Trong nước

Tinh giản bộ máy, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

Admin

Tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy đảm bảo tinh gọn, hiệu quả là vấn đề đã được đặt ra từ rất lâu và đang đạt được những kết quả tích cực.

 Bà Phạm Thị Thanh Trà

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Phạm Thị Thanh Trà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó ban Tổ chức Trung ương khẳng định, nhờ có chính sách phù hợp và đúng đắn, công tác cán bộ, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thời gian gần đây đã đạt được những kết quả tích cực.

Giảm hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách

Bộ Nội vụ được xem là cơ quan “gác gôn” nhân sự của Chính phủ. Những năm qua, công tác sắp xếp các đơn vị hành chính, tinh giản biên chế công chức, viên chức được thực hiện như thế nào và đã giảm chi ngân sách Nhà nước ra sao?

Thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, đến nay, đã có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.

Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện giảm 8 đơn vị (tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện; TP HCM giảm 2 quận; Quảng Ngãi giảm 1 huyện; Quảng Ninh giảm 1 huyện; Hòa Bình giảm 1 huyện); cấp xã giảm 557 đơn vị (trong đó có những tỉnh giảm nhiều như: Hòa Bình giảm 59 đơn vị hành chính, Phú Thọ giảm 52, Hà Tĩnh giảm 46, Thanh Hóa giảm 76, Lạng Sơn giảm 26, Hải Dương giảm 29…).

Theo tính toán của các địa phương, khi tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong đợt này thì dự kiến ngân sách Nhà nước giai đoạn 2020 - 2024 sẽ giảm chi khoảng 1.431 tỷ đồng, gồm tiền lương và phụ cấp khoảng 511 tỷ đồng, chi hoạt động khoảng 920 tỷ đồng.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tinh giản tối thiểu là 10%/năm. Đến nay, Thủ tướng đã phê duyệt biên chế công chức năm 2021 và Bộ Nội vụ đã giao, thẩm định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương năm 2021.

Theo đó, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước năm 2021 là 247.344 biên chế, giảm 27.504 biên chế (giảm 10,01% so với năm 2015). Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tính đến ngày 1/12/2020 là 1.786.163 người, giảm 239.714 người so với năm 2015 (giảm 11,83%).

Nhiều người lo ngại, việc sắp xếp các đơn vị hành chính nếu chỉ mang tính gộp cơ học thì không có ý nghĩa, hiệu quả. Vậy giải pháp ở đây là gì, thưa bà?

Nghị quyết số 653/2019 ngày 12/3/2019 của gi đã chỉ rõ: Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp là đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định.

Khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế trong đợt sắp xếp vừa qua vẫn còn 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 85 đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp nhưng vì các yếu tố đặc thù nêu trên nên các địa phương đề nghị chưa tiến hành sắp xếp. Như vậy, có thể khẳng định chúng ta đã không thực hiện sắp xếp một cách cơ học.

Tinh giản biên chế luôn nhạy cảm, phức tạp

 

 Việc tinh giản biên chế, sắp xếp các đơn vị hành chính Nhà nước đã và đang làm giảm đáng kể số lượng công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” (Ảnh minh họa)

Việc sắp xếp, tinh giản sẽ làm dôi dư nhiều công chức, viên chức. Thời gian qua, việc giải quyết số lao động dôi dư này như thế nào?

Sau sắp xếp các đơn vị hành chính, dự kiến sẽ dôi dư 428 cán bộ, công chức cấp huyện; số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 9.534 người; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 6.913 người.

Tinh giản biên chế cũng chính là một trong các giải pháp để thu hút nhân tài. Đối với số biên chế đã được tinh giản, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, được sử dụng 50% số biên chế đã được tinh giản và giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật, qua đó tạo cơ sở để tuyển dụng, ưu tiên cho thu hút nhân tài.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Trong giai đoạn 2019 - 2021, các địa phương đã có phương án giải quyết dứt điểm được số cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư là 146 người; cấp xã dôi dư là 7.006 người và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 6.705 người.

Đối với số cán bộ, công chức dôi dư còn lại đến nay các địa phương vẫn còn lúng túng, chưa có phương án giải quyết, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục đôn đốc, đồng hành và kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện để bảo đảm giải quyết dứt điểm trước năm 2022.

Trường hợp các địa phương có khó khăn về các cơ chế, chính sách, về nguồn lực để giải quyết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ Nội vụ cũng đã có văn bản hướng dẫn về việc giải quyết một số tồn tại về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư; giải quyết chế độ thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi; nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu…

Khi chỉ đạo, ký những quyết định về công tác tinh giản biên chế công chức, viên chức, lãnh đạo Bộ Nội vụ có bao giờ thấy tâm tư, trăn trở, cảm thấy khó khăn khi đưa ra một quyết định nào đó?

Tinh giản biên chế luôn là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp, khi làm nếu không căn cơ, bài bản, bảo đảm tôn trọng quyền của người lao động dễ dẫn đến tâm tư, bức xúc.

Do đó, thực hiện tinh giản biên chế phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị và nhân dân; phải được tiến hành trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại tổ chức và thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý theo thẩm quyền.

Để quá trình này đạt hiệu quả, ngoài các giải pháp nêu trên thì nhiều người cho rằng, sự công tâm, trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu là không thể thiếu. Hay nói cách khác là việc “dùng người” làm sao cho hiệu quả phải được coi là giải pháp “đột phá” đặc biệt quan trọng.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật, việc xác định đối tượng tinh giản biên chế thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương.

Việc tinh giản biên chế, sắp xếp các đơn vị hành chính Nhà nước đã và đang làm giảm đáng kể số lượng công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Điều đó có đồng nghĩa với thu nhập của viên chức, công chức sẽ được tăng lên sau tinh giản không?

Việc tinh giản biên chế đã góp phần thực hiện cải cách chính sách tiền lương được thể hiện từ năm 2015 đến nay, Chính phủ đều điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, qua đó tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.

Riêng năm 2020, do bối cảnh tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, do dịch bệnh Covid-19, việc tăng lương đối với cán bộ, công chức, viên chức chưa được thực hiện.

Bà có cho rằng tăng thu nhập cho cán bộ, công chức là một giải pháp để có thể thu hút nhân tài cho khu vực Nhà nước?

Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã chỉ đạo tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội.

Thực hiện chỉ đạo nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Cảm ơn bà!

Tác giả: Phùng Đô

Nguồn tin: Báo Giao thông