Xã hội

Thủy điện xả nước cuốn trôi hai thiếu nữ

Admin

Thi thể của 2 thiếu nữ bị nước sông Sêrêpốk cuốn trôi được tìm thấy cách nơi gặp nạn 100m.

Vào lúc 13h30 ngày 16/3, gia đình chị H’Duin Niê (24 tuổi) rủ thêm chị H’Yam (27 tuổi) đi chơi cùng tại thác Đrây H’linh (thuộc địa bàn thôn 5, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột).

Trong lúc chơi, thấy thấy nước sông Sêrêpốk cạn, hai H’Duin Niê và H’Yam Niê rủ nhau xuống hái rau rừng. Khi đang hái rau thì bất ngờ nước ở thượng nguồn đổ mạnh về do thủy điện xả nước phát điện cả hai người đã bị nước cuốn trôi.

Người thân tìm mọi cách cứu nhưng nước đổ về mạnh nên đành bất lực nhìn hai cô gái bị nước nhấn chìm.

Đến 1h30 sáng 17/3, thi thể chị H’Yam Niê được cơ quan chức năng phát hiện cách khu vực bị nước cuốn trôi khoảng 10m và tới 9h40 cùng ngày, thi thể chị H’Duin cũng được phát hiện cách hiện trường khoảng 100m.

Gia đình đang lo hậu sự cho 2 nạn nhân bị nước cuốn thiệt mạng (Ảnh VTC).

Trước đó, vào sáng ngày 24/5/2017, một nhóm 4 học sinh lớp 6 trường THCS thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, Phú Yên rủ nhau đến tắm ở khu vực thác Thá giữa sông Ba. Nước lớn bất ngờ cuốn trôi bốn học sinh. Ba cháu chưa kịp ra tắm hoảng hốt chạy về hô hoán, báo tin.

Một số người dân cho rằng thời điểm đó Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ đang xả nước làm nước sông đột ngột dâng cao, khiến các em học sinh bơi vào bờ không kịp, bị cuốn trôi theo dòng nước mạnh.

Tuy nhiên, ông Tô Phương Bắc Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết: “Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ xả nước vận hành phát điện từ 6h sáng nhưng các cháu không biết nên ra tắm. Thường nước ở đây không lớn. Khi ra giữa cồn đá, các cháu thấy nước xuống, hoảng sợ nên nhảy xuống bơi vô nhưng bị nước cuốn trôi xuống dưới”.

Ông Hoàng Xuân Hồng - Trưởng ban Khoa học Công nghệ Hội Đập lớn Việt Nam cho hay: “Có 2 vấn đề cốt tử trong xây dựng công trình thủy điện: An toàn là yếu tố bậc nhất và đầu tiên, cho bản thân công trình và an toàn cho đời sống người dân ở hạ lưu. Thứ hai là đảm bảo môi trường, thế cân bằng và nguồn sinh thủy trên thượng lưu vững chắc, dưới hạ lưu không bị đe dọa phá hủy".

Tuy nhiên, vào tháng 11/2016, khi trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, còn nhiều tồn tại trong quy trình xã lủ của thủy điện, gây bức xúc trong nhân dân.

“Quy trình của chúng ta có nhưng việc chấp hành thực hiện quy trình nhiều khi còn máy móc và nguyên tắc. Ví dụ như nguyên tắc của xả lũ, của hồ thủy điện thì chủ hồ, chủ đập thủy điện phải có nhiệm vụ thông báo cho chính quyền địa phương, cho bộ phận phòng, chống lụt bão của địa phương và các địa phương ở hạ lưu.

Nhưng lại không nói rõ trong quy định là việc thông báo đó dưới những hình thức nào và đảm bảo yêu cầu như thế nào nên nhiều khi chủ đập, chủ thủy điện có thông báo nhưng không thông báo đầy đủ đến tất cả do những lý do mất điện, thậm chí đánh kẻng báo động, nhưng lại không nghe thấy..." - Bộ trưởng Bộ Công thương nói.

 

Ngọc Ân