Trong nước

Thủ tướng: Việt Nam cần "giàu trước khi già, không phải già trước khi giàu"

Admin

Sau khi nêu hàng loạt đề bài cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng đề nghị Bộ này phải giải đề bài: \"Làm sao người Việt giàu trước khi già chứ không phải già trước khi giàu\".

Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức tại Hà Nội sáng nay (31/12), người đứng đầu Chính phủ ghi nhận và đánh giá rất cao những đóng góp, đề xuất và tham mưu của Bộ KH&ĐT trong quá trình phát triển đất nước.

Với mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển vào năm 2045, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ KH&ĐT tiên phong về tư duy đổi mới, sáng tạo.

 

 Thủ tướng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhân kỷ niệm 75 ngày thành lập ngành này (Ảnh: VGP)

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ 2) cho Bộ KH&ĐT, cùng nhiều huân, huy chương, bằng khen cho cá nhân Bộ trưởng, Thứ trưởng và các cơ quan chuyên môn của Bộ.

Đánh giá về những thành tích trong 75 năm ngày thành lập, Thủ tướng cho rằng Bộ KH&ĐT đã tham mưu nhiều chính sách kịp thời: Là một trong những bộ ngành đưa ra nhiều cơ chế mới nhất từ trước đến nay, trong đó có xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đề án đổi mới toàn diện kinh tế nhà nước, chủ động nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ nhiều cơ chế đột phá về đầu tư công, chính sách thu hút đầu tư FDI hay nâng cao hiệu quả vốn ODA…

Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức lớn đan xen, Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế như vẫn chưa thực hiện tập trung quyết liệt việc giám sát thực hiện các chủ trương chính sách một cách hiệu quả, một số cơ quan đơn vị vẫn chưa thực hiện nghiêm đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công… theo đúng kế hoạch

"Sau 35 năm đổi mới, nền kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Việt Nam vẫn là nền kinh tế thuộc nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp, chưa chuyển đổi sang nền kinh tế tăng trưởng bền vững" - Thủ tướng trăn trở.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra chậm, Việt Nam vẫn thiếu vắng những ngành công nghiệp cơ bản, chưa làm chủ được những ngành công nghệ chiến lược. Năng lực cạnh tranh của đất nước vẫn ở mức trung bình trên thế giới, nhất là các tiêu chí về tăng trưởng bền vững…

"Thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh giữa các quốc gia trên thế giới gay gắt, thiên tai, dịch bệnh đe dọa nền kinh tế. Trong khi đó, chính sách của nhiều nước lớn bất định, Bộ KH&ĐT cần nghiên cứu giải pháp để chúng ta chủ động đối diện, trong đó như Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 bên cạnh mở ra cơ hội lớn cho đất nước để trở thành nước giàu, nhưng cũng là thách thức tụt hậu nếu không biết nắm bắt cơ hội", Thủ tướng cho biết.

Theo Thủ tướng, hiện thế và lực của nước ta dù đã mạnh hơn trước, nhưng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được dỡ bỏ. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn, nhất là đối với những người dễ bị tổn thương trong xã hội.

"Cạnh tranh để trở thành các trung tâm kinh tế trong khu vực và trên thế giới đang gay gắt, thách thức lớn cho Việt Nam, ngành KH&ĐT phải trú trọng vào công tác quy hoạch chiến lược cấp quốc gia" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tầm nhìn năm 2045, mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, ngành KH&ĐT là một trong số ít ngành có chiều dài lịch sử đi cùng với đất nước, vì vậy câu hỏi đặt ra là tầm nhìn của Bộ KH&ĐT sẽ như thế nào vào năm 2045?

"Với vai trò, chức năng của mình, Bộ KH&ĐT cần đặt câu hỏi nhiệm vụ của mình, vai trò của mình sẽ như nào trong thời gian tới, ngành phải có tầm nhìn xa hơn, phải là người đi đầu về tư duy đổi mới, sáng tạo" - Thủ tướng kỳ vọng.

Người đứng đầu Chính phủ đặt nhiều câu hỏi cho Bộ KH&ĐT: Làm sao để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, thoát khỏi bẫy lao động giá rẻ… thậm chí nguy cơ là nơi rác thải công nghiệp của thế giới và đặc biệt là không được để Việt Nam bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển; làm sao để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, làm sao thu hút FDI chất lượng?

"Làm sao để Việt Nam tăng trưởng tốt trong thời dân số vàng, làm sao để người Việt giàu trước khi già chứ không phải già trước khi giàu" - Thủ tướng kỳ vọng.

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin theo đánh giá của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế nước ta đạt 1,05 nghìn tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD/người.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước yêu cầu, vận mệnh và thời cơ của đất nước, Bộ trưởng đề nghị toàn thể cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động ngành Kế hoạch Đầu tư cần tiếp tục kết thừa và phát huy truyền thống quý báu 75 năm xây dựng và phát triển.

"Từng cán bộ ngành kế hoạch phải duy trì được bản lĩnh kiên định, dám nghĩ dám làm; phải bước đi tiên phong với tầm nhìn mới và tư duy đổi mới sáng tạo; phải giữ một cái đầu lạnh để có thể tỉnh táo nhận định tình hình, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội; nhưng cũng cần một trái tim nóng để nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực, khát vọng, biết đồng cảm, chia sẻ và cống hiến, hướng tới vì hạnh phúc của nhân dân và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí