Thế giới

Tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công Syria

Admin

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đã hạ lệnh tấn công Syria. Quan chức Mỹ khẳng định cuộc tấn công nhắm vào nhiều mục tiêu và có sử dụng tên lửa Tomahawk.

 Tổng thống Mỹ tuyên bố tấn công Syria đêm 13-4 - Ảnh: AFP

"Tôi đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang Mỹ nã tên lửa vào các mục tiêu liên quan tới chương trình vũ khí hóa học của chính quyền Bashar al-Assad" - ông Trump tuyên bố từ Phòng Ngoại giao Nhà Trắng tối 13-4 (sáng nay 14-4, giờ VN).

Tổng thống Mỹ cho biết cuộc tấn công sẽ có sự phối hợp của hai đồng minh Pháp và Anh, theo Đài CNN.

Về tình hình hiện nay tại thủ đô Damascus của Syria, theo ghi nhận của Hãng tin Reuters, đã có ít nhất 6 tiếng nổ lớn nghe thấy tại thành phố này và xuất hiện các cột khói kèm theo.

Một nhân chứng thứ 2 khác của Hãng tin Reuters cho biết quận Barzah của thủ đô Damascus đã bị dính bom không kích. Barzah là nơi có một trung tâm nghiên cứu khoa học lớn của Syria.

Cuộc tấn công bằng tên lửa của liên quân được phát động vào khoảng ngay sau 4h00 sáng 14-4 giờ địa phương tại Syria, tức vào khoảng 8h00 ngày 14-4 giờ Việt Nam và khoảng 21h00 ngày 13-4 giờ Washington, DC, Mỹ.

Loading...

Những vụ nổ đầu tiên tại thủ đô Damascus (Syria) - Video: TWITTER

Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh nhưng có nguồn tin tốt ở Syria đã thông báo xác nhận nhiều căn cứ quân sự Syria đã bị tấn công. Trong số đó có trụ sở của Lực lượng vệ binh Cộng hòa Syria và sư đoàn 4 của quân đội chính phủ nước này.

Đài truyền hình quốc gia Syria cho biết lực lượng không quân của quân đội chính phủ Syria đang chiến đấu trước cuộc tấn công của liên quân Mỹ, Pháp và Anh.

Các tiếng nổ lớn khác lại vừa xảy ra tại thủ đô Damascus. Đài CNN dẫn lời một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ cho biết "việc này vẫn chưa kết thúc" và loạt tấn công đêm nay mới chỉ là đợt đầu tiên trong cuộc tấn công sẽ gồm nhiều đợt nữa.

 Cơ sở nghiên cứu khoa học tại Damascus của Syria bị tấn công - Ảnh: FOXNEWS

Trong tuyên bố thông báo về quyết định tấn công quân sự với Syria, tổng thống Mỹ cũng lên án Nga và Iran về việc họ đã ủng hộ chính quyền của tổng thống Assad.

Ông Trump nói: "Với Iran và Nga tôi muốn hỏi có loại quốc gia nào lại muốn liên kết với vụ thảm sát hàng loạt người vô tội, phụ nữ và trẻ em?".

Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ, đã phản đối gay gắt với quyết định tấn công Syria của ông Trump. Bà tuyên bố: "Một đêm không kích không thể thay thế cho một chiến lược rõ ràng, toàn diện về vấn đề Syria".

Cũng theo bà Pelosi, Tổng thống Trump cần phải thảo luận với quốc hội để được phép sử dụng lực lượng quân sự, mặc dù vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng "ông Putin phải chịu trách nhiệm về hành vi tàn ác của chính quyền Syria với người dân nước này".

 

Loading...

Video chiến sự ở Syria được chia sẻ trên Twitter sáng 14-4 - Nguồn: TWITTER

Theo báo Guardian, Mỹ sẽ dùng tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công Syria nhằm vào nhiều mục tiêu của quốc gia này. Thông tin do một quan chức Mỹ cung cấp cũng khớp với tin do Đài CNN đưa là các tàu chiến cùng máy bay Mỹ sẽ tham gia tấn công Syria lần này.

Bộ Quốc phòng Anh đã cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động tham chiến của quân đội nước này trong đợt không kích tại Syria. Theo đó 4 chiếc máy bay Tordado của không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã phóng tên lửa Storm Shadow từ Cyprus nhằm vào một căn cứ tên lửa cũ tại Syria ở gần tỉnh Homs. Đây cũng là cho là nơi chính phủ Syria đã cất giữ các vũ khí hóa học.

