Pháp luật

“Thương” sinh viên, nhân viên thư viện mua bằng giả bán lại cho sinh viên

Admin

Hồng vốn là nhân viên thư viện của 1 trường cao đẳng, bị bắt vì nhờ người khác làm 33 bằng giả, bán lại cho sinh viên thu lợi gần 80 triệu đồng. Trước tòa, Hồng khai làm vậy là do “thương” nhiều em sinh viên chưa có bằng để đi làm.

Ngày 10/8, TAND THCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Ngọc Hồng (sinh năm 1963, nhân viên thư viện), Nguyễn Trần Định (sinh năm 1990, quê Bình Định), Võ Nguyễn Hải Đăng (sinh năm 1992, quê Bến Tre) và Huỳnh Đức Long (sinh năm 1986, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) về tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức.

 Bị cáo Hồng (áo hoa) cùng đồng phạm tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, qua tiếp nhận tin báo của Sở Du lịch TPHCM về việc phát hiện nhiều trường hợp sử dụng bằng giả của trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn để nộp hồ sơ xin cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, cơ quan điều tra đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ để làm rõ vụ việc.

Đến 13h30 ngày 29/9/2016, tại một quán cà phê trên đường Phạm Văn Bạch (quận Gò Vấp), lực lượng chức năng phát hiện và bắt quả tang Đăng, Định đang mua bán bằng tốt nghiệp giả với giá 5,5 triệu đồng/bằng.

Mở rộng điều tra, đến ngày 3/10/2016, lực lượng chức năng bắt giữ Lê Ngọc Hồng. Khám xét nơi làm việc của đối tượng này, công an thu giữ 4 bảng điểm toàn khóa và bản ghi kết quả học tập giả. Tiếp tục điều tra, ngày 17/3/2017, đối tượng Nguyễn Đức Long tiếp tục bắt giữ.

Tại cơ quan điều tra, Hồng khai nhận là nhân viên thư viện của trường cao đẳng nói trên. Vào năm 2013, 1 số sinh viên nhờ Hồng để có bằng sớm làm hồ sơ cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch. Nhận thấy nhu cầu này, Hồng tìm đến 1 người tên Hải để làm bằng giả với giá 4,5 triệu đồng/ bằng rồi bán lại với giá 6 triệu đồng/bằng.

Tính từ năm 2013 đến khi bị bắt, Hồng đã đặt Hải làm 33 bằng giả, hưởng lợi 78,5 triệu đồng. Trong đó, Định mua của Hồng 31 bằng rồi bán lại cho Đăng 9 bằng, Long 3 bằng, hưởng lợi 72,5 triệu đồng. Đăng bán lại cho những người có nhu cầu hưởng lợi 16 triệu đồng, Long cũng bán lại thu lợi 14,5 triệu đồng.

Tại tòa, Hồng khai do nhiều sinh viên chưa có bằng để đi làm, thương sinh viên nên Hồng đã thực hiện hành vi nêu trên.

Tuy nhiên, qua phần xét hỏi, HĐXX đã trả hồ sơ cho Viện KSND TPHCM điều tra lại vì theo BLHS 2015, phần cấu thành cơ bản của tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức đã thay đổi. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan điều tra giám định, làm rõ các phôi bằng trong vụ án là giả hay thật, nếu là thật thì có sự móc nối với những người khác hay không.