Xã hội

Thủy điện bao vây, dân bức bí

Lợi Trần

Số lượng dự án thủy điện được quy hoạch, cấp phép đầu tư tại các huyện miền núi Nghệ An với mật độ dày đặc. Có huyện phải “cõng” đến 11 dự án thủy điện. Dự án nhiều đã gây khó khăn cho sinh hoạt, sản xuất của người dân; môi trường sinh thái nhiều nơi bị đảo lộn...

Thủy điện Chi Khê (Con Cuông) đang xây dựng nhưng đã kéo theo muôn vàn hệ lụy từ việc tích nước thử máy phát. Ảnh: Việt Hương.


Bài 1: Một km sông gồng 4 thủy điện

Nghệ An là một trong những địa phương qui hoạch số dự án thủy điện nhiều nhất nước. Với 54 dự án được Bộ Công Thương và địa phương qui hoạch ban đầu, sau khi rà soát, chấn chỉnh, toàn tỉnh hiện có 32 dự án thủy điện với tổng công suất 1.324 MW được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc đang khảo sát xin cấp phép đầu tư.

Trong đó, 22 dự án đang triển khai xây dựng, tổng mức đầu tư 26.600 tỷ đồng; 5 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng mức đầu tư 1.820 tỷ đồng; 5 dự án chủ đầu tư đang tiến hành khảo sát, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để trình các ngành chức năng.

Huyện miền núi Quế Phong có 11 dự án, Kỳ Sơn có 8 dự án, Tương Dương có 6 dự án. Trên 1km dòng sông Nậm Mộ, huyện Kỳ Sơn hiện có 3 dự án đã đi vào hoạt động và 1 dự án chủ đầu tư đang khảo sát xin cấp phép đầu tư.

Một số dự án chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý và chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép nhưng vẫn tiến hành xây dựng, tích nước chạy thử máy: Thủy điện Đồng Văn chưa được cấp phép vẫn được tiến hành xây dựng; Thủy điện Chi Khê chưa được cấp phép vẫn tích nước.

Trong buổi tiếp xúc cử tri huyện Con Cuông gần đây, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An phải thốt lên: “Thủy điện là hướng đi đúng, nhưng quá nhiều thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy sau này. Hệ lụy thứ nhất là mất đất, mất rừng. Thứ 2 là lũ ống, lũ quét và thứ 3 là tái định cư cho người dân”.

Ông Cầu cho hay, công an tỉnh đã có văn bản kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh về vấn đề này. Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề đã phát sinh sau khi hàng loạt dự án thủy điện “đổ bộ” lên miền Tây Nghệ An. Các công trình công cộng như điện, đường, cầu, nhà văn hóa… dành cho dân tái định cư của một số dự án mới đưa vào sử dụng đã có dấu hiệu xuống cấp do làm ẩu, làm dối; Khu tái định cư bản Khe Ò, xã Yên Na, huyện Tương Dương của dự án thủy điện Bản Vẽ có 45 hộ dân không ở được vì dân nơm nớp lo sạt lở.

Tại dự án thủy điện Bản Vẽ việc cấp đất trồng lúa nước cho người dân tái định cư đến nay vẫn chưa đảm bảo đúng theo quy định 300m2/khẩu, mới chỉ cấp được gần 50m2/khẩu.

Có nơi, người dân không chịu di dời đến các điểm tái định cư hoặc đã di dời nhưng sau đó lại quay trở về bản cũ: 33 hộ, hơn 160 khẩu thuộc xã Chà Coong, huyện Tương Dương không chịu di dời khỏi vùng lòng hồ; 245 hộ, 615 khẩu tái định cư của dự án thủy điện Bản Vẽ tại huyện Thanh Chương quay trở về khu vực lòng hồ sống cảnh lênh đênh sông nước (25 hộ, 117 khẩu đã bán nhà tại khu tái định cư).

 Diện tích đất thu hồi để thực hiện các dự án thủy điện là 8.310 ha, trong đó đất rừng, đất lâm nghiệp mất 5.687 ha và gần 10.000 ha rừng bị ảnh hưởng từ mạng lưới thủy điện mọc lên chi chít.

 

Thủy điện giàu lên, dân thêm nghèo. Ảnh: Việt Hương.


Khác xa báo cáo

Hiện nay trên địa bàn Nghệ An đã có 11 hồ đập thủy điện được phép hoạt động, với dung tích gần 2,57 tỷ m3. Mùa khô tích nước, mùa mưa thủy điện xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập, dẫn đến việc mùa khô hầu hết các sông suối nơi có các dự án thủy điện lưu lượng nước quá thấp ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, người dân vùng hạ lưu thiếu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Ngược lại, mùa mưa nước tự nhiên đã lớn lại cộng thêm nước do các dự án thủy điện xả lũ làm ngập lụt, sạt lở đất. Thực tế khác xa với báo cáo của “cơ quan chức năng” Nghệ An trong các cuộc họp, rằng “các công trình thủy điện góp phần tích cực cho công tác thủy lợi tại địa phương, cắt giảm lũ một phần vào mùa mưa, cung cấp nước vào mùa khô” (!).

Tương Dương, mảnh đất nghèo oằn mình cõng 6 dự án thủy điện. “Thủy điện ư, chỉ có thể là mất chứ không được! Một huyện mà thực tại và tương lai sở hữu tới 6 công trình thủy điện ngăn sạch trơn các dòng suối, sông.

Người ta bảo sẽ giàu nhưng cái giàu ấy nó ở tận đâu đâu, của ai trong khi môi trường rừng bị hủy hoại, con người bị thiên nhiên trả đũa thì hiện hữu”, ông Kha Văn Ót, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương nói. Thủy điện mọc như nấm sau mưa tại các huyện miền Tây Nghệ An, khiến giọt nước về hạ du phải qua hàng chục cửa tua-bin và cái giá phải trả là môi trường đảo lộn thì chưa thể lường hết được...

(Còn nữa)

 

    Bí thư huyện ủy Tương Dương Phạm Trọng Hoàng: “Công tác quy hoạch, cấp phép đầu tư, quản lý hoạt động các dự án thủy điện trên địa bàn còn bất cập. Phần lớn là các dự án thủy điện vừa và nhỏ không phát huy được hiệu quả kinh tế do không đủ lượng nước để khai thác hết công suất. Quá nhiều thủy điện trên một địa bàn sẽ tác động tiêu cực đối với môi trường sinh thái, tăng nguy cơ hạn hán, lũ ống lũ quét, sạt lở đất...hậu quả là người dân gánh chịu”.

Tác giả bài viết: Quang Long - Việt Hương