển biến mới trong năm 2019. Ngành thanh tra phải góp phần lập lại kỷ cương, yên dân, phòng chống tốt tham nhũng, “thanh tra để phát triển chứ không phải thanh tra gây bế tắc xã hội”.

Việc giải quyết phải công minh, rõ ràng, có lý có tình. “Khái niệm rõ một vụ thanh tra thành công, một vụ giải quyết khiếu nại tố cáo thành công là như thế nào?”- Thủ tướng đặt câu hỏi.

Thanh tra Chính phủ và thanh tra các cấp phải giữ vai trò nòng cốt trong việc tham mưu cho Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người phức tạp, bảm đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các tỉnh phải rà lại, phải trực tiếp giải quyết có lý, có tình và đặc biệt, phải dành nhiều thời gian cho việc tiếp công dân.

Thủ tướng cũng giao trách nhiệm cho Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm Tổ trưởng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ phó tiếp tục nghe một số vụ khiếu nại nổi cộm để tập trung xử lý, giải quyết.

Các bộ, ngành cũng phải dành thời gian hơn cho công tác tiếp công dân, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và lắng nghe ý kiến của tham mưu các cấp trong vấn đề tiếp dân, giải quyết khiếu nại.