Bộ Quốc phòng Anh cho rằng vụ không kích tại tỉnh Homs của Syria nhằm "tối đa hóa việc phá hủy các loại hóa chất được lưu trữ và giảm tới mức nhỏ nhất nguy cơ ô nhiễm cho khu vực xung quanh". Cơ quan này cũng nói cơ sở bị tấn công nằm cách xa một khoảng nhất định với khu vực tập trung dân cư nhất gần đó. Bộ Quốc phòng Anh cũng cho biết đợt không kích của họ đã thành công.

Quyết định của ông Trump được công bố sau những diễn biến rất nhanh liên quan của sự việc. Theo đó, tướng Igor Konashenkov - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, tuyên bố nắm được chứng cứ trực tiếp cho thấy Anh là kẻ đứng sau vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học tại Douma, Syria. Ông Igor Konashenkov cho rằng Anh "có liên quan trực tiếp với động thái khiêu khích này".

Trong khi đó Nhà Trắng cho biết họ "rất tin tưởng" rằng chính quyền Syria đã gây ra vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma thuộc khu Đông Ghouta hôm 7-4.

Trong diễn biến liên quan, Mỹ, Anh và Pháp tiếp tục tăng cường các nguồn lực quân sự tại khu vực đông Địa Trung Hải.

Một thông tin đáng chú ý khác là các nhân viên của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) được cho là đã tới thủ đô Damascus trong hôm nay (14-4) để điều tra xem có chuyện vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Douma ngày 7-4 hay không.

 Hình ảnh trẻ em ở Douma bị cho là trúng chất độc hóa học từ bom của quân đội chính phủ Syria ngày 7-4 - Ảnh: REUTERS


Tương quan lực lượng

Trước đó, báo Stars & Stripes của quân đội Mỹ đưa tin nhóm tàu tấn công của Hải quân Mỹ dẫn đầu bởi hàng không mẫu hạm USS Harry S. Truman đã rời cảng Norfolk ở bang Virgina và trực chỉ Địa Trung Hải.

USS Harry Truman là một "pháo đài trên biển" với hỏa lực hỗ trợ của 30 máy bay ném bom, 20 máy bay tiêm kích, máy bay và trực thăng chống ngầm, máy bay do thám...

Ngoài ra, nhóm tấn công này còn bao gồm tàu tuần dương mang tên lửa Normandy, các tàu khu trục Arly Burke, Balkley, Forrest Sherman và Farragut, được trang bị tổng cộng khoảng 300 quả tên lửa hành trình Tomahawk.

Khi tiến gần đến Syria, nhóm này sẽ được tàu khu trục "Hesse" của Hải quân Đức gia nhập. Hai tàu khu trục khác của Mỹ - "Jason Dunham" và "Sullivans" - sẽ tham gia nhóm sau đó.

Theo trung tướng Victor Poznikhir thuộc Bộ tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Nga, nhóm tàu sân bay Hoa Kỳ do Harry Truman dẫn đầu sẽ đến vịnh Persic vào đầu tháng 5.

Ngoài ra, trên Địa Trung Hải còn có sự hiện diện thường trực của Hạm đội 6 hải quân Mỹ, tương đương tối thiểu 10 chiến hạm, trong đó có tàu đổ bộ. Biên chế của Hạm đội 6 bao gồm hàng ngàn lính thủy đánh bộ, xe tăng, xe pháo, trực thăng và tàu ngầm.

Quân đội Anh trong khu vực Địa Trung Hải cũng có thể giúp. Tại căn cứ không quân trên đảo Cyprus gần Syria là phi đội tiêm kích Typhoon và máy bay ném bom Tornado của không quân Hoàng gia Anh.

Pháp và Saudi Arabia cũng thể hiện mong muốn tham gia chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq tuyên bố sẵn sàng cho liên quân mượn không phận để không kích các địa điểm của chính phủ Syria.

Nga có 10-15 chiến hạm hiện diện thường xuyên ở Địa Trung Hải, trong đó gồm các tàu hộ tống và tàu mang tên lửa nhỏ, tàu chống ngầm, hai tàu khu trục Đô đốc Grigorovich và Đô đốc Essen.

Trong biên chế hai tàu khu trục còn có trực thăng săn ngầm Ka-27 có khả năng phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm ở độ sâu 500m. Về tương quan lực lượng rõ ràng Nga không bằng Mỹ ở Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, hạm đội của Nga trên biển Caspi có thể hỗ trợ hỏa lực cho đồng đội.

Hiện nay, người ta chỉ biết không phận các căn cứ Nga tại Syria được bảo vệ bởi hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 Triumph, riêng các hệ thống vũ khí thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển không được công bố.