Xã hội

TPHCM: Dừng toàn bộ dự án BT để xây dựng quy trình quản lý mới

Admin

TPHCM sẽ đình toàn bộ các dự án BT để xây dựng quy trình quản lý mới, giúp minh bạch hơn, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh rằng giải pháp quản lý mới phải tránh trường hợp “lợn cợn” tác động bởi các yếu tố khác.

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội tháng 10 của UBND TPHCM diễn ra ngày 30/10, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đang xây dựng quy trình quản lý đối với các dự án BT (xây dựng – chuyển giao) theo hướng công khai, minh bạch, thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư.

 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu dừng toàn bộ các dự án BT

Theo ông Nguyễn Thành Phong, cuối tuần này TPHCM sẽ tổ chức hội thảo về quản lý các dự án BT. Tại đây, cơ quan chức năng, đơn vị chuyên môn cùng các chuyên gia… sẽ đánh giá và đề xuất quy trình quản lý các dự án BT.

Người đứng đầu chính quyền TPHCM nhấn mạnh rằng quy trình mới phải tránh “lợn cợn” tác động bởi yếu tố nào khác, phải đảm bảo khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai và tài sản của Nhà nước. Trong thời gian chờ báo cáo quy trình mới lên Thành ủy TPHCM thì toàn bộ các dự án BT đang đàm phán phải ngừng.

“Các dự án BT đang thảo luận đàm phán phải đình lại hết, chờ quy trình mới thì tính tiếp. Các dự án chậm lại để xây dựng quy trình quản lý hiệu quả, theo hướng đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư”, ông Phong nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến lưu ý rằng ngay cả các dự án BT trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi cũng ngừng lại.

Ông Sử Ngọc Anh – Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP – cho biết nhu cầu đầu tư trong 5 năm tới của TPHCM lên tới 500.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn ngân sách chỉ chi được 134.000 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên 175.000 tỷ đồng.

Theo ông, TPHCM phải huy động một nguồn vốn rất lớn từ xã hội mới đủ nguồn vốn đầu tư. Hình thức đối tác công tư theo hình thức BT sẽ tạo cơ hội huy động nguồn lực cho thành phố. Hiện nay, các dự án BT của TP chủ yếu được trả bằng đất.

Do đó, TPHCM phải đi kiếm đất để làm dự án. Để sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai trong điều kiện quỹ đất cũng ngày càng eo hẹp thì TP phải rà soát lại quy trình để đảm bảo đầu tư hiệu quả.

“Đây là một kênh lựa chọn cho thành phố và quan trọng là cách làm như thế nào”, ông Anh nói.