Du lịch

Tục khiêu vũ cùng người chết ở Madagascar

Lợi Trần

Các thành viên trong một gia đình ở Madagascar cùng xuống hầm mộ, bốc những nắm xương tàn còn sót lại của người chết, đóng gói tấm vải liệm mới và nhảy múa quanh nó.

Cùng với hàng cây bao báp, tục lệ khiêu vũ cùng người chết là hai điều giúp mảnh đất Madagascar nổi tiếng và thu hút du khách thế giới ghé thăm.
 
Người dân tại đảo quốc này có một truyền thống nhớ ơn tổ tiên và thắt chặt tình thân trong gia đình khá độc đáo, được gọi là Famadihana (Lễ thay xương). Nghi này thường diễn ra trong hầm mộ của gia đình 7 năm một lần hoặc lâu hơn.
 
Tổ chức lễ Famadihana khá tốn kém, và trở thành nỗi lo lắng cho những gia đình nghèo. Ảnh: Behance.
 
Trong buổi lễ này, người ta sẽ nhặt nhạnh lại các mảnh xương khô từ bộ hài cốt được bốc lên, đem gói gém cẩn thận vào một tấm vải liệm mới. Sau đó, mọi người trong gia đình, từ già trẻ, trai gái đều nhảy múa quanh những người đã khuất.
 
Lúc này, nhạc sẽ được bật lên, gia súc được giết mổ để làm cỗ bàn và chia sẻ cho từng thành viên trong gia đình cũng như một vài người khách - các nhân vật rất thân thiết và quan trọng. 
 
Đây cũng là cơ hội để người già giảng giải cho con cháu nghe về tầm quan trọng của tổ tiên, những người đã nằm xuống trước họ. Famadihana được coi là ngày mà các thành viên trong gia đình ngồi lại với nhau, cùng ăn uống, truyện trò vui vẻ. Nghi lễ này được coi là khá gần với tục lệ bốc mộ ở Việt Nam.
 
Theo tín ngưỡng của người dân bản địa, mọi người sinh ra không phải từ cát bụi, mà từ máu thịt của người thân trong dòng tộc. Do đó, họ rất trân trọng và tôn thờ các vị tổ tiên của mình.
 
Ở Madagascar, người ta cũng tin rằng con người sau khi chết chỉ có xác thịt tan vào cát bụi, còn linh hồn thì vẫn có thể liên lạc với người sống. Do đó, cho đến khi các bậc tổ tiên ra đi mãi mãi, họ vẫn được người thân tưởng nhớ qua lễ Famadihana. Lễ hội này bắt đầu hình thành và phổ biến từ thế kỷ 17.
 
Trong ngày hội này, không người thân nào trong gia đình được khóc. Thay vào đó, họ thể hiện thái độ vui vẻ nhằm chào đón linh hồn người chết trong dòng tộc trở về. Ảnh: Odd.
 
Việc tổ chức lễ Famadihana được coi là khá tốn kém, vì nó liên quan đến các bữa tiệc xa hoa cho người sống và quần áo mới cho người chết. Nhiều gia đình nghèo ở đây không thể xây được một hầm mộ riêng cho gia đình mình hoặc tổ chức lễ thay xương. Họ thường bị xã hội coi thường và chỉ trích.
 
Ngày nay, quan điểm này đã dần thay đổi. Nhiều người bắt đầu suy nghĩ rằng lễ hội là một sự lãng phí, không cần thiết. Cũng không còn nhiều người tin rằng các linh hồn có thể quay về và nói chuyện với người sống, do đó lễ hội này ngày càng có nhiều ý kiến trái chiều.
 
Famadihana là một lễ hội lớn đối với người bản địa. Ảnh: Odd.
 
Rakotonarivo Henri, một người nông dân cho biết ông vừa tổ chức Famadihana cùng gia đình. "Tôi đã nhảy cùng hài cốt của ông nội và dì của ông. Thật tốt khi chúng tôi làm điều này để cảm ơn tổ tiên, vì tôi nợ họ mọi thứ. Tôi đã cầu xin họ sức khỏe và tất nhiên, họ cũng phù hộ cho tôi có tiền bạc và sự no ấm".
 
Jean Ratovoherison, một cư dân 30 tuổi lại có cái nhìn khác: "Chúng tôi không tin rằng có thể giao tiếp với người chết. Nhưng tôi tin lễ Famadihana giúp các mối quan hệ trong gia đình được thắt chặt hơn. Người dân Madagascar rất nhiệt tình và háo hức trong các buổi lễ này. Khi người chết được mang ra khỏi hầm mộ, không ai được khóc lóc, kêu gào và mọi người sẽ được khuyến khích khiêu vui, thể hiện niềm vui trong dịp này".
 
Đạo Công Giáo và đạo Hồi tại Madagascar từng cố gắng ngăn cấm tục lệ này diễn ra nhưng không thành công. Ngày nay, nhà thờ đạo Công Giáo ở Madagascar còn cho phép tục lệ này diễn ra và coi đây là một truyền thống tốt đẹp chứ không chỉ là những nghi lễ tôn giáo.
 
Loài cây kiêu ngạo ở Madagascar
 
Theo Wiki, Madagascar có tên chính thức là nước cộng hòa Madagasar, là một đảo quốc nằm trên Ấn Độ Dương và ngoài khơi bờ biển châu Phi.
 
Đảo giành được độc lập từ Pháp vào năm 1960. Từ năm 1992, quốc gia chính thức được quản lý như một nền dân chủ lập hiến với thủ đô là Antananarivo. 
 
Tiếng Malagasy và tiếng Pháp đều là các ngôn ngữ chính thức của đảo quốc. Phần lớn dân số trung thành với các đức tin truyền thống, Ki-tô giáo, hoặc pha trộn cả hai.
 
Vé máy bay từ Việt Nam tới Madagascar tối thiểu khoảng 1.200 USD, tùy thuộc vào từng thời điểm và hãng bay.
 
Tới đảo quốc này, bạn sẽ được ăn nhiều món đặc sản như thịt bò hầm omazava, thịt lợn và lá sắn băm nhỏ ravitoto, loại xúc xích máu gia cầm sesika, lươn nhồi smalona, nhâm nhi ly rượu Malagas hay anovola…

Tác giả bài viết: Anh Minh