Kinh tế

Tôm Việt đang hướng đến thị trường 7 tỷ người ăn

Lợi Trần

“Con tôm có một thị trường rất rộng tới 7 tỷ người trên thế giới. Khác với lợn, bò, hiện có rất ít người kiêng ăn tôm. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, chúng ta còn có cơ hội biến thách thức thành lợi thế, nhất là đồng bằng sông Cửu Long khi nước biển dâng, khi hạn mặn thì chúng ta sẽ chuyển một bộ phận từ lúa sang thủy sản".

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (thứ 2 từ phải qua) thăm cơ sở sản xuất tôm giống thương phẩm tại thị trấn Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.


Đó là nội dung mà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định tại Hội nghị quản lý tôm giống nước lợ diễn ra ngày 15/8 tại Bình Thuận, với sự tham dự của tất cả 28 tỉnh, thành ven biển nước ta.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức cực lớn, mà không giải được, thì sẽ thụt bị lùi. Đó là: Thứ nhất, nông nghiệp nước ta là một nền sản xuất nhỏ dựa trên 12 triệu hộ nông dân, mỗi hộ chỉ canh tác 0,3 ha, các ngành truyền thống khác cũng vậy với bình quân thu nhập của các đơn vị sản xuất rất thấp. Đó là một thách thức rất lớn, mà thách thức này khi chúng ta hội nhập toàn cầu không thể chiến thắng, thậm chí ngay trên sân nhà chúng ta sẽ bị thua.

Thách thức thứ hai là biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam nằm ở vị trí Châu Á – Thái Bình Dương với bờ biển dài 3.260km, với địa hình 3/4 là núi và cao nguyên, là 1 trong 3 quốc gia sẽ bị tổn thương lớn nhất. Và diễn biến trong những tháng đầu năm đã cho thấy rõ điều đó, khí hậu sẽ còn cực đoan nhiều hơn. Biến đổi khí hậu sẽ làm đảo lộn toàn bộ cấu trúc của sản xuất truyền thống, nếu chúng ta cứ đi theo hướng đồng bằng sông Cửu Long là lúa, cây ăn trái, là thủy sản; miền Bắc là lúa, miền Trung cũng lúa, chỗ nào cũng lúa, thì sẽ không hiệu quả, mà cần phải chuyển dịch dần sang nuôi tôm.

 

Công nhân một cơ sở sản xuất tôm giống đang kiểm tra chất lượng tôm 3 ngày tuổi.


Thách thức thứ ba, hội nhập sâu rộng, hiện nay Việt Nam đã hội nhập 7 AFTA (hiệp định thương mại tự do) đang tiến hành thực thi và sắp ký kết tiếp 6 AFTA, có nghĩa Việt Nam là thị trường mở của thế giới và mở ở đây là mở 2 chiều: một mặt chúng ta mở cơ hội hàng hóa đi, nhưng cơ hội đi của chúng ta đang bị thách thức do sản xuất còn manh mún, làm giảm sức canh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Do đó, phải cấu trúc lại nền sản xuất.

Từ những thách thức này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu vấn đề: “Chúng ta cần cấu trúc lại nền sản xuất theo hướng gì? Về nguyên tắc, có 2 nguyên lý: cái gì mạnh thì ta làm hay nói đúng hơn là lợi thế; thứ hai làm là phải khoa học công nghệ, một chuỗi giá trị sâu nhất, ở đó chúng ta chiếm thị phần lớn nhất về chuỗi giá trị. Khi chúng tôi tiếp cận công việc, chúng tôi xác định rõ, Việt Nam trong tái cơ cấu thủy sản có một dư địa lớn, đó là con tôm. Chúng tôi khẳng định, con tôm sẽ là một dư địa trước mắt cho phục hồi bù đắp một phần tăng trưởng của ngành nông nghiệp 6 tháng cuối năm. Đó là trước mắt, còn chiến lược con tôm hiện nay được coi là một mặt hàng chiến lược hàng hóa của chúng ta”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, con tôm có thị trường rất rộng tới cả 7 tỷ người trên thế giới. Khác với lợn, bò, hiện có rất ít người kiêng ăn tôm. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, chúng ta còn có cơ hội biến thách thức thành lợi thế, nhất là đồng bằng sông Cửu Long khi nước biển dâng, khi hạn mặn thì chúng ta sẽ chuyển một bộ phận từ lúa sang thủy sản, trong đó có con 7 tỷ người ăn là con tôm.

Theo ông Cường, chúng ta phải có bước đi táo bạo hơn kể cả sản phẩm giống, thức ăn, công nghệ, phải đi có những quyết sách đi nhanh hơn, không cần tuần tự. “Câu chuyện facebook trả lời ta việc đó, những tập đoàn trước kia đi hàng trăm năm, thì bằng khoa học công nghệ, bằng khát vọng con người chỉ đi từ 2-3 năm vẫn đến đích và câu chuyện với con tôm cũng vậy”- ông Cường nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương, doanh nghiệp sản xuất tôm cần “xốc lại đội hình”, một mặt duy trì chiến lược, một mặt duy trì con thương mại tốt như hiện nay để ổn định cơ cấu thị phần, nhưng vẫn phải chuẩn bị cho một chiến lược cạnh tranh quyết liệt nay mai đang đặt ra mà mình đã có sẵn nền tảng. Bên cạnh đó, cần đưa tôm thành mặt hàng chiến lược quốc gia để có chính sách tạo động lực để phát triển thương hiệu tôm Việt Nam lớn mạnh trên thị trường thế giới.

Tác giả bài viết: Nguyễn Dương