Thể thao

Toàn thắng vòng bảng, Italy cần tránh vết xe đổ của Hà Lan

Admin

Italy lọt vào vòng 16 đội với bản thành tích và lối chơi hoàn hảo, nhưng thầy trò HLV Roberto Mancini chưa chắc làm nên chuyện tại EURO 2020.

Chiến thắng 1-0 trước Xứ Wales ở lượt đấu cuối giúp Italy đạt hai cột mốc quan trọng: trở thành đội đầu tiên toàn thắng và sạch lưới vòng bảng, đồng thời san bằng kỷ lục 30 trận bất bại dưới thời HLV huyền thoại Vittorio Pozzo.

15 năm sau chức vô địch World Cup, Italy đang là phiên bản hấp dẫn, hoàn hảo và đáng xem nhất. Tuy nhiên, thành tích đẹp như mơ ở vòng bảng có giúp "Azzurri" làm nên chuyện?

 Italy (áo xanh) thắng Xứ Wales bằng đội hình B.

Thiên thanh rực rỡ

Nếu 2 chiến thắng trước Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ là cơ hội để thầy trò HLV Roberto Mancini phô diễn sức mạnh tấn công, cuộc so tài với Xứ Wales đặt ra thử thách khác. Với đội hình dự bị cùng động lực tiêu hao (do đã chắc chắn giành vé vượt vòng bảng), Italy sẽ chơi thế nào.

90 phút ở Olympico là câu trả lời đầy sức nặng. Thay đổi tới 8/11 vị trí, Italy vẫn áp đảo đội hình mạnh nhất của Xứ Wales. "Azzurri" không chơi một màu, mà linh hoạt thay đổi cường độ, nhịp điệu. Nhưng dù tăng ga hay giảm tốc, các học trò của HLV Mancini vẫn làm chủ thế trận.

Federico Bernardesci, Federico Chiesa hay Andrea Belotti đều là phương án hai của Mancini, nhưng thi đấu ấn tượng, nhuần nhuyễn không thua kém tam tấu chính thức. Italy tạo ra 16 cơ hội ăn bàn (gấp 5 lần Xứ Wales) mà 1 pha lập công của Matteo Pessina chưa phản ánh hết áp lực ngàn cân dồn lên Xứ Wales ở trận này.

Trong ngày trở lại, Marco Verratti quán xuyến rất tốt tuyến giữa. Tiền vệ của Paris Saint-Germain thực hiện cú đá phạt rất "quái", đưa bóng đặt vào chân để Pessina ghi bàn duy nhất của trận đấu.

Phong độ của Verratti sẽ khiến HLV Mancini khó xử. Ở 2 trận trước, Manuel Locatelli và Nicolo Barella chơi rất hay. Loại bỏ ai trong số này để nhường chỗ cho Verratti cũng là quyết định tốn năng lượng để đưa ra.

Tuy nhiên, có lẽ HLV nào ở EURO 2020 cũng mong được bối rối như Mancini. Nhìn cách "Azzurri" dồn Xứ Wales vào góc võ đài rồi tung đòn, rất khó nhận ra đội bóng của Mancini đang đá đội hình hai. Italy không chỉ có những cầu thủ giỏi, mà còn sở hữu hai đội hình chất lượng tương đồng.

 Verratti chơi tốt trong ngày trở lại.

Đây là vũ khí lợi hại giúp Italy duy trì thể lực tốt. Họ toàn thắng, phá kỷ lục ở vòng bảng, nhưng mới có 3 cầu thủ chơi nhiều hơn 200 phút.

Bài học từ Hà Lan

Lọt vào vòng 16 đội với chỉ số tuyệt đẹp: bất bại 30 trận, thắng 11 trận liền và giữ sạch lưới, Italy đang là ứng viên vô địch sáng giá. Tờ Gazzetta dello Sport giật tít: "Cảm ơn các bạn vì đã mang giấc mơ đến gần hơn với Italy", còn Corriello Sport nói chiến thắng của Italy là "điên cuồng trong niềm vui".

Đúng, người Italy đang "điên cuồng". Thắng đã vui rồi, thắng áp đảo, đẹp mắt và lôi cuốn còn mang đến khoái cảm kéo dài hơn nữa.

Tuy nhiên, dù Italy thăng hoa, đá đẹp hay thắng liên tục, đừng quên rằng thầy trò HLV Roberto Mancini mới đi một nửa chặng đường. Muốn vô địch, Italy phải thắng 4 trận đấu rất cam go nữa.

 Italy phải duy trì sự tập trung.

Những trận đấu cân não ở vòng knock-out đòi hỏi các đội bóng phải toan tính, bản lĩnh và thực dụng hơn. Ở EURO, lần gần nhất một đội bóng "đá đẹp" làm nên chuyện là Tây Ban Nha năm 2012 (thắng chính Italy ở chung kết), nhưng đội bóng của HLV Vicente Del Bosque quá mạnh ở thời điểm ấy.

Với bộ khung đẳng cấp, kết hợp giữa dàn sao Barcelona và Real Madrid cùng lối chơi được định hình suốt 5 năm, Tây Ban Nha càn quét mọi vật cản trên đường đua.

Italy hiện tại có dàn cầu thủ tốt, nhưng chưa hẳn đã ở đẳng cấp cao. Lối đá tấn công của Italy, dẫu hoàn mỹ và đã mắt, nhưng chưa gặp thử thách đủ khó để chứng tỏ độ "cứng".

Nhìn những nhà vô địch gần nhất ở các giải lớn (World Cup 2014, 2018 và EURO 2016) thi đấu để thấy, đội vô địch chưa chắc bùng nổ, đẹp đẽ ở chặng mở màn.

Bồ Đào Nha vô địch EURO dù bất thắng vòng bảng. Trước khi vô địch World Cup 2014, Đức suýt thua Ghana, Algeria. Pháp thắng vất vả Peru, Australia trong 2 trận đầu trước khi băng băng ở World Cup 2018. Các đội bóng vô địch có xu hướng càng chơi càng hay và đặt điểm rơi phong độ ở những trận quan trọng nhất.

Bài học Italy phải nhớ là câu chuyện của Hà Lan năm 2008. "Cơn lốc màu da cam" thi đấu thăng hoa ở vòng bảng khi quật ngã Pháp, Italy và Romania - những đối thủ mạnh hơn bại tướng của Italy rất nhiều. Song, các học trò của HLV Marco van Basten gục ngã trước Nga ở tứ kết.

Thất bại của Hà Lan được chỉ ra bởi hai nguyên nhân: đội bóng áo cam đã phát tiết những gì tốt nhất ở vòng bảng, và Hà Lan quá... đẹp. Mà cái đẹp thường đi liền với mong manh và dễ vỡ.

 Hà Lan sụp đổ trước Nga ở EURO 2008.

Tuy nhiên, Italy có thể khác biệt so với Hà Lan. Chưa biết liệu "Azzurri" đã chơi hết khả năng, hay có thể đá tốt hơn nữa. Và Italy của Mancini không phải đội bóng thuần tấn công. Với những cây trường sinh như Leonardo Bonucci hay Giorgio Chiellini ở tuyến hậu vệ, Italy đủ sức trở về bản ngã phòng ngự.

"Catenaccio" vẫn là lá bài được Mancini giấu trong tay áo, biết đâu khi cần có thể dùng lại. Italy đã thành công khi mang thứ bóng đá đẹp mắt, hấp dẫn ra biển lớn, nhưng để tiến xa, Verratti cùng đồng đội sẽ cần sự thực dụng và rắn rỏi ở những trận tới.

Tác giả: HỒNG NAM

Nguồn tin: Báo VTC