Giáo dục

Trả lương giáo viên theo kiểu cào bằng

Lợi Trần

Nhiều nhà giáo cho rằng cơ chế trả lương hiện nay là nguyên nhân khiến giáo viên ngại đổi mới, đồng thời không thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục

Tại hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2016-2017 vừa qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà lãnh đạo TP HCM yêu cầu ngành giáo dục thực hiện trong năm học tới là đề xuất thêm những chương trình, giải pháp, chính sách nhằm nâng cao chế độ đãi ngộ, giúp cán bộ, giáo viên (GV) ngành giáo dục yên tâm công tác; nghiên cứu thí điểm chế độ đãi ngộ gắn liền với trách nhiệm đối với nhà giáo theo hướng không cào bằng, có thể định lượng được.

Sáng tạo nhiều thì lương vẫn vậy

GV một trường THPT tại quận 3, TP HCM tính toán: Hiện nay, với mức lương đi dạy 7 năm, cộng thêm tất cả danh hiệu như chiến sĩ thi đua, nhà giáo trẻ tiêu biểu... thì thu nhập hiện tại chưa đến 4 triệu đồng. Đó là chưa kể những GV mới ra trường, lương cơ bản còn thấp hơn nhiều.

 

Muốn giáo viên có nhiều cống hiến thì cần trả lương theo đúng năng lực Ảnh: TẤN THẠNH


“Năm học trước, tôi được nhận giải “GV sáng tạo cấp thành phố” nhưng mức thưởng tổng cộng chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng cho giải khuyến khích. Nếu tính toán công sức bỏ ra, kể cả kinh phí tự túc để đổi mới phương pháp giảng dạy cho học sinh, thì phần thưởng đó không thấm vào đâu” - GV này cho biết.

Theo các chuyên gia giáo dục, hiện nay, cơ chế trả lương trong ngành giáo dục rất cào bằng. Nhiều thầy cô giáo “sống lâu lên lão làng”, cứ có biên chế và thâm niên là ngồi đó. Trong khi đó, việc trả lương dường như không hề được tính toán, không căn cứ vào những đóng góp của GV. Cách trả lương này không những không tạo động lực cho GV phấn đấu mà còn khó thu hút người giỏi vào công tác trong ngành giáo dục. Bên cạnh đó, có những GV đóng góp rất nhiều, làm được rất nhiều công trình sáng kiến có lợi cho học sinh nhưng lương lại rất thấp do không có thâm niên.

Tại một hội thảo về giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ GV tiểu học TP HCM để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, thầy Lê Phan Vương Quốc, GV Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho rằng một trong các nguyên nhân khiến GV ngại đổi mới, ngại nâng cao trình độ là chế độ lương bổng vẫn theo hình thức thâm niên. Điều đó chưa thật sự khuyến khích, động viên GV trẻ nâng cao trình độ, tay nghề.

Giỏi - dở như nhau

GV một trường THPT tại quận 1, TP HCM cho biết hiện nay, việc xếp loại, đánh giá GV đang có nhiều bất cập. Chẳng hạn, GV giỏi hay dở chỉ được đánh giá qua vài tiết dự giờ và thi thố. Điều đó khiến kết quả đánh giá không thể hiện được chính xác năng lực của GV. Tuy nhiên, dù GV giỏi hay dở thì mức lương cũng như nhau, chiến sĩ thi đua cấp thành phố cũng không hơn người bình thường. Nếu không thay đổi chế độ đãi ngộ thì lâu dần, GV giỏi cũng không muốn dạy nữa.

Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, người thầy nên chấp nhận cơ chế cạnh tranh trong giáo dục, nghĩa là ai chất lượng hơn, ai tốt hơn thì được dùng. Điều đó lý giải vì sao một số trường phổ thông ngoài công lập thu hút được khá nhiều GV giỏi bởi họ có chế độ đãi ngộ tốt.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người giảng dạy không tốt nhưng cứ tồn tại hoài do có thâm niên và biên chế. Hậu quả, những người thụ hưởng là học sinh phải chịu đựng. Muốn khuyến khích đội ngũ nhà giáo sáng tạo, cống hiến thì ngoài chế độ đãi ngộ tương xứng, trả lương theo đúng năng lực, nên giao quyền chủ động cho các trường trong việc đánh giá GV.

“Các trường phổ thông khó xây dựng hệ thống tín chỉ, đánh giá giảng viên như bậc ĐH nhưng vẫn có thể dùng những phản ánh của học sinh, phụ huynh thông qua các phiếu thăm dò để điều chỉnh. Khi đó, hiệu trưởng nhà trường phải thận trọng trong việc đánh giá này” - PGS Tống góp ý.

 

Đừng chỉ ca ngợi sự hy sinh

Hiệu trưởng một trường THPT tại huyện Củ Chi, TP HCM nêu thực tế: Nhiều giáo sinh thực tập hứa hẹn tốt nghiệp sẽ về trường công tác. Thế nhưng, khi nhắc đến mức lương của GV mới ra trường, lại phải về khu vực ngoại thành khiến nhiều người sau đó “một đi không trở lại” vì sợ vất vả.

“Cơ chế thâm niên trong phân chia thu nhập vốn đã quá lỗi thời. Thay vì ca ngợi sự hy sinh của của những GV công tác ở vùng sâu, vùng xa thì chúng ta cần có chế độ đãi ngộ tương xứng. Đó cũng là một hình thức thu hút người giỏi luân chuyển về các địa bàn khác để tạo sự đồng đều chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành” - vị này nhìn nhận.

Tác giả bài viết: Đặng Trinh