Ba trường cùng nghiên cứu mô hình nước ngoài
Lý giải cho điều này, Bộ GD-ĐT cho rằng, hiện nay Bộ đang đầy mạnh việc tự chủ đại học. Cơ chế "cơ quan chủ quản" có sự can thiệp của cơ quan quản lý vĩ mô vào các vấn đề tự chủ, đặc biệt là bộ máy tổ chức, nhân sự và đầu tư của nhà trường. Vì vậy, việc “thoát” này tăng cường trách nhiệm, sử chủ động... của hội đồng trường và giảm mạnh sự can thiệp của bộ chủ quản vào trường đại học.
Sự thuận lợi đối với các trường là chắc chắn nhưng điều phải xem xét trước tiên là cơ chế quản lý Nhà nước với các trường sẽ thế nào... |
Trước chỉ đạo xây dựng đề án rời bộ chủ quản, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, mặc dù ông thừa nhận sẽ có rất nhiều khó khăn và thách thức đối với các trường.
“Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng là đơn vị tiên phong về tự chủ đại học, vì thế khi có chỉ đạo này, trường rất sẵn sàng và vui mừng đón nhận. Tất nhiên, sẽ có rất nhiều vấn đề trường cần xem xét và đề xuất”- ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ cùng với Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nghiên cứu các mô hình của nước ngoài, luật pháp của Việt Nam để trên cơ sở đó có những đề nghị trong đề án.
“Khó khăn chủ yếu sẽ liên quan đến hệ thống luật pháp, những gì liên quan đến quyền Bộ chủ quản thì bây giờ phải xem xét đầy đủ. Thứ hai, phải xem xét cả về cơ chế quản lý của Nhà nước khi không có bộ chủ quản thì cụ thể như thế nào. Những khó khăn sẽ nằm ở chính các văn bản quy phạm pháp luật, cần phải xem xét kỹ để đề xuất, tháo gỡ” – ông Sơn nói và cho biết, dự kiến trường sẽ mất một vài tháng để hoàn thiện đề án.
Tại TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng đang xây dựng đề án trường và dự kiến tháng 8 tới sẽ hoàn thành. Dự kiến dù bỏ cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục, các trường vẫn sẽ chịu sự quản lý về mặt tuyển sinh, đào tạo.
Nhận xét về chủ trương mới này, ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải, cho rằng, cả 3 trường được đề xuất rời bộ chủ quản đều là những trường đang thực hiện tự chủ và có những điều kiện tốt cả về cơ sở hạ tầng, đội ngũ giảng viên và truyền thống. Vì vậy, rời bộ chủ quản của các trường này là có thể làm được. Tuy nhiên, theo ông, các trường có rời bộ chủ quản hay không cũng đều phải chịu sự quản lý chung của Luật giáo dục và các quy định về tài chính.
Bớt một cấp quản lý
Theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, Nghị quyết 14/2005 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã đề cập chuyện bỏ cơ chế bộ chủ quản của các trường đại học công lập. Từ đó đến nay, vấn đề này được cập nhiều lần nhưng bỏ bộ chủ quản là bỏ gì, và bỏ sẽ thay thế bằng cái gì là vấn đề lớn.
Bởi thông thường các tổ chức sẽ gắn với nhau theo hệ thống quản lý từ trên xuống dưới. Ví dụ như ĐHQG không thuộc Bộ GD-ĐT mà trực thuộc Chính phủ và quản lý các đại học thành viên. Các trường trong ĐHQG có “bộ chủ quản” là ĐHQG, còn ĐHQG thì không có bộ chủ quản. Trong nghị quyết 14/2015/NQ-CP cũng nói rõ là với trường công, việc bỏ bộ chủ quan sẽ phải thay bằng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước phù hợp.
Sự chủ động trong ngân sách đầu tư hạ tầng, trang thiết bị hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu... của các trường là điều dễ thấy. |
“Có lẽ Bộ GD-ĐT thí điểm để ba trường này tự đề xuất, mỗi trường sẽ xây dựng một cơ chế bỏ bộ chủ quản riêng thay cho một quy tắc chung do Bộ đưa ra. Trong bối cảnh chưa có phương án chung như hiện nay, đây là cách thức phù hợp hơn so với cách Bộ xây dựng phương án và giao các trường thực hiện.”- ông Tùng nói.
Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng việc bỏ bộ chủ quản cần được nhìn nhận trên hai khía cạnh. Với Bộ GD-ĐT, việc bỏ bộ chủ quản không đơn thuần chỉ là cụ thể hóa hơn nữa việc tự chủ của các trường thuộc Bộ này, mà còn giải quyết vấn đề vừa “đá bóng vừa thổi còi” của Bộ GD-ĐT - vì hiện nay Bộ GD-ĐT vừa quản lý nhà nước, lại vừa quản lý nhiều trường đại học, cả trường trực thuộc Bộ, cả trường không thuộc Bộ. Mặt khác theo lộ trình, các trường đại học công như các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ thực hiện tự chủ về tài chính, không nhận kinh phí từ các cơ quan nhà nước thì thuộc cơ quan chủ quản không còn ý nghĩa gì nhiều.
Việc bỏ bộ chủ quản sẽ kèm theo quy chế đại diện cho sở hữu hoặc chủ của trường như thế nào đang là vấn đề để ngỏ. Hiện nay trường thực hiện tự chủ nhưng tài sản vẫn là của nhà nước, cần có cơ chế quản lý phần tài sản này của nhà nước.
Theo ông Tùng, một vấn đề cũng cần có phương án là với các trường công thuộc các bộ khác như Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay các tổ chức khác như Tổng Liên đoàn lao động thì việc bỏ bộ chủ quản như thế nào? Liệu các bộ ngành này và các trường thuộc bộ ngành này có muốn bỏ cơ chế chủ quản không. Hiện nay các bộ ngành này vẫn cung cấp kinh phí cho các trường, vẫn bảo lãnh cho các trường vay vốn xây trường... tuy sẽ phải để cho các trường tự chủ tài chính từ năm 2020 trở đi.
Với trường tư thục như Trường ĐH FPT, về mặt nguyên tắc Bộ GD-ĐT là cơ quan chủ quản nhưng chỉ quản lý về mặt nhà nước. Việc phê duyệt Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng hiện nay do UBND địa phương thực hiện. Thực chất, Tập đoàn FPT là cơ quan chủ quản của Trường ĐH FPT, do vậy việc bỏ hay không bỏ chủ quản là Bộ GD-ĐT với trường không phải là vấn đề.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, khi cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ hoàn toàn, được quản trị như doanh nghiệp (theo Nghị quyết 19-NQ/TW) thì mô hình quản trị nên áp dụng theo mô hình quản trị tư thục (trừ Hội đồng trường) và không còn cơ quan chủ quản.
Cho nên, nếu làm đúng chỉ đạo của Đảng tại NQ 19-NQ/TW tại Hội nghị Trung uơng 6 thì phải "bỏ cơ chế chủ quản" đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ hoàn toàn. Lúc này, Nhà nước quản lý thông qua Hội đồng trường và khi đó hội đồng truờng thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của Trường đại học (theo đúng Nghị quyết 19) và hiệu truởng chỉ là chức danh điều hành. Trường đại học cho dù là công lập hay tư thục sẽ còn một cấp quản lý là hội đồng truờng (đối với đại học tư là Hội đồng quản trị); không còn cảnh 2 cấp quản lý như hiện nay là vừa Hội đồng truờng vừa cơ quan chủ quản. Do vậy việc “thoát” khỏi cơ quan chủ quản là một xu hướng, tránh sự chồng chéo trong quản lý và đảm bảo hiệu quả quản lý cho các trường đại học.
Ông Sơn cho rằng việc Bộ GD-ĐT tổ chức thí điểm bỏ cơ chế chủ quản đối với ba trường đại học là xu thế tất yếu để thực hiện cơ chế tự chủ. Vì vấn đề này đã được đặt ra từ năm 2005 theo Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phù về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020. Rất tiếc, cho đến hôm nay chúng ta mới tổ chức “thí điểm”.
“Tôi cho rằng nên mở rộng thêm đối tượng áp dụng thí điểm này và cho phép các trường đại học đăng ký và xây dựng đề án tự chủ toàn diện – bỏ cơ quan chủ quản, ít nhất là với những trường chủ động đăng ký và xây dựng đề án, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nên mạnh dạn và dứt khoát cho họ được thí điểm thực hiện thay vì Nhà nước chỉ định đơn vị tổ chức thí điểm”- ông Sơn nói.