Trong nước

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Đề cử nhân sự 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa XIII

Admin

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Trung ương xem xét, đề cử nhân sự 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa XIII. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh “đây là khâu rất quan trọng”.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Chúng ta đang bàn và quyết định những phần việc còn lại để tiếp tục chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng


Như tin đã đưa sáng 16/1, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị liên quan đến việc tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, tại Hội nghị Trung ương 13 tháng 10/2020 và Hội nghị Trung ương 14 tháng 12/2020 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định những nội dung quan trọng của công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bao gồm: bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII; bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Sau Hội nghị Trung ương 14, trên cơ sở kết quả giới thiệu của Ban Chấp hành Trung ương, ý kiến giới thiệu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã thảo luận, cân nhắc kỹ và thống nhất giới thiệu sự lãnh đạo chủ chốt khóa XIII bao gồm: các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị thuộc trường hợp đặc biệt tái cử khóa XIII và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong độ tuổi tái cử.

Tiếp thu ý kiến của Hội nghị Trung ương 14, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị cũng đã nghiên cứu, xem xét, cân nhắc và đề nghị giới thiệu bổ sung thêm một số đồng chí lần đầu tham gia Ủy viên Trung ương chính thức và một số đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XII thuộc hợp trường hợp đặc biệt tái cử khóa XIII và một số đồng chí lần đầu thuộc trường hợp đặc biệt tham gia Ủy viên Trung ương chính thức.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Trung ương nghiên cứu kỹ Tờ trình của Bộ Chính trị và các tài liệu có liên quan, thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; đồng thời xem xét, đề cử nhân sự 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt khóa XIII. Đây là khâu rất quan trọng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho hay, tại Hội nghị lần này, căn cứ vào Điều lệ Đảng, Bộ Chính trị trình Trung ương dự kiến danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn thư ký và Ban thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội XIII của Đảng, đề nghị Trung ương chú ý cho ý kiến thông qua để trình Đại hội XIII của Đảng xem xét, quyết định.

“Hội nghị Trung ương lần này tuy không dài nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chúng ta đang bàn và quyết định những phần việc còn lại để tiếp tục chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu.

 

Qua hai hội nghị Trung ương 13 (tháng 10/2020) và 14 (tháng 12/2020)của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã lần lượt bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Trung ương khóa mới, gồm cả uỷ viên chính thức và dự khuyết; nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Cũng tại các Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự (trong đó có nhân sự đặc biệt) để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 15.

Theo quy định của đảng về công tác nhân sự, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương tái cử không quá 60 tuổi.Tương tự, tuổi tái cử tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư không quá 65 tuổi… Trong trường hợp đặc biệt, Ban chấp hành Trung ương có thể xem xét giới thiệu tái cử đối với ủy viên Ban chấp hành đã quá 60 tuổi, và Ủy viên Bộ Chính trị có độ tuổi trên 65 để Đại hội quyết định bầu vào Ban chấp hành, Bộ Chính trị...

Liên quan vấn đề này, nhiều chuyên gia về xây dựng đảng cho rằng, việc có trường hợp “đặc biệt” tham gia Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới là hợp lý và cần thiết, điều này cũng đã được thực hiện từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 và thứ 12.

Tác giả: Trọng Bằng

Nguồn tin: Báo Công lý