Trong nước

Tổng cục Đường bộ kiểm tra việc thu phí của VEC

Admin

Tổng cục Đường bộ đã kiểm tra đột xuất hoạt động thu phí của VECE, với sự tham gia của công an, sau những nghi vấn về doanh thu thu phí của dư luận.

 Trạm thu phí BOT Dầu Giây. ảnh: PV

Sau loạt bài Tiền Phong phản ánh về triển khai thu phí tự động không dừng chậm so với kế hoạch Thủ tướng giao, những vấn đề trong thu phí thủ công thiếu công khai, minh bạch, đơn vị thu phí giấu doanh thu... Tổng cục Đường bộ đã ban hành quyết định kiểm tra đột xuất hoạt động thu phí tại trạm thu phí Dầu Giây (Đồng Nai), sau vụ cướp hơn 2,2 tỷ tiền thu phí tại trạm thu phí này (hôm 7/2) gây ra nhiều điều tiếng về mức phí thực tế thu được và báo cáo. Trạm thu phí Dầu Giây do Cty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE), thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.

Đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ sẽ làm việc tại trạm thu phí Dầu Giây trong 5 ngày, bắt đầu từ ngày 18/2/2019. Phạm vi kiểm tra gồm công tác tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ Dầu Giây.

Tổng cục Trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết, để đảm bảo công khai, minh bạch, Tổng cục cũng đã đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an phối hợp trong lần kiểm tra này. Tuy nhiên, theo ông Huyện, các nội dung chi tiết đoàn kiểm tra thực hiện tại trạm thu phí Dầu Giây chưa thể công bố (như có đếm xe thực tế không? Có xem lại băng ghi hình những ngày đã thu phí?...), khi có kết luận chính thức sẽ công bố chi tiết, công khai với báo chí.

Thời điểm xảy ra vụ cướp, trạm thu phí Dầu Giây có hơn 3,23 tỷ đồng trong két sắt. Phía VEC lý giải, đây là số tiền của 8 ca thu phí (mỗi ca 8 tiếng) trong các ngày từ 4-6/2/2019, tiền lẻ phục vụ thu phí và quỹ dự phòng. Trong khi, có ý kiến cho rằng, đây chỉ là số tiền thu phí trong 1 ngày của trạm này.

Còn theo số liệu báo cáo của VEC, tổng doanh thu trung bình của 3 trạm thu phí trên cao tốc TPHCM - Dầu Giây năm 2018 trên 3,1 tỷ đồng/ngày đêm. Trong đó trạm Dầu Giây chỉ hơn 740 triệu đồng/ngày đêm, còn trạm Long Phước trên 1,5 tỷ/ngày đêm, trạm Quốc lộ 51 hơn 914 triệu/ngày đêm.

Cao tốc TPHCM - Dầu Giây dài 55km, tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA Chính phủ cho VEC vay lại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hơn 600 tỷ đồng, vay lại của JICA hơn 12.000 tỷ đồng. Vốn đối ứng của VEC là 313 tỷ đồng, và từ ngân sách TPHCM là 1.338 tỷ đồng. Thời gian thu phí để VEC hoàn vốn vay và vốn tự có là 21 năm, từ tháng 11/2016. Mức phí khởi điểm là 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn (dưới 12 chỗ ngồi). Mỗi 3 năm VEC dược tăng phí 1 lần, mỗi lần 15%. Cứ mỗi 5 năm Bộ GTVT và VEC sẽ cùng tính toán số thu phí để quyết định thời gian thu phí.