Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cảnh báo, diễn biến phiên toà vụ chạy thận đang diễn ra ảnh hưởng lớn tới ngành y tế |
Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 26/5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cảnh báo, việc xét xử vụ án chạy thận tại Hoà Bình diễn ra những ngày qua rất ảnh hưởng đến ngành y tế. Về phía mình, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm: “Tôi tin bác sĩ Hoàng Công Lương có thể vô tội”.
Ông Lợi đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải nói thêm về vấn đề này.
Tranh luận lại phát biểu này, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho rằng, sự quan tâm của đại biểu Quốc hội với vụ án của bác sỹ Hoàng Công Lương là cần thiết. Tuy nhiên, việc phát ngôn, nhận định vụ án là có oan sai, bình luận bị cáo “có tội” hay không “có tội” thời điểm này, theo đại biểu, là rất cảm tính và không có lợi vì toà án đang xét xử, chưa đưa ra phán quyết nào.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh: Bình luận việc bị cáo “có tội” hay không “có tội” thời điểm này là rất cảm tính |
“Định hướng dư luân, tạo sức ép không đúng đắn cho việc giải quyết vụ án theo quy định pháp luật là việc không phù hợp. Nếu đại biểu thấy có cơ sở và căn cứ giúp các cơ quan pháp luật làm sáng tỏ vụ việc thì pháp luật cũng có cơ chế để việc tham gia ý kiến một cách chính danh, xác đáng” – ông Sinh nói.
Lập tức bấm nút đối đáp lại quan điểm này, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) – Giám đốc Bệnh viện tim Hà Nội bày tỏ, với cương vị một bác sỹ, ông cũng như nhiều đại biểu trong ngành rất quan tâm đến vụ án, đòi hỏi sự minh bạch, khách quan, công tâm, minh bạch trong phiên toà.
“Không thể quy tội cho một người là thiếu trách nhiệm khi họ thực hiện theo một quy trình không có, hay nói đúng hơn mới có từ tháng 4/2018 vừa qua. Không thể quy tội cho một bác sĩ chỉ biết cứu người và kỹ năng họ không được đào tạo, được giao là chuẩn hoá nguồn nước trong quy trình chạy thận nhân tạo” – ông Tuấn nêu quan điểm, cần có tiếng nói từ lương tri, khách quan để bảo vệ cho công lý, cho các thầy thuốc đang ngày đêm cứu chữa ngày bệnh cho dù chính bản thân họ cũng chưa được bảo vệ xứng đáng.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cũng đăng ký tranh luận với ý kiến của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh. Đại biểu Lan khẳng định, việc phát ngôn của đại biểu là trên cơ sở quyền của người đại diện của nhân dân và mỗi đại biểu chịu trách nhiệm với phát ngôn như vậy của mình. Bà Lan quả quyết, các phát biểu không mang tính chất định hướng cho toà mà toà thì cũng là con người, có thể có sai lầm mà nếu không có những phân tích, những can gián thì có thể dẫn tới quyết định sai.
Đại biểu đặt câu hỏi, nếu không có dư luận thì vụ án VN Pharma có được xem xét với đúng bản chất của nó?
Nếu để hệ quả của phiên xử không chuẩn xác xảy ra, đại biểu cảnh báo, sẽ gây tác động lớn với tâm lý của những người làm ngành y, của những người trong cuộc. Xã hội cần nói lên tiếng nói của công lý.
Trước đó, sáng 25/5, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay phiên tòa sơ thẩm đang diễn ra và xung quanh có nhiều ý kiến khác nhau nên Bộ vẫn theo dõi sát diễn biến.
Bộ trưởng Tiến thông tin, với trách nhiệm của mình, Bộ đã tham gia hỗ trợ ngay khi khởi tố vụ án cũng như quá trình truy tố đối với bác sĩ Hoàng Công Lương. Trong thời gian diễn ra phiên tòa, đại diện của Bộ cũng có mặt theo dõi và trả lời rõ các câu hỏi của HĐXX.
Cũng ngày hôm qua, phiên tòa xét xử bác sĩ Lương tiếp tục phần bào chữa, đối đáp giữa các luật sư (LS) và đại diện VKSND. Bác sỹ Lương phản bác toàn bộ và cho rằng mình vô tội. Dẫn chứng cho khẳng định trên, BS Lương cho rằng chưa có văn bản nào của bệnh viện phân công nhiệm vụ cho bị cáo.
Luật sư bào chữa cho bác sỹ Lương cũng nhận định, cáo buộc của VKS không có căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học. Cụ thể, bị cáo chỉ thừa nhận được giao nhiệm vụ chữa bệnh và quản lý chuyên môn nhưng phủ nhận được giao nhiệm vụ quản lý đơn nguyên thận nhân tạo (khoa Hồi sức tích cực).
Luật sư dẫn chứng việc điều tra viên có ghi thêm vào biên bản lời khai của bác sỹ Lương về nhiệm vụ quản lý. Tuy nhiên, khi xem lại, bác sĩ không đồng ý nội dung này nên được xóa đi trong bút lục. Đối với chữ ký trong bản khai lần hai, bác sỹ Lương được điều tra viên mớm cung, thông cung bằng việc cho xem sổ ghi chép cuộc họp... Theo đó, bác sĩ xác nhận có cuộc họp này nhưng không hề thừa nhận được giao nhiệm vụ quản lý đơn nguyên chạy thận nhân tạo.
Luật sư cũng lưu ý cuốn sổ ghi chép cuộc họp là sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo bệnh viện mới chỉ đạo bổ sung vào biên bản cuộc họp là giao nhiệm vụ cho bác sỹ Lương. Tại phiên tòa, những người này đã thừa nhận việc ghi thêm.