Súng nhựa các loại bày bán tràn lan trong các cửa hàng đồ chơi trẻ em. |
Mua đâu cũng có
Những ngày cuối tuần, khoảng từ 18-19 giờ trở đi, trong khuôn viên hành lang Cung thể thao Tiên Sơn, có vô số người bày bán đồ chơi trên vỉa hè. Chỉ cần một tấm ni-lông trải ra, hàng chục loại đồ chơi như: búp bê, thú nhồi bông, súng nhựa, kiếm nhựa với nhiều màu sắc được bày bán khiến trẻ em khó rời mắt. Súng ngắn từ 35.000-40.000 đồng/khẩu, súng dài 50.000-60.000 đồng/khẩu, trẻ em tha hồ lựa chọn. Không ít trẻ từ 3-10 tuổi đòi cha mẹ mua những loại đồ chơi này.
Tại dãy nhà hàng ven biển đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà) chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi đếm được 5 lượt người dắt xe máy chở vô số đồ chơi trẻ em, trong đó có loại đồ chơi bạo lực như những khẩu súng nhựa có chiều dài đủ kích cỡ. Thế là trẻ vây quanh người bán đòi cha mẹ mua cho bằng được những món đồ mà chúng thích.
Rời khu vực biển, về Công viên 29-3 và mặt tiền Trung tâm Giải trí Starlight Đà Nẵng (đường Điện Biên Phủ), chúng tôi bắt gặp gần chục người bán đồ chơi trẻ em (người dựng xe đứng bán, người trải bạt ngồi) với đủ loại đồ chơi súng, kiếm mang nhãn mác Trung Quốc...
Trong khi đó, không mời chào như các điểm bán hàng rong, các cửa hàng cố định cũng không thiếu các loại đồ chơi súng, kiếm. Cụ thể, đầu tuyến đường Âu Cơ (quận Liên Chiểu), một số cửa hàng luôn tấp nập trẻ em và người lớn ra vào mỗi buổi chiều.
Vào cửa hàng T.N, dễ dàng bắt gặp hàng chục khẩu súng nhựa còn nguyên vỉ nhựa treo trên kệ. Giá mỗi loại từ 30.000 đồng đến gần 100.000 đồng/khẩu, tùy loại. Theo quan sát của chúng tôi, đồ chơi súng phần đông được các bé trai lựa chọn. Những khẩu súng nhựa mô phỏng y như loại súng thật với chiều dài đủ cỡ. Sau khi lấy ra khỏi bao bì, súng đồ chơi được lắp đạn nhựa; khi bóp cò, những hạt đạn bắn ra bên ngoài kèm âm thanh khác nhau…
Đồ chơi nhỏ, mối nguy lớn
Dù là mặt hàng thuộc danh mục cấm nhưng đồ chơi súng, kiếm bạo lực vẫn xuất hiện công khai từ cửa hàng ra tới vỉa hè, gây nguy cơ lớn cho xã hội. Một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng bày tỏ: “Làm việc trong môi trường tâm lý người tâm thần nên tôi biết nếu để các em chơi đồ chơi bạo lực ngay từ nhỏ sẽ rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến nhân cách, trí tuệ của các em mà còn là mối đe dọa cho gia đình và xã hội”.
Đánh đúng vào tâm lý của khách hàng nhí, những người buôn bán mặt hàng này không ngừng nhập hàng bằng mọi cách. Như những gì chúng tôi ghi nhận, đối với những người bán hàng rong, không mấy khi có cơ quan chức năng đi kiểm tra nên họ không sợ bị xử lý. Dò hỏi một chị bán hàng rong “có biết đây là đồ chơi bị cấm bán không”, chị vô tư trả lời: “Biết chứ, nhưng họ (lực lượng chức năng - PV) không tịch thu hàng rong đâu, có bắt thì bắt mấy người buôn lớn thôi” (!?).
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố cho biết: “Mặc dù lực lượng QLTT thường xuyên kiểm tra nhưng cũng không dẹp hết được những vi phạm kiểu này. Trước đây, việc kiểm tra đồ chơi trẻ em theo chuyên ngành từng đợt, nhưng gần đây được thực hiện hầu như quanh năm, không kể thời điểm nào.
Vừa qua, Chi cục cũng tịch thu và tiêu hủy hàng trăm sản phẩm đồ chơi, trong đó có đồ chơi bạo lực nhập lậu tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố. Với thực trạng trên, chúng tôi mong muốn lực lượng công an các quận, huyện, phường cùng phối hợp xử lý hàng rong, nhất là đồ chơi trẻ em bạo lực…
Qua đây, chúng tôi cũng khuyến cáo phụ huynh đừng chiều theo ý thích của trẻ mà mua những sản phẩm đồ chơi bạo lực, vừa không tốt cho việc phát triển nhân cách của trẻ, vừa gây nguy hiểm khi sử dụng”.