Xã hội

Tỉnh nghèo còn định chơi sang!

Admin

Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn gửi Sở Tài chính tỉnh này về khái toán tổng kinh phí dự kiến chi để tổ chức sự kiện 990 năm danh xưng Thanh Hóa là hơn 104 tỉ đồng (trong đó có 82 tỉ đồng từ ngân sách).

Ngay sau khi được đưa ra, thông tin này lập tức vấp phải những phản ứng trái chiều từ dư luận xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng vì sao Thanh Hóa là một tỉnh vẫn xin gạo cứu đói nhưng lại chi đến trăm tỉ đồng để làm lễ kỷ niệm này?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm 2017 tỉnh Thanh Hóa thu ngân sách khoảng 13.000 tỉ đồng nhưng số chi đã lên tới hơn 23.000 tỉ đồng. Theo logic thông thường, để bù vào phần thâm hụt này, tỉnh Thanh Hóa phải xin ngân sách từ trung ương khoảng 10.000 tỉ đồng, một con số không hề nhỏ. Trong tình cảnh như vậy, việc chi tiêu ngân sách phải hết sức chặt chẽ, tiết kiệm, bởi một đồng ngân sách mà chi không đúng thì có tiền núi “cũng phải lở”. Ấy vậy mà chỉ để tổ chức sự kiện kỷ niệm 990 năm danh xưng của tỉnh nhà, khoảng 82 tỉ đồng ngân sách có nguy cơ phải cắp nón ra đi.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, trung ương liên tục kêu gọi tất cả tỉnh, thành, bộ, ngành, xã hội chi tiêu tiết kiệm chống lãng phí, kể cả trong các hoạt động, tổ chức các kỳ lễ kỷ niệm lớn của tỉnh, đất nước. Hưởng ứng điều này, một số nơi đã dừng bắn pháo hoa, dành tiền tỉ để chăm sóc cho người nghèo có một cái Tết ấm áp, hay hỗ trợ một manh áo, đôi giày, chiếc cặp, quyển sách, hay thêm những phần “cơm có thịt” để các em đến trường.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng hôm 25-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Công quỹ là của công cho nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi”.

Cho nên nếu Thanh Hóa định chi tiêu như thế thì sẽ không quá khi thiên hạ nói rằng “nhà đã nghèo còn thích chơi sang”.

Việc tổ chức kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa là cần thiết nhưng thiết nghĩ phải làm sao cho vừa phải, ấm cúng, ý nghĩa mà không phải chi một số tiền lớn đến như vậy. Nhất là trong khi người dân nghèo ở nhiều vùng của Thanh Hóa đây đó vẫn còn trẻ em ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, con đường đến trường còn gập ghềnh, xa xôi, nhiều trường học tranh tre, tạm bợ.

Chúng tôi cho rằng cách thể hiện hay nhất với sự kiện như thế này là danh xưng Thanh Hóa phải được biết đến như là một trong những tỉnh giàu mạnh, hùng cường, góp phần ngân sách của mình cho sự phát triển đi lên của cả nước. Đây mới chính là cách để biết ơn những bậc tiền bối đi trước đã định danh để có cái tên Thanh Hóa ngày nay chứ không phải kỷ niệm “đình đám” tốn tiền cả trăm tỉ đồng trong khi tỉnh vẫn còn nghèo khó như thế.