Một số phụ huynh đang có con học tại trường này cho biết dù là những khoản thu thỏa thuận nhưng phụ huynh vẫn không được bàn, hay khoản thu tự nguyện nhưng vẫn ấn định mức. Điều đáng nói, trường này dù chưa được UBND phường và Phòng GD đồng ý nhưng đã thu tiền ngay sau buổi họp phụ huynh.
Không những vậy, rất nhiều những khoản thu được phụ huynh phản ánh nhưng để "che mắt" cơ quan chức năng, trường này chỉ ghi sơ sài những khoản tiền bắt buộc và những khoản thỏa thuận theo công văn hướng dẫn để trình xin UBND phường và Phòng Giáo dục.
Trường tiểu học Điện Biên 2 (TP Thanh Hóa). |
Thuê người gác nhà vệ sinh: Thu 50.000đ/HS
Dù đã thu 15.000đ/tháng tiền vệ sinh theo công văn hướng dẫn, trường này vẫn đặt ra một khoản vệ sinh khác nữa là 50.000đ khiến phụ huynh băn khoăn. Ngoài ra, dù không được “kinh doanh” đồng phục trong nhà trường nhưng Trường tiểu học Điện Biên 2 vẫn cố tình làm trong năm nay và những năm trước.
Riêng khoản tiền đồ dùng bán trú, theo công văn hướng dẫn đối với học sinh lớp 1 đóng ở mức 500.000đ/HS nhưng tại trường này lại đưa ra “luật” 500 nghìn đồng chỉ áp dụng cho học sinh trong phường, học sinh trái tuyến phải đóng 1200.000đ cũng khiến phụ huynh bất bình.
Tiền xã hội hóa không được đưa ra mức, tiền khuyến học không được kêu gọi học sinh đóng nhưng theo phụ huynh thì trường này vẫn đang làm trái với chỉ đạo.
“Trong buổi họp phụ huynh cô giáo nói tiền xã hội hóa và khuyến học là tùy tâm nhưng vẫn chốt mức tối thiểu 500 nghìn đồng/HS cho xã hội hóa, khuyến học 100 nghìn đồng. Tất cả những khoản thu đều được giáo viên chủ nhiệm phổ biến bằng miệng, ai ghi được thì ghi chứ không đưa cho phụ huynh một tờ danh sách cụ thể” - chị H. phụ huynh có con học lớp 1 cho biết.
Một phụ huynh có con đang học lớp 5 tại trường này cũng khẳng định: “Năm nào cũng thế, tiền xã hội hóa cứ nói không đưa ra mức nhưng năm nào cũng có mức tối thiểu, ai có điều kiện thì đóng thêm chứ làm gì được tùy ý ai đóng bao nhiêu thì đóng. Con tôi giờ lớp 5 nên tiền này đóng thấp hơn so với các khối dưới là 250 nghìn đồng.
Dù theo quy định, sau khi họp phụ huynh, bàn bạc thống nhất và tổng hợp các khoản rồi chuyển lên xin ý kiến của UBND phường và Phòng GD. Khi nào được hai đơn vị này duyệt mới thu nhưng tại trường này, ngay sau họp phụ huynh đã bắt đầu thu. Và dù thu tiền của học sinh nhưng không hề có phiếu thu và ký xác nhận.
Theo tìm hiểu của PV, xã hội hóa trường tiểu học Điện Biên 2 thu 500.000đ/HS đối với khối 1, khối 2: 450.000đ, khối 3: 400.000đ, khối 4: 350.000đ, khối 5: 250.000đ.
Hiện khối 1 đã thu hết các khoản còn khối 5 đã thu tiền khuyến học, xã hội hóa, quỹ lớp 500.000đ, quỹ trường 120.000đ.
Trao đổi về việc trên, bà Trần Thị Vân - Hiệu trưởng trường tiểu học Điện Biên 2 phủ nhận rất nhiều khoản mà phụ huynh phản ánh. Bà Vân cũng cho rằng phụ huynh nói nhà trường đưa ra mức đối với tiền xã hội hóa và khuyến học là không đúng mà chỉ kêu gọi thôi và phủ nhận việc đã thu tiền của học sinh khi chưa được các đơn vị liên quan duyệt.
Còn việc “kinh doanh” đồng phục cũng được bà Hiệu trưởng “đá bóng” sang cho Hội Cha mẹ. Bà Vân chỉ nhận thu thêm khoản 50.000đ/HS tiền vệ sinh mà phụ huynh cho là vô lý.
“Theo nguyện vọng của phụ huynh là phải có người gác con họ mỗi khi vào nhà vệ sinh nên tôi phải thuê 2 người ngồi ở ngoài cửa nhà vệ sinh 24/24. Trường thu thêm 50.000đ/HS để trả lương cho hai người này” - bà Vân giải thích.
Phụ huynh mua điều hòa, ti vi nhưng giáo viên thu tiền!
Cũng theo một số phụ huynh có con vừa bước vào lớp 1 tại trường này thì ngay khi vào lớp, phụ huynh đã được các cô trình bày về việc mua ti vi và điều hòa rằng “nếu các con không có điều hòa và ti vi để học thì sẽ rất thiệt thòi”.
“Họ nói thế rồi đưa ra giá điều hòa bao nhiêu, ti vi bao nhiêu, cứ thế chia đầu học sinh ra đóng. Tôi không hiểu năm nào cũng có khóa lớp 5 ra trường gửi tặng lại vậy tại sao không tiết kiệm bằng cách sử dụng lại đồ được tặng để bớt tiền đóng góp cho các con. Mức thu tiền mua điều hòa là 300.000đ; ti vi 700.000đ” - phụ huynh L. nói.
Trong khi đó, bà hiệu trưởng Trần Thị Vân lại khẳng định việc mua điều hòa và ti vi là việc của Hội Cha mẹ học sinh. Họ bàn nhau rồi mua để phục vụ việc học cho con.
Để minh chứng cho điều mình nói, bà Vân đưa ra bản bàn giao điều hòa và ti vi của phụ huynh.
Thế nhưng, điều lạ lùng là bà Vân nói rằng phụ huynh đứng ra mua nhưng khi nộp tiền thì các phụ huynh lại nộp tiền này cho cô giáo và nộp gộp với tất cả các khoản.
Tại Trường tiểu học Điện Biên 2, vừa qua dư luận cũng đặt ra nghi vấn là những suất ăn của học sinh bị “bớt xén”. Thực đơn ăn của học sinh cũng không được nhà trường công khai.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc!