Giáo dục

Tự chủ đại học: Các trường thụ động trong công tác tuyển sinh

Admin

Theo quy định các trường đại học tự chủ được tự chủ trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, tất cả các trường này đều không muốn thực hiện mà với tâm lý cầu an, thụ động đều thực hiện theo phương thức tuyển sinh của Bộ. Đây cũng là trở ngại lớn trong quá trình đổi GDĐH nói chung cũng như với các trường tự chủ nói riêng.

Quy mô tuyển sinh có xu hướng giảm khi thực hiện tự chủ

Các trường tự chủ theo Nghị quyết 77 cũng như các cơ sở GDĐH khác trong cả nước đã được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục đại học và theo các tiêu chí của Bộ GD&ĐT.

Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu về tự chủ ĐH của trường ĐH Kinh tế quốc dân thực hiện tại 12 trường đại học công lập có quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 trước thời điểm tháng 7/2015 cho thấy, thực hiện qui định của Luật GDĐH, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tổ chức tuyển sinh riêng. Thực tế cho thấy các trường tự chủ vốn là các trường tốp đầu chủ yếu tham gia kỳ thi tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.

Giải thích lý do tại sao các trường tự chủ không muốn tuyển sinh riêng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã cho rằng: “Với thi chung thì các trường top trên rất yên tâm không suy nghĩ về tuyển sinh riêng. Cái khó nhất là làm đề thi thì Bộ đã làm cho các trường, họ không thiếu nguồn tuyển. Tuyển sinh riêng, có thể có nhiều rủi ro hơn nên các trường không muốn...” .

Điều này cho thấy tâm lý cầu an, thụ động là trở ngại lớn trong quá trình đổi GDĐH nói chung cũng như với các trường tự chủ nói riêng.

Theo khảo sát, về tổng thể, các trường tương đối hài lòng với việc tuyển sinh của mình, trong đó mức độ hài lòng nhiều nhất là được tự quyết định tiêu chuẩn tuyển sinh bên cạnh tiêu chuẩn chung toàn quốc và các hình thức tuyển sinh phù hợp với nhu cầu đào tạo.

Đánh giá về tự chủ trong tuyển sinh (Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, 2017)


Qui mô tuyển sinh của các trường có xu hướng giảm xuống sau khi tự chủ. Có tới 5/11 trường tự chủ giảm quy mô sinh viên so với giai đoạn trước tự chủ, trong đó giảm nhiều nhất là trường ĐH Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, trường ĐH Kinh tế quốc dân, trường ĐH Tài chính Marketing và Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Các trường tăng nhiều về quy mô tuyển sinh là trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường ĐH Mở Tp. Hồ Chí Minh, trường ĐH Công nghiệp Tp Hồ Chí Minh và trường ĐH Công nghiệp thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh.

Một số nguyên nhân của sự suy giảm này là do thay đổi nhu cầu lao động xã hội và thay đổi nhận thức của người dân; số lượng các trường đại học tăng lên, việc “đỗ đại học” không còn quá danh giá và việc sở hữu một tấm bằng đại học cũng không thể thay thế cho kiến thức và kinh nghiệm làm việc; học phí của các trường tự chủ có sự khác biệt và thường cao hơn so với mặt bằng chung khiến người học cân nhắc nhiều hơn khi chọn trường và quy mô sinh viên chính quy của các trường đại học bị giới hạn ở 15.000 sinh viên theo qui định lại Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT.

Nghiên cứu đánh giá, việc tuyển sinh ở các trường đại học nói chung và các trường tự chủ nói riêng trong những năm gần đây không có những khó khăn nổi cộm. Mặc dù vậy các trường đều nhận thức được rằng, nếu vấn đề này không được quan tâm thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong tương lai.

 Quy mô tuyển sinh của các trường. Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của các trường, 2017


Mặc dù qui mô tuyển sinh của các trường tự chủ có xu hướng giảm nhưng xét trong tổng thể hệ thống GDĐH, qui mô đào tạo của toàn bộ các trường đại học bắt đầu giảm từ năm học 2015-2016, tức là năm học đầu tiên sau khi triển khai NQ77.

 Quy mô đào tạo đại học của các trường giai đoạn 2013-2017. Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của các trường và số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, 2017


Tăng quy mô đào tạo chương trình tiên tiến, chất lượng cao

Trong bối cảnh qui mô tuyển sinh giảm, nhiều trường tự chủ đã nhanh chóng thích ứng, thay đổi một số định hướng đào tạo ở các hệ khác nhau. Đào tạo chính quy đại trà có phần suy giảm trong khi quy mô các chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2015.

Qui mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và các chương trình liên kết nước ngoài không có sự biến động lớn. Các trường tăng nhiều chỉ tiêu đào tạo chương trình tiên tiến, chất lượng cao là trường ĐH Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trường ĐH Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, trường ĐH Ngoại thương...

 Quy mô sinh viên theo các hệ đào tạo 2013-2016. Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của các trường, 2017


Ghi chú: Hình vẽ chỉ thể hiện xu hướng chung. Số liệu quy mô đào tạo chính quy đại trà đã được giảm giá trị tuyệt đối 3 lần so với dữ liệu gốc để dễ theo dõi.

Nhóm nghiên cứu nhận định, thực tế khảo sát cho thấy, không phải cơ sở GDĐH tự chủ nào cũng tuân thủ mọi quy định liên quan tới việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh. Một số trường chưa đảm bảo tiêu chí về cơ sở vật chất như diện tích sàn xây dựng và tiêu chí sinh viên/giảng viên theo quy định hoặc xác định chỉ tiêu hoặc tuyển sinh vượt chỉ tiêu.

Tuy nhiên, về cơ bản, số sinh viên ra trường hàng năm phù hợp với chỉ tiêu đào tạo của nhà trường do trong quá trình đào tạo, khoảng 5-10% số sinh viên không tiếp tục theo học (do nghỉ học, do bị buộc thôi học hoặc đi du học v.v.)

Các trường không tổ chức tuyển sinh riêng, mà chủ yếu tham gia kỳ thi tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, bởi vì đa số các trường tự chủ trên 2 năm đều là những trường có uy tín, thương hiệu nên có nhiều thuận lợi trong tuyển sinh và tiết kiệm chi phí trong tuyển sinh.