Xã hội

Tiền tỷ vét sông, hiệu quả bằng 0?

Admin

Hai năm trước, UBND tỉnh TT-Huế phê duyệt dự án nạo vét cửa Lạch Giang (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) thông ra vịnh biển Chân Mây để tránh tai nạn đường sông, bảo đảm tàu thuyền đánh bắt hải sản vào ra an toàn. Đến nay, mặc dù dự án đã triển khai, nhưng đơn vị trúng thầu nạo vét vật vờ, tình trạng bồi lấp lòng sông dẫn ra cửa biển đâu vẫn vào đấy, trong khi ngư dân tiếp tục sống trong sợ hãi.

Chưa vét xong, lại bồi

Ba năm trở lại đây, cứ mỗi khi biển động, hơn 100 tàu thuyền đánh bắt trên biển của ngư dân xã Lộc Vĩnh lại lo bị “nhốt” dài ngày bên trong khu neo đậu, do tình trạng cửa Lạch Giang thông ra biển Chân Mây bị bồi lấp kéo dài. Tai nạn tàu thuyền từng xảy ra trên vùng cửa biển này do nạn bồi lấp gây nên. Tuy chưa có thương vong về người, nhưng tai nạn từng khiến nhiều tàu thuyền, ngư cụ bị thiệt hại, mất mát. Công việc làm ăn của hàng trăm ngư dân Lộc Vĩnh bị ảnh hưởng đáng kể.

Ngư dân sống với nghề cá tại vịnh Chân Mây kể rằng, việc đi lại khó khăn trên sông nước và tai nạn tàu thuyền thường xảy ra nơi cửa biển bồi cạn này bắt đầu kể từ khi Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cho đầu tư xây dựng trục đường mới dài 2km dẫn ra cảng biển Chân Mây vào năm 2014. Công trình đường bộ hình thành khiến một phần cửa sông Chu Mới dẫn ra vịnh Chân Mây bị lấp. Trong khi, đây lại là tuyến thủy đạo mà bao đời nay tàu thuyền của ngư dân địa phương dùng lưu thông ra khơi vào lộng để mưu sinh kiếm sống. Sau khi cửa Chu Mới bị thu hẹp khiến tàu thuyền không thể vào ra, đơn vị chức năng tại TT-Huế cho mở mới cửa biển nhân tạo mang tên Lạch Giang để thay thế. Tuy nhiên, kể từ khi cửa biển nhân tạo Lạch Giang đi vào hoạt động, ngư dân gọi đây là cửa lạch… gian nan.

Trước tình hình này, năm 2016, UBND tỉnh TT-Huế phê duyệt dự án nạo vét, gia cố khắc phục tình trạng bồi lấp cửa biển Lạch Giang, với tổng mức đầu tư 6,6 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm. Năm 2017, dự án chính thức triển khai. Sau đó, đơn vị trúng thầu thi công cho tập kết phương tiện, nhân lực tổ chức nạo vét cửa biển. Tuy vậy, tàu thuyền qua lại cửa Lạch Giang vẫn thường xuyên đối mặt nguy hiểm do nạn bồi lấp không được cải thiện, sạt lở vẫn cứ tiếp diễn. Cuối đông năm ngoái, hễ biển động, ngư dân Lộc Vĩnh lại bơ phờ chạy nạn lên tận cửa sông Bù Lu đầy sóng dữ để tìm bến đỗ tạm. Trong khi, chủ thầu dự án cứ đủng đỉnh cho tiến hành nạo vét cửa Lạch Giang một cách cầm chừng, vật vờ.

Những ngày gần đây, khi vụ cá nam của ngư dân TT-Huế vào mùa, bà con Lộc Vĩnh lại kêu than về khổ nạn cửa Lạch Giang bị bồi lấp trầm trọng. Có mặt tại tuyến thủy đạo này, khó có ai nhận ra đây là công trường cải tạo lòng sông, nạo vét cửa biển có quy mô tiền tỷ, khi chủ thầu chỉ bố trí một chiếc sà lan hút cát nhỏ như một chiếc ca nô tuần tra sông nằm bất động giữa dòng lạch, trên công trường không một bóng công nhân. Dự án bất động, hiệu quả bằng không, khiến tình trạng cát bồi cát lấp xảy ra dày đặc tại cửa Lạch Giang. Thời điểm PV có mặt, một nhóm khách tham quan người nước ngoài vừa rời tàu du lịch đã thử tìm cách lội sang bờ bên kia để đến chơi ở bãi biển Bình An, xã Lộc Vĩnh. Lúc triều ròng, nhiều đoạn lạch cạn trơ cả đáy.

Dân kêu, doanh nghiệp vẫn nạo vét đủng đỉnh

Ngư dân Văn Thành (ngụ thôn Bình An 1, Lộc Vĩnh) ngán ngẩm: “Cửa biển cạn tới mức người ta có thể lội qua lại được thì mần răng tàu thuyền đánh cá lưu thông qua cho lọt, không biết họ nạo vét kiểu chi đây mà một năm rồi vẫn cứ vậy”. Ông Thành có thuyền đánh cá gần bờ công suất 24 CV. Chỉ những khi nước triều lớn, ngư dân này mới dám cho thuyền qua cửa Lạch Giang. Bằng không, thuyền của ông Thành và nhiều ngư dân khác phải ngược lên cửa Cảnh Dương dẫn vào sông Bù Lu để tá túc tạm.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, cho hay, quá trình triển khai dự án, việc nạo vét dòng chảy trong điều kiện chưa có kè chắn giữ cát nên nảy sinh bồi lấp trở lại. Tình trạng này trở nên trầm trọng kể từ cuối mùa mưa năm ngoái, khi dự án trong giai đoạn triển khai. “Xã Lộc Vĩnh hiện có khoảng 300 tàu thuyền lắp máy và không lắp máy thuộc 3 thôn là Bình An 1, Bình An 2 và Phú Hải gặp khó khăn khi lưu thông qua cửa Lạch Giang. Tình trạng này khiến đời sống, công việc làm ăn của bà con bị ảnh hưởng kéo dài. Bà con ngư dân cho rằng, việc hút cát, nạo vét lòng cửa lạch nếu làm chậm trễ, thiếu triệt để thì nơi đây lại mau chóng bồi lấp trở lại”, ông Bảo nêu ý kiến.

Nhiều ngư dân địa phương còn đặt nghi vấn, doanh nghiệp trúng thầu sở dĩ đủng đỉnh triển khai nạo vét cửa biển Lạch Giang là nhằm ý đồ tận dụng nguồn cát vào mục đích khác, nên họ không muốn làm nhanh, làm dứt điểm và triệt để.